Dự trữ ngoại hối tại Việt Nam có còn tăng nữa không? Vì sao dự trữ ngoại hối là “tấm đệm” quan trọng của tỷ giá

Cập nhật
Nhóm Traderins
coverImg
Nguồn: DepositPhotos


Dự trữ ngoại hối là một vấn đề được nhiều nhà giao dịch quan tâm vì nó có tầm quan trọng vô cùng to lớn với tỷ giá hối đoái của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bài viết này, hãy cùng Mitrade tìm hiểu về xu hướng dự trữ ngoại hối tại Việt Nam trong những năm qua và triển vọng dự báo trong giai đoạn tới.

1. Giới thiệu chung về dự trữ ngoại hối


֎ Dự trữ ngoại hối là gì? 

Về cơ bản, ngoại hối là các loại ngoại tệ hoặc giấy tờ có giá bằng ngoại tệ (các loại trái phiếu Chính phủ, tín phiếu…), vàng, quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Dự trữ ngoại hối nói chung chính là các khoản dự trữ của các loại hình tài sản nêu trên và thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Trung ương tại các quốc gia.  

Ở Việt Nam, dự  trữ ngoại hối cơ bản là tài sản bằng ngoại hối trên bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà Nước với ba loại tài sản chính là tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng và một số nguồn ngoại hối khác như tài khoản ngoại tệ của Chính phủ. 


֎ Các thành phần của dự trữ ngoại hối tại Việt Nam

Theo Điều 4 của Nghị định 50/2014/NĐ-CP, dự trữ ngoại hối tại Việt Nam bao gồm các cấu phần chính như sau:

+ Ngoại tệ tiền mặt và tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài

+ Chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành

+ Quyền rút vốn đặc biệt tại IMF (bản chất là một rổ tiền tệ quốc tế do IMF tạo ra để bổ sung vào tài sản dự trữ cho các thành viên)

+ Vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý

+ Một số loại ngoại hối khác


֎ Dự trữ ngoại hối được tạo thành như thế nào?

Ở Việt Nam, có nhiều cách để Ngân hàng Nhà nước tăng cường dự trữ ngoại hối. Phổ biến nhất có lẽ là cơ quan này mua từ thị trường ngoại hối từ các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường ngoại hối (chủ yếu là các ngân hàng thương mại). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cường dự trữ bằng cách vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, lấy từ các khoản sinh lời khi đầu tư , các khoản trả nợ của các quốc gia khác. 


2. Tầm quan trọng của dự trữ ngoại hối tại Việt Nam


⭐️ Công cụ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam là một quốc gia thuộc thị trường cận biên (frontier) và phụ thuộc rất lớn vào dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để thu hút được vốn ngoại, điều quan trọng là tạo dựng được sự ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát được kiểm soát và ổn định tỷ giá, nhờ đó mới củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam một cách bền vững. Quy mô dự trữ ngoại hối cũng là một yếu tố quan trọng nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc khi tiến hành đầu tư lâu dài, đặc biệt đối với một nền kinh tế đang phát triển đang trên đà thực hiện mở cửa, tự do hóa các giao dịch vốn quốc tế như Việt Nam. 

⭐️ Nền tảng quan trọng cho sự ổn định của tỷ giá USD/VND

Dự trữ ngoại hối là nền tảng, “tấm đệm” quan trọng đối với tỷ giá USD/VND chống các cú sốc từ bên ngoài. Hiểu đơn giản là khi tỷ giá trong nước chịu tác động mạnh từ các biến động của thị trường, Ngân hàng Nhà nước – đóng vai trò là cơ quan có chức năng ổn định đồng tiền nội địa – có thể tiến hành can thiệp bằng cách bán ngoại tệ cho thị trường thông qua trung gian là các ngân hàng thương mại, từ đó giúp đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá. Nguồn ngoại tệ để bán này được lấy từ dự trữ ngoại hối quốc gia. Do đó, để đảm bảo chống các cú sốc từ bên ngoài, việc gia tăng dự trữ ngoại hối thường xuyên khi có cơ hội thuận lợi là điều rất quan trọng. 

⭐️ Giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong bối cảnh quy mô nợ vay ngày càng tăng

Dự trữ ngoại hối là một trong những nhân tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, S&P đánh giá và xếp hạng quốc gia, qua đó để các nhà đầu tư quốc tế tham khảo khi đánh giá về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. 


Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade

3. Xu hướng của dự trữ ngoại hối tại Việt Nam trong thời gian qua

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam

Biểu đồ: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam (Đơn vị: Triệu USD, nguồn: Tradingeconomics, IMF)


- Dự trữ ngoại hối tại Việt Nam liên tục tăng trong khoảng 20 năm qua, từ mức khoảng 2-3 tỷ USD vào những năm 2000 lên mức đỉnh vào khoảng 110 tỷ USD trong đầu năm 2022 và ước tính hiện tại trong năm 2023 vào khoảng 90 tỷ USD. Một số điểm nhấn chính của diễn biến dự trữ ngoại hối trong giai đoạn qua: 

+ Dự trữ ngoại hối tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh sau năm 2007, khi Việt Nam gia nhập vào WTO nhờ dòng vốn FDI dồi dào và các hiệp định thương mại quốc tế.

+ Sau khủng hoảng tài chính 2008, dự trữ có phần sụt giảm trong giai đoạn 2008-2011 trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đồng thời kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận các vấn đề như nợ xấu ngân hàng, lạm phát tăng cao, tỷ giá chịu biến động mạnh (tăng 9% trong năm 2011), tình trạng đô la hóa, vàng hóa gia tăng. 

+ Kể từ năm 2012, khi kinh tế Việt Nam dần trở nên ổn định và các hiệp định thương mại liên tục được kí kết (Hàn Quốc, Ấn Độ, EU…), một số doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào Việt Nam (điển hình là Samsung), dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh trở lại. Đặc biệt kể từ năm 2016, khi Việt Nam áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm và kinh tế Việt Nam được thúc đẩy, diễn biến trên thị trường ngoại hối Việt Nam trở nên ổn định hơn, thanh khoản thông suốt, giá trị đồng nội tệ củng cố và dòng vốn dồi dào đã giúp dự trữ ngoại hối đã tăng rất mạnh giai đoạn này. 


4. Triển vọng dự trữ ngoại hối tại Việt Nam trong thời gian tới


☀️ Mức dự trữ ngoại hối tại Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và các nước xung quanh

Ước tính đến cuối 2022, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 90 tỷ USD (theo IMF), tương đương với mức khoảng 13 tuần nhập khẩu. Theo khuyến nghị của IMF, quy mô dự trữ ngoại hối của một quốc gia sẽ bị coi là thấp nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 8 tuần nhập khẩu, trong khi mức 8-12 tuần nhập khẩu là mức tối thiểu, 12-16 tuần là mức trung bình và 16-24 tuần là mức cao, trên 24 tuần là mức quá cao. Như vậy, mức dự trữ hiện tại của Việt Nam rơi vào nhóm cận dưới của mức trung bình.

Nếu so sánh với một số quốc gia xung quanh, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang còn thấp, chỉ gần bằng Philippines và còn cách khá xa Malaysia (113 tỷ USD), Indonesia (137 tỷ USD), Thái Lan (217 tỷ USD). Mức dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc hiện cũng gấp khoảng 4 lần quy mô của Việt Nam. 


 

Dự trữ ngoại hối của một số nước tính đến tháng 6/2023

Biểu đồ: Dự trữ ngoại hối của một số nước tính đến tháng 6/2023 (Đơn vị: Tỷ USD, nguồn: IMF)


Theo đó với các đặc điểm như trên, Việt Nam vẫn cần động lực lớn để tăng cường dự trữ ngoại hối trong thời gian tới để củng cố nguồn lực cho quốc gia, cải thiện các tiêu chí của IMF cũng như bắt kịp các quốc gia xung quanh. 

☀️ Xu hướng cải thiện của cán cân thanh toán là điểm tựa cho dự trữ 


۞ Cán cân thương mại

Cán cân thương mại là một trong những khoản mục trên tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế, ghi nhận những thay đổi của xuất khẩu và nhập khẩu. Cán cân thương mại thặng dư khi xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu và ngược lại. Sự cải thiện mạnh mẽ của cán cân thương mại tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân lớn nhất giúp dòng vốn ngoại tệ vào Việt Nam trở nên dồi dào hơn trong khoảng 10 năm qua.

Điều này được thúc đẩy bởi một số yếu tố như:

(i) Việt Nam liên tục kí kết các hiệp định thương mại quốc tế FTAs với các nền kinh tế lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP;
(ii) Chiến lược mở rộng thu hút dòng vốn FDI của Chính phủ;
(iii) Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Theo đó, xu hướng thặng dư của cán cân thương mại dự kiến sẽ tiếp tục được hiện thực hóa trong những năm tới khi Việt Nam hướng đến là một trạm luân chuyển trung gian của các doanh nghiệp nước ngoài để né tránh các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. 


Cán cân thương mại của Việt Nam

 

Biểu đồ - Cán cân thương mại của Việt Nam (Đơn vị: Tỷ USD, nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam)


۞ Kiều hối

Kiều hối là số tiền ngoại tệ do người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho người thân ở Việt Nam. Đây là nguồn tiền quan trọng để cải thiện dự trữ ngoại hối. Trong những năm qua, Việt Nam luôn nằm trong các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới nhờ sự ổn định về chính trị - xã hội và tỷ suất đầu tư hấp dẫn của một số loại tài sản. Ngay cả khi lãi suất tại Mỹ tăng rất cao trong năm 2023, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn rất lớn – cho thấy sức hấp dẫn của thị trường trong nước. Ngoài ra, số lượng người Việt Nam nhập cư sang các nước như Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc… để lao động xuất khẩu cũng đang có xu hướng gia tăng. Điều này góp phần thúc đổi dòng tiền kiều hối tăng cao trong những năm tới. 

Dòng tiền kiều hối vào Việt nam qua các năm

 

Biểu đồ: Dòng tiền kiều hối vào Việt nam qua các năm (Đơn vị: Tỷ USD, nguồn: World Bank)


۞ Dòng vốn FDI

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và cả giai đoạn tới bởi một trong những tác động tích cực là giúp cải thiện dự trữ ngoại tệ. Tốc độ tăng vốn đăng ký FDI và thực hiện đều có xu hướng tăng trưởng ổn định khoảng 5-10%, ngoại trừ giai đoạn Covid-19. Với các hiệp định kí kết với nhiều quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, dòng vốn FDI có thể tiếp tục tích cực. Một số lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là điện tử, máy tính, các mặt hàng dệt may, giày dép. Ngoài ra, chất bán dẫn có thể là động lực tăng trưởng FDI mới trong giai đoạn tới với xu hướng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghệ gần đây.  

۞ Vay nợ quốc tế

Dòng vốn vay nợ từ các tổ chức, Chính phủ nước ngoài cũng là một trong những thành phần quan trọng cải thiện dự trữ ngoại hối. Các khoản vay lớn nhất thường là vay ODA dưới hình thức hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, ở góc độ tư nhân, một số doanh nghiệp lớn như Novaland, Vingroup cũng phát hành trái phiếu quốc tế trong khoảng 2-3 năm gần đây. 

۞ Cán cân tổng thể

Cán cân thanh toán tổng thể phản ánh tổng các dòng vốn vào Việt Nam và một cách tương đối sẽ phản ánh những thay đổi tài sản dự trữ ngoại hối của quốc gia. Với triển vọng tích cực của nhiều thành phần như cán cân thương mại, FDI, kiều hối, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tích cực trong thời gian tới, qua đó giúp củng cố nguồn lực dự trữ ngoại hối của Việt Nam.  


☀️ Bối cảnh môi trường quốc tế còn nhiều thách thức song kỳ vọng có thể khả quan hơn

Trong giai đoạn 2024-2025, kinh tế thế giới dự kiến sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do hệ quả của môi trường lạm phát và lãi suất kéo dài, và không loại trừ khả năng nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ. Theo đó, chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới dự báo có thể dần chuyển qua pha nới lỏng, đặc biệt là Fed; qua đó giúp thúc đẩy dòng vốn luân chuyển vào các thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi suất đầu tư tốt hơn, mà Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng.


Tựu chung lại, dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong trung hạn có thể tiếp tục được gia tăng với tốc độ khoảng 7-10% trong khoảng 2-3 năm tới, song song với quá trình cải thiện của cán cân thanh toán quốc tế và chính sách tiền tệ tại các nước như Mỹ hay EU dần chuyển qua pha nới lỏng.  

5. Kết luận


Dự trữ ngoại hối là lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương nắm giữ dưới nhiều hình thức khác nhau như ngoại tệ, vàng, trái phiếu, quyền rút vốn đặc biệt (SDR)… Dự trữ ngoại hối có vai trò đặc biệt quan trọng vì khi lượng dự trữ tăng lên, Ngân hàng Trung ương sẽ có nguồn lực để thực thi chính sách tiền tệ phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bình ổn tỷ giá, nâng cao năng lực tài chính an ninh quốc gia.

Tại Việt Nam, dự trữ ngoại hối liên tục được cải thiện trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau giai đoạn Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện các chính sách để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, dự trữ ngoại hối ở Việt Nam vẫn ở mức trung bình theo tiêu chuẩn của IMF và ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á. Việc cải thiện nguồn dự trữ ngoại hối là yêu cầu cần thiết trong thời gian tới. 


Với dòng vốn đầu tư nước ngoài có triển vọng tích cực, cán cân thương mại thặng dư, dòng tiền kiều hối ổn định, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam có nhiều cơ hội để gia tăng trong trung hạn. Qua đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục được củng cố với mức tăng khoảng 7-10%/năm. Bối cảnh các NHTW lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed có thể nới lỏng trong giai đoạn 2024-2025 cũng hỗ trợ thúc đẩy dòng vốn vào Việt Nam và nguồn lực dữ trữ ngoại tệ, giúp đồng tiền của Việt Nam ổn định hơn trước các biến động của thị trường tài chính quốc tế.


Mitrade-Do ASIC/CySEC/CIMA/FSC quy định ✔️ 50000USD vốn trải nghiệm ✔️ 0 phí hoa hồng, spread thấp ✔️ Đòn bẩy linh hoạt 1:1~1:200 ✔️ Vô vàn tài nguyên đào tạo

6. Câu hỏi thường gặp FAQ

Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại hối như thế nào?

Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò xây dựng và sử dụng dự trữ ngoại hối tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thị trường. Trong giai đoạn dòng vốn ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để gia tăng nguồn lực dự trữ. Ngược lại, trong giai đoạn thị trường biến động, áp lực tỷ giá gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng dự trữ ngoại hối bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường. 


Tôi có thể xem số liệu dự trữ ngoại hối Việt Nam ở đâu?

Ngân hàng Nhà nước không công bố chi tiết cụ thể số liệu về dự trữ. Tuy nhiên, nhà giao dịch có thể tham khảo ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại một số tổ chức tài chính quốc tế như IMF hay World Bank để có cái nhìn tổng quan về diễn biến của dự trữ ngoại hối tại Việt Nam.


Dự trữ ngoại hối của các nước Châu Á diễn biến thế nào trong giai đoạn Fed tăng lãi suất?

Chính sách tiền tệ của Fed có ảnh hưởng rất mạnh đến các quốc gia Châu Á. Trong giai đoạn Fed tăng lãi suất, đồng USD thường có xu hướng tăng và gây áp lực mất giá lên các đồng tiền của Châu Á. Do đó, để giảm bớt áp lực cho tỷ giá, các Ngân hàng Trung ương có xu hướng sử dụng dự trữ ngoại tệ để can thiệp hỗ trợ ổn định đồng nội tệ, qua đó làm dự trữ ngoại hối giảm xuống. 

Vì sao dự trữ ngoại hối của các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng giảm mạnh trong năm 2022?

Trong năm 2022, xung đột Nga-Ukraine diễn ra đã khiến lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu, buộc các Ngân hàng Trung ương phải thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát. Đây cũng là năm Fed tăng lãi suất rất mạnh từ mức 0 lên khoảng hơn 4%, khiến đồng USD tăng cao và tạo áp lực lên tỷ giá các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, để bảo vệ sức mua của đồng tiền, nhiều Ngân hàng Trung ương tại Châu Á đã bán ngoại tệ can thiệp từ nguồn dự trữ ngoại hối, khiến dự trữ giảm mạnh ở nhiều nơi.

Doanh nghiệp và cá nhân có thể nắm giữ dự trữ ngoại hối hay không?

Thông thường, dự trữ ngoại hối là do Ngân hàng trung ương của quốc gia đó quản lý. Các doanh nghiệp và cá nhân có thể nắm giữ một phần ngoại tệ; tuy nhiên, nó không được coi là dự trữ ngoại hối. 


! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư. 


Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


goTop
quote
Ad