Khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 9 giảm, cần chú ý vào báo cáo Beige Book trong tuần này
Nhìn lại thị trường tuần qua
Tuần trước (từ ngày 28/8 đến 1/9), thị trường chứng khoán trên toàn cầu nhìn chung đều tăng điểm. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 2,50%, chỉ số Dow Jones tăng 1,43% và chỉ số Nasdaq 100 tăng 3,67%. Ở châu âu, chỉ số STOXX 600 tăng 1,49%, trong khi ở thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,44%.
Hiệu suất các chỉ số chứng khoán thế giới từ 28/8 đến 1/9 (Nguồn: MacroMicro)
Hiệu suất các chỉ số chứng khoán thế giới từ 1/1 đến 1/9 (Nguồn: MacroMicro)
1. Dữ liệu về việc làm Mỹ hạ nhiệt, giảm khả năng FED tăng lãi suất
Vào ngày 1/9, Cục Thống kê Lao động Mỹ đã công bố số liệu cho thấy số lượng việc làm phi nông nghiệp trong tháng 8 tăng thêm 187.000 người, cao hơn dự đoán. Tuy nhiên, tổng cộng số lượng việc làm đã điều chỉnh giảm 110.000 đơn vị trong cả tháng 6 và 7, đánh dấu 3 tháng liên tiếp tăng dưới 200.000 việc làm mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng 0,3 điểm phần trăm, đạt 3,8%, cao nhất kể từ tháng 2/2022, trong khi tốc độ tăng lương theo giờ chậm lại.
Biểu đồ so sánh số lượng việc làm phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ (Nguồn: MacroMicro)
Nhìn chung, báo cáo này cho thấy thị trường lao động đang nguội dần. Sau khi dữ liệu được công bố, kỳ vọng về việc FED tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay đã giảm đi. Theo số liệu từ CME FedWatch, thị trường hiện dự đoán khả năng FED không tăng lãi suất vào tháng 9 đã tăng lên 93%, khả năng tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 11 giảm còn 35,7%, và khả năng giảm lãi suất vào năm sau chuyển từ tháng 6 lên tháng 5.
Nguồn: CME FedWatch
Cần lưu ý rằng, thông tin hiện tại có thể chưa đủ để chứng minh quá trình tăng lãi suất của FED đã kết thúc. Tại Hội nghị các ngân hàng trung ương thế giới Jackson Hole diễn ra vào tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã bày tỏ quan ngại về "sức tiêu dùng mạnh mẽ của người dân Mỹ, kinh tế mạnh hơn kỳ vọng trong dài hạn và đà suy giảm của lạm phát chậm lại", đồng thời nhấn mạnh rằng, điều này có thể dẫn tới các hành động thắt chặt tiền tệ tiếp theo.
Quan điểm của nhà phân tích Mitrade:
Dữ liệu việc làm phi nông nghiệp đã giảm bớt áp lực cho FED và có khả năng cơ quan này sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong tháng 9. Tuy nhiên, từ góc độ dài hạn, khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất lại trong năm nay vẫn còn tồn tại, vì tốc độ tăng lương trung bình theo giờ trong tháng 8 vẫn ở mức 4,3%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó khiến lạm phát có khả năng tăng trở lại. Trừ khi FED nâng mục tiêu lạm phát dài hạn lên hơn 2%, khả năng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023 vẫn còn hiện hữu.
2. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ tháng 7, lạm phát vẫn cứng đầu
Vào hôm 31/8, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của tháng 7 tăng lên 3,3% so với mức 3% của tháng 6. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi - số liệu được ưa thích sử dụng bởi FED và, loại bỏ mặt hàng thực phẩm, năng lượng - tăng lên 4,2% trong tháng 7 từ mức 4,1% trong tháng 6. Cả hai chỉ số này đều đúng với dự đoán của thị trường.
(Nguồn: MacroMicro)
Mặc dù PCE vẫn tiếp tục tăng, nhưng các dữ liệu đã bắt đầu ủng hộ xu hướng chậm lại của việc tăng lãi suất. Dữ liệu về thu nhập của người dân cho thấy, tốc độ tăng trưởng chi tiêu hiện tại không thể duy trì lâu hơn, cụ thể thu nhập tăng 7,3 tỷ USD, nhưng chi tiêu tăng tới 144,6 tỷ USD. Quy mô vay thẻ tín dụng tiếp tục tăng và tiết kiệm tiếp tục giảm.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, tình trạng tiền tiết kiệm dư thừa do các đợt bơm tiền hỗ trợ người dân trong thời kỳ đại dịch sắp cạn kiệt , chi tiêu của người tiêu dùng bắt đầu suy yếu, cộng với sự suy giảm của lạm phát trong lĩnh vực nhà ở và tốc độ tăng lương chậm lại, dự kiến chỉ số PCE cốt lõi sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tiếp theo trong năm 2023.
Quan điểm của nhà phân tích Mitrade:
Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao, kết hợp với tác động tiêu cực của hiệu ứng cơ sở trong tương lai, nỗ lực nhằm khiến PCE hạ nhiệt sẽ là một quá trình mất nhiều thời gian và khó khăn. Nếu FED tập trung quá nhiều vào mục tiêu lạm phát 2%, điều này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Nhà đầu tư nên chú ý đến báo cáo Beige Book và bài phát biểu của những thành viên bỏ phiếu của FED trong tuần này để xem họ nhận định về tình hình kinh tế và xu hướng lạm phát tại Mỹ như thế nào.
3. Thị trường hưng phấn trở lại, lời nguyền tháng 9 liệu có thể bị phá vỡ?
Dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) và việc làm phi nông nghiệp được công bố vào tuần trước đã khiến nhiều người dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ ngừng tăng lãi suất trong năm nay và tạo ra tâm trạng lạc quan rõ rệt.
Chuyên gia phân tích kỹ thuật của tại Bank of America, Stephen Suttmeier, đã đưa ra nhận định rằng, dựa trên tình hình "cô gái vàng" của kinh tế Mỹ (tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, lạm phát thấp và lãi suất có xu hướng giảm), thị trường chứng khoán có khả năng sẽ lập đỉnh mới vào cuối năm nay: "Khi thị trường tăng 10 - 20% trong tháng 9, 65% thời gian trong đó sẽ cho tỷ lệ lợi nhuận dương... Tháng 9 và phần còn lại của năm nay, thị trường chứng khoán có thể sẽ có xu hướng tăng".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về lời nguyền tháng 9 của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong 10 năm qua, chỉ số Nasdaq 100 đã trải qua mức giảm trung bình 0,6% trong tháng 9, tháng duy nhất trong năm mà chỉ số này giảm.
Tháng 9 là tháng không mấy tốt đẹp với cổ phiếu Mỹ (Nguồn: Bloomberg)
Quan điểm của nhà phân tích Mitrade
Hiện tại, lãi suất trái phiếu Mỹ dài hạn vẫn đang ở mức cao, điều này sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá của các cổ phiếu công nghệ. Dựa trên kinh nghiệm lịch sử, nếu thị trường chứng khoán Mỹ giảm trong tháng 9, thị trường thường sẽ có sóng tăng vào quý 4. Ngược lại, nếu thị trường tiếp tục tăng trong tháng 9, điều này có thể làm giảm mức độ tăng của quý 4 hoặc thậm chí là điều chỉnh trong thời gian này.
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.