Tín phiếu là gì? Các loại hình tín phiếu tại Việt Nam? Vì sao nhà đầu tư cần quan tâm đến lãi suất tín phiếu?
Khái niệm tín phiếu là một thuật ngữ quen thuộc đối với những người làm trong ngành ngân hàng – tài chính, tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ về việc sử dụng công cụ này khi tham gia giao dịch đầu tư nói chung. Trong bài viết này, hãy cùng Mitrade tìm hiểu về các loại hình tín phiếu tại Việt Nam, xu hướng lãi suất tín phiếu cũng như những lưu ý khi phân tích công cụ tín phiếu gắn với quyết định đầu tư.
1. Tín phiếu là gì? Đặc điểm của tín phiếu
Tín phiếu là một loại giấy nợ do Ngân hàng Nhà nước hoặc Kho bạc Nhà nước phát hành, có kỳ hạn dưới 1 năm. Mục đích chính của tín phiếu là điều tiết lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu chính sách trong từng thời kỳ. Chẳng hạn, đối với Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành tín phiếu có thể nhằm mục tiêu ngắn hạn để rút bớt tiền dư thừa trên hệ thống ngân hàng, qua đó giúp đẩy tăng mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn. Còn đối với Kho bạc Nhà nước, phát hành tín phiếu kho bạc có thể giúp bù đắp sụt giảm tạm thời của Ngân sách nhà nước.
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước | Tín phiếu Kho bạc Nhà nước | |
Khái niệm | Là công cụ nợ phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước nhằm hút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn, nhằm đáp ứng mục tiêu chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, thắt chặt | Là công cụ nợ phát hành bởi Kho bạc Nhà nước nhằm bù đắp thiếu hụt tạm thời của Ngân sách Nhà nước |
Thời hạn | Không được vượt quá 1 năm | Không được vượt quá 1 năm, thường là 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần |
Đối tượng mua | Các tổ chức tín dụng | Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… |
Đơn vị tiền | VND | VND |
Mệnh giá | 100 nghìn đồng hoặc bội số của 100 nghìn đồng | 100 nghìn đồng hoặc bội số của 100 nghìn đồng |
Lãi suất | Do Ngân hàng Nhà nước ấn định dựa trên cơ sở số lượng tổ chức tín dụng tham gia, tùy theo diễn biến thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ | Do Bộ Tài chính quy định theo từng phiên đấu thầu |
Nhìn chung, đặc điểm chung của tín phiếu tại Việt Nam là có thời gian nắm giữ ngắn, lãi suất tương đối thấp do mức độ rủi ro gần như bằng 0 (các tổ chức phát hành là các cơ quan Chính phủ), đối tượng sở hữu thông thường sẽ là các định chế tài chính lớn (tổ chức tín dụng, các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư…).
Tại Việt Nam, khái niệm tín phiếu thường được thị trường hiểu gắn liền với tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Các thông tin xoay quanh các thay đổi chính sách tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước thường được thị trường quan tâm do nó có thể định hướng chính sách tiền tệ trong giai đoạn tiếp theo và có tác động mạnh đến thị trường. Do đó, khái niệm tín phiếu trong các phần tiếp theo của bài viết sẽ được hiểu là tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
2. Vì sao nhà đầu tư cần quan tâm đến tín phiếu?
Tín phiếu là một công cụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước nhằm thực thi chính sách tiền tệ, để điều hòa lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế và thực hiện các mục tiêu như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá hay thúc đẩy tăng trưởng. Các chính sách này là yếu tố cực kỳ quan trọng để xác định xu hướng của thị trường tài chính trong tương lai.
Chẳng hạn, khi nền kinh tế rơi vào pha tăng trưởng mạnh, lượng tiền trong lưu thông sẽ có xu hướng tăng cao và có thể dẫn đến lạm phát. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước lúc này sẽ sử dụng tín phiếu để hút bớt tiền trên hệ thống ngân hàng thương mại và giúp dòng tiền lưu chuyển nhịp nhàng hơn.
Một trường hợp nữa là khi nền kinh tế chịu một cú sốc từ bên ngoài, khiến tỷ giá trong nước chịu áp lực. Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng tín phiếu để hút bớt tiền trong lưu thông, qua đó đẩy tăng mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn và giảm bớt áp lực cho tỷ giá, thông qua đẩy tăng chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền của Việt Nam và các nước khác.
Hoặc ngược lại, khi thanh khoản trên hệ thống ngân hàng gặp khó khăn (các ngân hàng thiếu tiền tạm thời trong ngắn hạn), Ngân hàng Nhà nước có thể ngừng sử dụng công cụ tín phiếu, mà thay vào đó là sử dụng kênh hoạt động thị trường mở (OMO) để cung cấp tiền hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, giúp các ngân hàng đáp ứng được lượng thiếu hụt tạm thời để đảm bảo dự trữ bắt buộc, các tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng.
Nhà đầu tư cần quan tâm đến tín phiếu vì nó thể hiện ý chí chính sách của cơ quan quản lý. Đặc biệt cần lưu ý các thông tin như thay đổi lãi suất tín phiếu (lãi suất cho thấy xu hướng thắt chặt gia tăng và ngược lại), kỳ hạn tín phiếu (kỳ hạn càng dài càng cho thấy xu hướng muốn thắt chặt và ngược lại), khối lượng tín phiếu (khối lượng càng tăng cho thấy xu hướng thắt chặt cao hơn).
3. Quy trình phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước
Tại Việt Nam, công cụ tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước thường xuyên được sử dụng một cách linh hoạt để can thiệp điều tiết lượng tiền trên hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo Thông tư số 16/2019/TT-NHNN, tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước được phát hành theo phương thức đấu thầu hoặc phương thức bắt buộc. Thông thường, phương thức đấu thầu phổ biến hơn là đấu thầu qua thị trường mở, còn đấu thầu bắt buộc thì tùy thuộc vào tình hình thực tế trong từng thời kỳ.
Hai phương thức phổ biến được áp dụng khi phát hành tín phiếu là đấu thầu lãi suất và đấu thầu khối lượng.
☀️ Đấu thầu khối lượng: Ngân hàng Nhà nước sẽ xét thầu dựa trên cơ sở khối lượng giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại, khối lượng giấy tờ có giá cần mua/bán của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất sẽ do Ngân hàng Nhà nước thông báo.
☀️ Đấu thầu lãi suất: Ngân hàng Nhà nước sẽ xét thầu dựa trên cơ sở lãi suất dự thầu, khối lượng giấy tờ có giá dự thầu của các thành viên và lãi suất xét thầu của Ngân hàng Nhà nước, khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước định bán.
Sau khi các ngân hàng thương mại nộp đơn đấu thầu tùy hai hình thức trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và công bố kết quả về lãi suất trúng thầu, khối lượng trúng thầu, số đơn vị tham gia trúng thầu (vào khoảng cuối giờ chiều hàng ngày).
4. Ứng dụng phân tích kết quả phát hành tín phiếu gắn với giao dịch đầu tư chứng khoán tại Việt Nam
Thời gian vừa qua, từ khóa tín phiếu trở nên nóng dần lên với thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, trong nhiều phiên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh, nhà đầu tư còn “đổ lỗi” cho việc giảm của thị trường gắn liền với động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Nhìn chung, nhận định trên có phần phiến diện, bởi tín phiếu chỉ là công cụ điều tiết dòng tiền của cơ quan quản lý trong ngắn hạn, không đồng nghĩa với sự dịch chuyển hoàn toàn về chính sách tiền tệ. Để phân tích tác động của việc phát hành tín phiếu đến thị trường chứng khoán, cần xem xét thêm các yếu tố khác như bối cảnh thị trường, chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư…
Theo thống kê của Công ty chứng khoán BSC, các giai đoạn Ngân hàng Nhà nước hút ròng thanh khoản hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu không hẳn có tương quan mạnh với thị trường. Chẳng hạn giai đoạn đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 210 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, tới tháng 5-6 mới trả lại thị trường với dòng tín phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, thị trường giai đoạn này nhìn chung đi ngang biên độ hẹp trước khi chứng kiến sóng tăng mạnh tới đầu tháng 9.
Tuy nhiên, trong một số giai đoạn khác, chẳng hạn như năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phải hút tín phiếu trên hệ thống ngân hàng với quy mô lớn để hút ròng thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó đẩy tăng mặt bằng lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng để giảm sức ép lên tỷ giá.
Nhìn chung, thông thường cơ chế của việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu thường xuất phát từ hai nguyên nhân:
֎ Thứ nhất, thanh khoản dòng tiền trên hệ thống ngân hàng đang rất dư thừa, cần phải hút bớt tiền để trung hòa. Chẳng hạn, giai đoạn 2017-2020, lượng ngoại tệ chảy vào Việt Nam rất lớn do dòng vốn FDI, xuất khẩu tăng mạnh, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành hút tín phiếu để tránh việc lạm phát gia tăng và nguy hiểm hơn là các ngân hàng dư thừa vốn đẩy mạnh cho vay, nới lỏng điều kiện vay vốn và tăng nợ xấu.
֎ Thứ hai, áp lực tỷ giá USD/VND tăng mạnh (chẳng hạn những năm 2018, 2022), Ngân hàng Nhà nước phải phát hành tín phiếu để đẩy tăng mặt bằng lãi suất trong nước, kéo giãn chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền để giảm áp lực cho tỷ giá.
Đối với trường hợp 1, đây là một xu hướng tích cực cho Việt Nam, phản ánh điều kiện về kinh tế vĩ mô trong nước đang thuận lợi; do đó, thị trường chứng khoán thường tăng điểm trong giai đoạn này. Các động thái hút tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước thường không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong trường hợp này.
Đối với trường hợp 2, tỷ giá chịu áp lực tăng thường là điều không tốt và thị trường chứng khoán thường đi xuống trong giai đoạn này. Hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước đơn thuần là một công cụ để ổn định thị trường; do đó, cũng không phải là yếu tố căn bản khiến thị trường chứng khoán đi xuống.
Theo đó, nhà đầu tư cần hiểu rõ bản chất của vấn đề, bối cảnh và nguyên nhân dẫn đến động thái phát hành tín phiếu của cơ quan quản lý để có cái nhìn khách quan nhất trước khi ra quyết định đầu tư.
Biểu đồ lãi suất phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước kể từ năm 2018 – nay (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, đơn vị: %năm)
Đối chiếu với diễn biến lãi suất phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, có thể thấy, lãi suất cũng biến động theo điều kiện vĩ mô tại từng giai đoạn, dẫn dắt là đà tăng của tỷ giá trong nước. Chẳng hạn, các giai đoạn lãi suất tín phiếu tăng cao (2018, 2022, 2024), áp lực lên tỷ giá USD/VND thường rất lớn:
⭐️ Năm 2018, tỷ giá USD/VND tăng 2-3% trong tháng 6-8 khi xung đột thương mại Mỹ-Trung bùng phát, Fed thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ và đồng USD quốc tế tăng mạnh. Lãi suất tín phiếu giai đoạn này tăng từ vùng 1% lên khoảng 3%.
⭐️ Năm 2022, tỷ giá USD/VND tăng tới 6-7% kể từ tháng 4 đến tháng 10 do tác động từ xung đột Nga-Ukraine và Fed đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ. Lãi suất tín phiếu tăng từ vùng sát 0% lên mức 6%.
⭐️ Năm 2024, lãi suất tín phiếu cũng điều chỉnh tăng từ 1% lên khoảng 4% do tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng từ việc phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ.
5. Làm thế nào để quan sát diễn biến của tín phiếu?
Nhà đầu tư có thể quan sát diễn biến của tín phiếu thông qua website của Ngân hàng Nhà nước (https://www.sbv.gov.vn/). Cụ thể, sau khi truy cập vào trang web, tiếp tục bấm “Hoạt động thị trường tiền tệ” => “Nghiệp vụ thị trường mở”.
Tại đây, sẽ hiện ra kết quả đấu thầu tín phiếu hàng ngày, ở trường “Bán hẳn” – đồng nghĩa với Ngân hàng Nhà nước bán hẳn giấy tờ có giá cho các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, vào ngày 23/07/2024, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với khối lượng 3.950 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại, lãi suất trúng thầu là 4,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày, hình thức đấu thầu là cạnh tranh lãi suất.
Nhà đầu tư cũng có thể tra cứu các phiên đấu thầu trong quá khứ thông qua mục “Tìm kiếm” ở bên dưới.
6. Kết luận
Tín phiếu là một công cụ nợ do Ngân hàng Nhà nước hoặc Kho bạc Nhà nước phát hành, thường có kỳ hạn ngắn, nhằm thực hiện mục tiêu chính sách của cơ quan quản lý trong một giai đoạn nhất định. Thông thường, khi nhắc đến khái niệm tín phiếu, nhà đầu tư có thể hiểu là tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ, do đó nó có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân biệt rõ tác động của việc phát hành tín phiếu gắn với điều kiện vĩ mô bởi tùy thuộc vào bối cảnh khác nhau sẽ có tác động khác nhau. Chẳng hạn, việc phát hành tín phiếu chỉ đơn thuần là trung hòa lượng tiền dư thừa trên hệ thống ngân hàng, tác động đối với thị trường trong giai đoạn này sẽ không lớn. Tuy nhiên, nếu việc phát hành tín phiếu nhằm mục tiêu điều hành thắt chặt hơn, ví dụ để kiểm soát ổn định tỷ giá, tác động đối với thị trường trong trường hợp này sẽ lớn hơn.
Nhìn chung, tín phiếu là một công cụ can thiệp nghiệp vụ của cơ quan quản lý trong ngắn hạn, diễn ra tương đối thường xuyên với các mục tiêu khác nhau. Nhà đầu tư cần lưu ý phân tích điều kiện, bối cảnh để có nhận định phù hợp, tránh có những nhận định thiên lệch dẫn đến quyết định đầu tư không chính xác.
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ có gì khác nhau?
Người mua tín phiếu có chịu rủi ro không?
Lãi suất tín phiếu có được dùng để tham chiếu không?
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến lãi suất của tín phiếu Ngân hàng Nhà nước?
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước có thể mua bán, chuyển nhượng không?
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.