Cổ phiếu CTD tại thời điểm hiện tại có gì hấp dẫn? Nhà đầu tư có nên mua vào cổ phiếu này và cần quan tâm đến những yếu tố nào của cổ phiếu CTD?
1. Giới thiệu về CTD
Được thành lập vào năm 2004, CTCP Xây dựng Coteccons đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, thương mại, và gần đây là công nghiệp. Công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2010 với mã chứng khoán CTD.
Sau cuộc xung đột nội bộ trong giai đoạn 2017-2020 và ban lãnh đạo mới lên nắm quyền, CTD tái khẳng định vị thế đầu ngành với việc trúng gói thầu xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi LEGO vào năm 2022 – nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn LEGO với các yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật và việc kiểm soát tác động đến môi trường.
CTD đã chứng minh năng lực và uy tín thông qua hơn 400 dự án trải khắp Việt Nam và các nước láng giềng (Lào, Campuchia, Myanmar). Là doanh nghiệp xây dựng tiên phong tại Việt Nam áp dụng mô hình quản lý theo tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), CTD nhắm đến các dự án xanh của các chủ đầu tư ngoại trong bối cảnh dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam tiếp tục dồi dào trong dài hạn.
Hệ sinh thái Coteccons
CTD sở hữu bảy công ty thành viên và có ba công ty liên kết, trong đó, CTD sở hữu trực tiếp 2 công ty là Unicons và Covestcons: Unicons cung cấp dịch vụ xây dựng và lắp đặt thiết bị cho các dự án quy mô vừa và nhỏ (trong khi công ty mẹ Coteccons tập trung vào các đại dự án).
Hoạt động chính của Covestcon là môi giới, kinh doanh bất động sản và tìm kiếm các cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa các nguồn thu nhập của tập đoàn.
Nguồn: CTD, tổng hợp
Các dự án tiêu biểu mà Coteccons đã thực hiện:
+ Vinhomes Central Park – 43,9ha
+ Vinhomes Ocean Park 2 – 459,8ha
+ Ecopark Swan Lake – 100ha – Giá trị gói thầu: 4.000 tỷ VND
+ Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast – 335ha
+ Tổ hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất – 619ha
2. Cơ cấu cổ đông của CTD
Kustoshem (nắm giữ 17,6%) là một thành viên của Kusto Group (trụ sở chính tại Singapore) – tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực, đã tham gia nhiều thương vụ đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp như Gemadept, VCM (thành viên của SCG Xi măng)...
Nguồn: CTD, Tổng hợp
Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp của CTD
Giai đoạn 2019-20 chứng kiến cuộc xung đột căng thẳng giữa nhóm cổ đông lớn và ban lãnh đạo cũ dẫn đến việc cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và những người thân cận rời Coteccons. Công cuộc tái cấu trúc bắt đầu diễn ra trên phạm vi toàn tập đoàn.
Tại thời điểm đó đã có nhiều nghi ngờ về việc liệu Coteccons có thể tái cấu trúc thành công sau sự ra đi của những nhân sự cốt cán hay không.
Tuy nhiên với việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, tổng số lượng lao động của CTD đã giảm 20,5% về mức 1.807 người trong năm 2020, và tiếp tục giảm xuống còn 1.764 người vào năm 2021, tuy nhiên số lượng nhân sự có kinh nghiệm lại tăng lên đáng kể.
Tính đến tháng 6/2023, nhân sự với 5 năm kinh nghiệm trở lên chiếm 40% tổng lực lượng lao động, đạt 905 người. Bộ máy lãnh đạo mới có cấu trúc toàn diện hơn với sự góp sức của các chuyên gia trong mảng tài chính và quản trị doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
3. Vốn hóa thị trường của CTD
Tính đến thời điểm tháng 5/2024, CTD có vốn hóa thị trường lên tới 6.595 tỉ VND, tương ứng với mức giá cổ phiếu là ~ 66.000 VND/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu CTD từ năm 2018 đến năm 2024
Biểu đồ khung 1 tuần của CTD (Nguồn: Fireant)
Kể từ năm 2017 cho đến nay giá cổ phiếu có nhiều biến động phản ánh sự quan ngại của thị trường về việc nội bộ doanh nghiệp có nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên kể từ năm 2020 khi doanh nghiệp tái cấu trúc thành công giá cổ phiếu đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Giá cổ phiếu đã tăng từ 19.000 VND/cổ phiếu vào năm 2022 lên mức 66.000 VND/cổ phiếu như hiện nay.
So sánh hiệu suất đầu tư của CTD và VNIndex từ năm 2017 đến năm 2023
Biểu đồ khung 1 tuần của CTD (Nguồn: Fireant)
Kể từ năm 2017 cho đến nay hiệu quả đầu tư khi mua vào cổ phiếu CTD ở mức kém so với việc đầu tư vào chỉ số VNindex khi mà chỉ số VNindex cho mức sinh lời 68%, trong khi cổ phiếu CTD cho mức sinh lời -49%.
Có thể thấy CTD thích hợp với nhà đầu cơ cổ phiếu hơn khi mà giá cổ phiếu có nhiều biến động và hiệu quả trong việc nắm giữ cổ phiếu lâu dài không có.
Từ khi niêm yết cho đến nay, CTD hầu như lức nào cũng thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu CTD lâu dài. Như đã phân tích ở trên, việc nắm giữ cổ phiếu CTD lâu dài làm giá trị khoản đầu tư suy giảm trầm trọng.
Nguồn: Vietstock
4. Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu CTD
☀️ CTD có tình hình tài chính lành mạnh so với các doanh nghiệp xây dựng khác:
Khả năng thanh toán của chủ đầu tư dự án là một trong nhưng vấn đề trọng yếu có ảnh hưởng trực tiếp lên dòng tiền của các nhà thầu xây dựng. Khi hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản ảm đạm và việc huy động vốn từ các kênh ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn khiến cho chủ đầu tư chậm trễ trong việc thanh toán tiền cho các nhà thầu. Tuy nhiên, các đối tác của Coteccons là các doanh nghiệp lớn và uy tín tại Việt Nam bao gồm: Vingroup, Hòa Phát … nhờ vậy rủi ro khoản phải thu khó đòi được giảm xuống.
Khoản phải thu khách hàng ngắn hạn của CTD tăng 37,0% svck lên 10.927 tỷ đồng trong năm 2022, và tiếp tục tăng lên 11.670 tỷ đồng vào năm 2023. Sự tăng lên trong khoản phải thu đi cùng với việc doanh nghiệp có được nhiều dự án với quy mô lớn, doanh nghiệp quản trị tốt việc thu hồi công nợ.
Nguồn: CTD, tổng hợp
Dòng tiền đang được cải thiện khi dòng tiền thuần từ hoạt đông kinh doanh đạt 1.467 tỷ VND cải thiện đáng kể từ mức -1.627 tỷ VND.
Năm 2023, lượng tiền mặt của doanh nghiệp đã tăng thêm 1.778 tỷ VND, đảm bảo hoạt động tài chính của doanh nghiệp ổn định.
Nguồn: CTD, tổng hợp
Bên cạnh đó, CTD duy trì lượng tiền mặt dồi dào và vay nợ ở mức thấp, tỉ lệ nợ vay/tổng tài sản của doanh nghiệp trong năm 2023 chỉ đạt ~6%, tỉ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ đạt ~14.5%, đảm bảo tình hình tài chính của doanh nghiệp vững mạnh.
☀️ Định giá đang ở mức thấp
Về mặt định giá, cổ phiếu CTD đang ở mức thấp khi giá trị P/B của cổ phiếu hiện tại đang ở mức 0.77 cho thấy vốn hóa của cổ phiếu đang thấp hơn giá trị sổ sách 23%.
5. Phân tích biểu đồ cổ phiếu CTD
Trên đồ thị tuần, giá cổ phiếu CTD hiện đang được giao dịch ở mức giá 67.200 VND/cổ phiếu.
Hiện tại giá cổ phiếu đang duy trì trong xu hướng tăng giá bền vững (đường màu đỏ).
Theo chỉ báo Volume profile, hiên tại giá cổ phiếu đã vượt qua ngưỡng 38% tổng khối lượng giao dịch. Điều này cho thấy giá cổ phiếu CTD hiện đang có nhiều tiềm năng tăng giá khi phần lớn khối lượng cổ pheieus giao dịch đang nằm trong tay tổ chức lớn.
Biểu đồ khung 1 tuần của CTD ngày 6 tháng 5 (Nguồn: Fireant)
Trên đồ thị ngày, có thể nhận thấy áp lực bán cổ phiếu đang giảm dần khi mà khối lượng bán ra ngày càng suy giảm (mũi tên màu xanh) khi giá cổ phiếu tiến sát đến ngưỡng hỗ trợ 60.000 VND/cổ phiếu.
Tuy nhiên, với việc RSI (3) đang ở ngưỡng cao (77), không loại trừ khả năng cổ phiếu CTD sẽ có nhịp chỉnh nhẹ trước khi tiếp tục tăng giá.
Biểu đồ khung 1 ngày của CTD ngày 6 tháng 5 (Nguồn: Fireant)
Trên đồ thị khung 1 giờ, đồ thị giá cổ phiếu CTD cho thấy áp lực bán ra gia tăng khi mà khối lượng bán ra đang tăng dần lên.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu CTD hiện đang nằm trong khung tam giác (màu vàng). Do đó, nhiều khả năng giá cổ phiếu CTD sẽ có nhịp điều chỉnh nhẹ về mức 66.000 VND/cổ phiếu trước khi tăng vượt ra khỏi khung tam giác (màu vàng).
Theo đó, dự kiến giá cổ phiếu CTD sẽ tăng lên mức 77.000 VND, tương đương với mức P/B ~ 1.
Biểu đồ khung 1 giờ của CTD ngày 06 tháng 5 (Nguồn: Fireant)
6. Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu CTD
Cơ hội:
✔️ Tình hình tài chính lành mạnh:
• Khả năng thanh toán tốt do các đối tác uy tín.
• Dòng tiền đang được cải thiện, tiền mặt dồi dào và vay nợ ở mức thấp.
• Tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản và nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp.
• Hiện tại CTD đang được xếp hạng tín nhiệm mức BBB – doanh nghiệp hoạt động ổn định.
✔️ Định giá hấp dẫn:
• P/B ở mức 0.77, thấp hơn giá trị sổ sách 23%.
✔️ Hưởng lợi từ đầu tư công:
• Chính phủ Việt Nam tăng chi cho đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng, bất động sản, khu công nghiệp - đây là những mảng thị trường chính của CTD.
• Doanh nghiệp đang mở rộng sang lĩnh vực xây dựng công nghiệp – xây dựng nhà máy quy mô lớn cho các doanh nghiệp FDI. Đây là mảng kinh doanh đem lại mức lợi nhuận gộp cao hơn và có tiềm năng lớn hơn do Việt Nam đang là điểm đến của dòng vồn của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI).
✔️ Ban lãnh đạo mới năng động:
• Ban lãnh đạo mới với chiến lược phát triển rõ ràng, tập trung vào các dự án xanh, có lợi nhuận cao, chú trọng trong việc nâng cao uy tín của doanh nghiệp từ đó xây dựng được các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các chủ đầu tư lớn.
• Cấu trúc quản trị được cải thiện, minh bạch hơn đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.
Rủi ro:
⭕ Rủi ro ngành:
• Ngành xây dựng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bát động sản trong thời gian tới. Nguy cơ lãi suất tăng trở lại là rủi ro dẫn đến thị trường bất động sản trầm lắng trở lại. Điều này sẽ tác động tiêu cực dán tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng như CTD.
• Giá nguyên vật liệu có thể biến động mạnh ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc thi công các đại công trình khiến cho CTD thường xuyên phải tích trữ lượng lớn hàng tồn kho là vất liệu xây dựng (thép, xi măng …). Khi giá nguyên vật liệu thay đổi khiến cho chi phí giá vốn hàng bán thay đổi và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
⭕ Rủi ro pháp lý:
• Ngành xây dựng thường xuyên thay đổi các quy định pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
• Nguy cơ tranh chấp hợp đồng với chủ đầu tư và chậm thanh toán từ chủ đầu tư.
7. Tiềm năng tăng trưởng lớn trong năm 2024:
• Trong năm 2024, ngành xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu phục hồi trở lại dựa vào hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh cùng với đó là nền kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi trở lại.
• Năm 2024, doanh nghiệp đã ký thêm được hàng loạt các dự án lớn bao gồm:
KN Paradise (giai đoạn 2)
Bệnh viện Hạnh Phúc
Crystal Holidays Habour Vân Đồn
Khu công nghiệp Hổ Nối (giai đoạn 2)
Tiến bộ Plaza
Golden Crown Hải Phòng
Nhà máy bia Heineken Đà Nẵng mở rộng
Trung tâm thương mại Go!
8. Nhà đầu tư có nên mua vào cổ phiếu CTD thời điểm này?
CTD hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng cao tại mức giá hiện tại. Với kết quả kinh doanh ấn tượng, CTD liên tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận, thể hiện sức khỏe tài chính vững mạnh và khả năng vận hành hiệu quả. Chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp, dòng tiền dồi dào và khả năng thanh toán tốt, đảm bảo sự an toàn cho khoản đầu tư của nhà đầu tư.
Ngành xây dựng được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong những năm tới, tạo động lực tăng trưởng cho doanh thu và lợi nhuận của CTD. Mức giá hiện tại của CTD đang được định giá ở mức hấp dẫn với P/B thấp hơn giá trị sổ sách, mang lại tiềm năng sinh lời cao cho nhà đầu tư.
Ban lãnh đạo mới của CTD năng động, có chiến lược phát triển rõ ràng, tập trung vào các dự án có lợi nhuận cao và mở rộng sang thị trường quốc tế, hứa hẹn cho sự phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp trong năm 2024.
Trong ngắn hạn, cổ phiếu CTD đang phải trong giai đoạn tích lũy khi phân lớn khối lượng giao dịch hiện đang được tổ chức đầu tư nắm giữ. Nhà đầu tư có thể mua vào cổ phiếu tại vùng giá hiện tại.
Mức giá mua vào: 66.000 – 67.000 VND/cổ phiếu.
Mức chốt lời 77.000 VND/cổ phiếu.
Mức cắt lỗ 63.500 VND/cổ phiếu.
CTD có điểm lợi thế nào so với các doanh nghiệp xây dựng khác?
Cổ phiếu CTD phù hợp phong cách đầu tư nào?
Đâu là các công ty xây dựng là đối thủ cạnh tranh chính của của CTD?
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.