VPBank còn là cổ phiếu hấp dẫn? Nhà đầu tư kỳ vọng điều gì khi mua cổ phiếu VPBank?
Ngành ngân hàng luôn được coi là trụ cột kinh tế của Việt Nam nhờ việc cung cấp nguồn vốn và hỗ trợ sự phát triển cho nhiều ngành kinh tế khác. Ngoài nhóm Big 4 bao gồm 4 ngân hàng vốn nhà nước lớn (Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV), các ngân hàng tư nhân cũng đã có những giai đoạn phát triển vượt bậc để có được niềm tin của khách hàng và từ đó lớn mạnh không ngừng. Một trong những ngân hàng tư nhân có tiếng và uy tín nhất tại Việt Nam hiện nay phải kể đến VPBank.
Qua bài viết sau, chúng ta sẽ cùng thảo luận về cổ phiếu ngân hàng VPBank để cùng phân tích về tình hình kinh doanh, tìm hiểu động lực tăng trưởng và đi tới kết luận rằng nên đầu tư vào cổ phiếu VPB như thế nào.
1. Cổ phiếu VPBank là gì?
• Giới thiệu về ngân hàng VPBank
VPBank, với tên đầy đủ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, là một trong những ngân hàng tư nhân lớn và uy tín tại Việt Nam. VPBank được thành lập vào ngày 12/8/1993, với mục tiêu đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thông qua các dịch vụ tài chính đa dạng và chất lượng.
Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, VPBank chỉ thực sự chuyển mình vào năm 2012, hai năm sau khi ông Ngô Chí Dũng đảm đương Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2021, VPBank đã cực kỳ thành công với công ty cho vay tiêu dùng FE Credit và chiến lược chú trọng tới phân khúc khách hàng cá nhân cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đến ngày 31/12/2022, VPBank đã vươn tới vị thế ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua cả các ngân hàng nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank.
Sứ mệnh cốt lõi của VPBank là đem đến giá trị tốt nhất cho khách hàng nhờ những sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt và tiện lợi. VPBank đáp ứng nhu cầu cho đa dạng sản phẩm và dịch vụ tài chính như cho vay cá nhân và doanh nghiệp, gửi tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm, và nhiều hơn nữa. Đặc biệt, VPBank cũng tập trung nhiều nguồn lực vào các giải pháp tài chính số để phục vụ được nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng ở thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ.
• Thông tin về cổ phiếu VPBank:
- Mã cổ phiếu: VPB
- Sàn giao dịch : HOSE
- Nhóm ngành: Ngân hàng
- Ngày lên sàn: 17/08/2017
- Số lượng cổ phiếu lưu hành: 7,933,923,601
- Vốn hóa: 155,504,902,580,000 đồng, tương đương 6,3 tỷ USD (tính đến ngày 26/3/2024).
- Cổ tức, thường và phát hành thêm cổ phiếu
Dựa vào bảng dưới đây, VPBank yêu thích việc trả cổ tức và thưởng cổ phiếu cho cổ đông. Chính vì lý do này mà số lượng cổ phiếu lưu hành đã nhanh chóng tăng từ 1,332,689,035 và năm 2017 lên tới 7,933,923,601 vào thời điểm hiện tại. VPBank chỉ có một lần duy nhất trả cổ tức bằng tiền mặt là vào hồi tháng 11-2023 với giá trị 1.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng số tiền trị giá 7.933 tỷ đồng.
Lịch sử các lần thưởng, phát hành thêm và trả cổ tức VPB (Nguồn: Vietstock)
2. Phân tích cổ phiếu VPBank
☀️ Phân tích chỉ số tài chính
- VPB hiện có P/E là 12,79, chỉ số mô tả số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng chi trả để thu được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu. Khi đặt cạnh những cổ phiếu cùng ngành, đây không phải là mức P/E quá cao nhưng nó có giá trị trung bình. Điều đó chứng minh VPB đang được định giá khá sát với sự cân bằng của cung cầu.
- Chỉ số P/B của VPB là 1,1, mô tả giá trị cổ phiếu của VPB gần tương đương với giá trị sổ sách. Mức P/B trong vòng 5 năm qua của VPB là 1,79 và trung bình ngành ngân hàng ở Việt Nam là 1,6. Việc P/B thấp cho thấy tình trạng hoạt động kinh doanh của VPBank đang khá khó khăn trước việc thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân và bất động sản ở Việt Nam đang có nhiều thách thức. Mặc dù vậy, những cổ phiếu doanh nghiệp tốt với P/B loanh quanh mức 1 lại được cho là khá tốt để mua vào.
- EPS của VPB ổn định ở mức 1,53, đây là con số khá tốt trong ngành ngân hàng và mô tả mức lợi nhuận nhà đầu tư có thể có được trên mỗi cổ phiếu. Mặc dù vậy, mức EPS này của VPB đang giảm nhẹ so với những năm trước đây, một phần do số lượng cổ phiếu tăng lên và kết quả năm 2023 của ngân hàng bị tăng trưởng âm.
☀️ Hoạt động kinh doanh
Nhìn vào đồ thị lợi nhuận trước thuế qua các năm, có thể thấy VPBank đã liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương từ năm 2013 đến 2022. Tuy nhiên, đến năm 2023, ngân hàng lại ghi nhận mức tăng trưởng âm tới 48%, từ 21.220 xuống còn 10.978 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, VPBank vẫn có điểm sáng là tăng trưởng tín dụng ở mức cao tới hơn 31%, lên 527 nghìn tỷ đồng ở thời điểm kết thúc năm 2023 bất chấp tình trạng sản xuất kinh doanh và lĩnh vực phát triển bất động sản chưa phục hồi. Tỷ lệ CASA của ngân hàng đạt 17,6%, tăng nhẹ so với đầu năm 2023.
Về NIM, VPBank có sự suy giảm mạnh từ mức 5,41% hồi 2022 xuống còn 3,97% khi kết thúc 2023. Lý do xuất phát từ việc chi phí vốn của ngân hàng bị đẩy lên cao, trái lại, việc cho vay lại gặp nhiều thách thức do tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế. Mặc dù vậy, VPBank được đánh giá có thể cải thiện tốt chỉ số này vào năm 2024 sau khi hạ được mặt bằng lãi suất huy động chung.
Tỷ lệ nợ xấu của VPBank đang ở mức cao là khoảng 3,96%, mặc dù vậy, con số này đã giảm so với mức đỉnh khoảng 5,77% vào cuối năm 2022. Trong quá khứ, VPBank thường xuyên có mức tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống do đặc tính tập trung cho cá nhân vay tiêu dùng với lãi suất cao.
(Nguồn : Tổng hợp bởi Mitrade)
☀️ Phân tích kỹ thuật giá cổ phiếu VPB
Trong 5 năm qua, giá cổ phiếu VPB đã tăng khoảng 2,5 lần từ mức 7.000 VND/cổ phiếu lên tới 19.600 VND/cổ phiếu như tại thời điểm viết bài. Nhìn chung, trong thời gian 2019 – 2020, cổ phiếu VPB chỉ di chuyển ở quanh biên 6.700 đến 8.700. Trong giai đoạn này, giá VPB đã từng có lúc vọt lên tới mức 10.900 USD nhưng lại nhanh chóng chia hai, xuống chỉ còn 5.900 vào tháng 3/2020.
Thời kỳ tăng trưởng thần kỳ của cổ phiếu VPB diễn ra từ tháng 9-2020, khi nó tăng một mạch từ 8.700 lên 27.000 VND vào tháng 7-2021, tương đương gấp 3 lần. Khối lượng giao dịch của VPB thời điểm đó cũng gấp nhiều lần thời gian trước đó, điều cho thấy dòng vốn khổng lồ được đổ vào cổ phiếu này.
Giá VPB trững lại trong thời gian nửa sau của năm 2021 và chính thức gẫy sóng tăng mạnh vào năm 2022, thời điểm cùng lúc diễn ra tình trạng suy thoái kinh tế tại Việt Nam. Giá cổ phiếu có những thời điểm đã rơi lại xuống vùng 13.200 VND, tức là mất 60% giá trị so với đỉnh. Trong năm 2023, VPB đã có đà phục hồi tốt và hiện đang đi ngang trong biên từ 18.000 đến 23.000 VND.
Lịch sử biến động giá cổ phiếu VPB trong vòng 5 năm qua (Nguồn : Tradingview)
Nếu nhìn vào khung thời gian ngắn hơn, ta có thể thấy, trong suốt năm 2023, VPB đã có phần lớn thời gian di chuyển trong biên từ 19.250 đến 23.000. Giá đã rơi khỏi biên này để đi trong một biên thấp hơn từ 18.000 đến 20.000 từ tháng 11-2023 đến nay. Sự di chuyển của VPB là khá buồn tẻ, bất chấp việc chỉ số chung VN-Index đã có sự tăng trưởng cao trong cùng thời gian này.
Trong kịch bản tích cực, chúng ta cần nhìn vào sự phản ứng của giá ở mức 20.000. Nếu giá vượt qua mốc này một cách thuyết phục với khối lượng lớn, chúng ta có sẽ các vùng kháng cự cứng tại 21.500 và 23.000 VND. Chỉ số RSI ở mức 58 và MACD vừa mới cắt lên trên đường tín hiệu, điều đang khá ủng hộ cho diễn biến tích cực. Trái lại, nếu giá rơi khỏi vùng tích lũy hiện tại, hai mức đáng chú ý là 16.900 và 15.200.
Biểu đồ giá cổ phiếu VPB khung 1D (Nguồn : Tradingview)
3. Các yếu tố tác động mạnh mẽ đến giá cổ phiếu VPBank
֎ Tình hình kinh tế chung
Kinh tế khó khăn ở thời gian sau đại dịch Covid-19 là lý do dẫn tới các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, từ đó tác động mạnh mẽ tới kết quả kinh doanh của nhiều tổ chức tài chính. Với VPBank, một ngân hàng chú trọng phần lớn vào phân khúc khách hàng cá nhân và tiêu dùng, mức độ ảnh hưởng của việc này lại càng lớn. Vì thế, chúng ta có thể kỳ vọng thời điểm kinh tế của phân khúc khách hàng cá nhân tốt hơn cũng chính là chân sóng phục hồi cho lợi nhuận của VPBank.
֎ Chính sách của ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV)
Chính sách của SBV luôn có tác động mạnh mẽ tới các tổ chức tài chính nói chung và VPBank nói riêng. Ví dụ, vào năm 2022, khi SBV siết chặn room tăng trưởng tín dụng và tăng lãi suất điều hành, VPBank đã đối mặt với nhiều thách thức về huy động và buộc phải đẩy lãi suất tiền gửi lên cao nhất có thể, điều này đẩy chi phí vốn lên cao và giảm NIM, từ đó làm giảm mạnh doanh thu của ngân hàng.
Trong năm 2024, ngân hàng nhà nước đang liên tiếp áp dụng nhiều cơ chế tích cực cho các ngân hàng thương mại như duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ, cho phép gia hạn nợ xấu (theo Thông tư 02) và điều hòa room tín dụng phù hợp. Tất cả các động thái này được cho là lợi thế để những cổ phiếu ngành ngân hàng như VPB có thể quay trở lại đà tăng và khởi động một chu kỳ mới.
֎ Tình hình hoạt động kinh doanh
Đối với đa số nhà đầu tư, kết quả kinh doanh chính là căn bản cho mọi quyết định đầu tư. Như đã phân tích, VPBank đã có một năm 2023 kinh doanh không tốt với tăng trưởng âm gần 50%, do đó, điều này dường như đã ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu VPB. Với một cổ phiếu vốn hóa lớn như vậy, việc giảm sâu là điều khó xảy ra, tuy nhiên, giá của VPB đã đi ngang trong thời gian rất dài.
Với việc đang từng bước xử lý được vấn đề nợ xấu, VPBank nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh cải thiện trong năm 2024. Chi phí vốn của VPBank cũng đang hạ nhanh, do đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng NIM sẽ tăng trở lại. Ngay khi những yếu tố này có dấu hiệu trở thành sự thực, một đợt tăng giá mới cho cổ phiếu VPB có thể sẽ được kích hoạt.
֎ Hoạt động tăng vốn và hợp tác với đối tác nước ngoài
VPBank được biết đến ngân hàng với rất nhiều thỏa thuận khủng, ví dụ như việc bán 49% công ty tài chính tiêu dùng FE Credit vào năm 2021 và 15% vốn điều lệ cho SMBC vào năm 2023. Giá cổ phiếu VPB từng tăng mạnh trong những sự kiện đặc biệt này. Sự hợp tác giữa VPBank và SMBC được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển mới cho cả hai trong những năm tới. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ của VPBank, cũng như là sự tăng giá của cổ phiếu VPB nhờ sự hợp tác này.
4. Lưu ý khi mua cổ phiếu VPB
۞ Biên độ dao động của cổ phiếu VPB
VPB có vốn hóa khá lớn trong thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó, biên độ dao động của nó thường không nhiều. Nếu nhà đầu tư kỳ vọng mua cổ phiếu VPB nhằm có được lợi nhuận trong thời gian ngắn thì đây là kịch bản không khả thi. Cổ phiếu VPB thường sẽ có tính chất biến động ở mức ổn định và thiên về sự tăng trưởng trong dài hạn theo sức khỏe của nền kinh tế chung cũng như nội tại ngân hàng.
۞ Cổ phiếu nằm trong nhóm VN30
VPB là cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm VN30, với vốn hóa lớn và uy tín trên sàn chứng khoán Việt Nam. Các cổ phiếu thuộc VN30 thường xuyên được sử dụng làm công cụ để điều tiết chỉ số VN-Index theo hướng có lợi cho nhà tạo lập thị trường. Do đó, nếu đầu tư vào cổ phiếu này, nhà đầu tư cần chấp nhận một số thời điểm, nó sẽ tăng hoặc giảm một cách bất ngờ theo chỉ số chung VN-Index thay vì có thể di chuyển độc lập dựa vào các yếu tố nội tại.
5. Có nên đầu tư cổ phiếu VPBank hay không? Dự đoán cổ phiếu VPBank trong năm 2024
Theo những gì đã phân tích, ta có thể thấy, VPB là cổ phiếu có giá trị nội tại khá tốt nhờ nền tảng vốn dồi dào, uy tín lớn trên thị trường và mô hình kinh doanh chú trọng vào khách hàng cá nhân, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng này cũng ra sức hợp tác với tập đoàn tài chính quốc tế SMBC để nâng cao kinh nghiệm và tiềm năng phát triển. Tất cả những dữ liệu trên là điểm cộng để nhà đầu tư quan tâm và cân nhắc việc đầu tư vào cổ phiếu VPB.
Mặc dù vậy, do tình hình kinh doanh không đạt được như kế hoạch đề ra mà cổ phiếu VPB đang di chuyển trong một biên độ khá hẹp và không có sự tăng trưởng đáng chú ý trong thời gian qua. Đây được cho là thời gian tích lũy của cổ phiếu để chuẩn bị cho những tín hiệu tăng giá mạnh trong thời gian sắp tới. Chính vì vậy, nếu muốn đầu tư vào VPB, nhà đầu tư nên có cái nhìn dài hạn thay vì kỳ vọng giá có thể tăng ngay trong ngắn hạn.
Về kỳ vọng sự tăng trưởng của cổ phiếu VPB, các công ty chứng khoán đa phần đều bày tỏ thái độ tích cực và kỳ vọng sự phục hồi của VPB trong năm 2024. Cụ thể, công ty chứng khoán VNDirect đặt mục tiêu tăng trưởng cho VPB là 26.100 VND/cổ phiếu, trong khi đó, công ty chứng khoán KSB cũng khuyến nghị mua và kỳ vọng VPB sẽ đạt mức 24.500 VND/cổ phiếu vào cuối năm 2024.
6. Kết luận
Tóm lại, VPB là một cổ phiếu rất đáng để theo dõi nhờ nền tảng tài chính vững mạnh và mô hình kinh doanh độc đáo, tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân. VPB hiện đang bị ảnh hưởng do kết quả kinh doanh không tốt năm 2023, mặc dù vậy, triển vọng cho năm 2024 của ngân hàng này đang khá sáng sủa. Nếu quyết định đầu tư vào VPB, cần lưu ý rằng, nó là một cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn, do đó, việc đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn và sẽ không thể kỳ vọng một sự tăng trưởng mạnh mẽ như những cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn.
Lợi thế cạnh tranh của VPbank so với những ngân hàng khác là gì?
Nhà đầu tư nên nắm giữ VPB trong bao lâu?
Số tiền tối thiểu mà nhà đầu tư cần có để đầu tư vào cổ phiếu VPB là bao nhiêu?
Lợi ích của việc VPBank bán cổ phần cho SMBC là gì?
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.