NFT là tài sản kỹ thuật số đại diện cho các tài nguyên trong thế giới thực như tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và vật phẩm trong trò chơi … Chúng được mua và bán trực tuyến bằng tiền điện tử và chúng thường được mã hóa giống như nhiều loại tiền điện tử.
1. NFT là gì?
NFT là viết tắt của Non-Fungible Token, tiếng Việt gọi là mã thông báo không thể thay thế là một dạng tài sản đã được mã hóa thông qua blockchain. Đúng như tên gọi của nó, mỗi một NFT là duy nhất và không thể thay thế được như các loại token thông thường khác. Mặc dù vậy, NFT vẫn có thể được giao dịch, đổi lấy tiền fiat, tiền điện tử hoặc các NFT khác tùy thuộc vào nhu cầu của chủ sở hữu.
Lấy ví dụ, thông qua các nền tảng hỗ trợ tạo NFT, bạn có thể biến các đoạn tweet trên Twitter hoặc avatar của mình thành các NFT tương ứng. Sau đó, bạn có thể tự định giá chúng và bán cho những người sẵn sàng mua nó. Điều đó cũng có nghĩa là các NFT đó có thể sẽ rất có giá trị với bạn nhưng với người khác nó chỉ là những đoạn mã (code) vô giá trị mà thôi.
Danh sách các bộ sưu tập NFT có khối lượng bán cao nhất trong 24 giờ qua. Nguồn: CryptoSlam
Từ ví dụ trên, chúng ta có thể suy rộng ra là NFT có thể là ảnh, video, tệp âm thanh hoặc các định dạng kỹ thuật số khác. Trong các phần tiếp theo của bài viết này, mình sẽ lồng ghép lấy ví dụ về các NFT có thể là các tác phẩm nghệ thuật, truyện tranh, đồ sưu tầm thể thao, thẻ giao dịch hoặc thậm chí là các vật phẩm trong game… để các bạn tiện hình dung nhé.
2. NFT hoạt động như thế nào?
Không phải ngẫu nhiên mà một bức ảnh avatar hay một đoạn tweet của bạn trở thành một NFT để bạn có thể bán chúng. Bạn cần phải nhớ rằng thông tin về bức ảnh hay đoạn tweet đó cần phải được mã hóa và ghi lại trên một blockchain cụ thể. Quá trình mã hóa và ghi lại trên blockchain đó gọi là đúc (mint).
Cụ thể hơn, khi một NFT được mint, mặc định chúng sẽ được gán một mã định danh duy nhất. Mã định danh này sẽ được liên kết trực tiếp với một địa chỉ trên blockchain.
Mỗi NFT sẽ có một chủ sở hữu và thông tin về quyền sở hữu chính là địa chỉ nơi nó được đúc, được công khai trên mạng blockchain. Những dữ liệu này giúp dễ dàng chuyển mã thông báo giữa các chủ sở hữu và xác minh quyền sở hữu sau này.
3. Cách mua/bán NFT như thế nào?
Nếu như bạn không muốn tạo NFT cho riêng mình nhưng vẫn muốn sở hữu các NFT trong các bộ sưu tập đến từ các nghệ sĩ nổi tiếng hoặc người hâm mộ mà bạn thích, bạn có thể mua nó. Tùy thuộc vào từng nền tảng khác nhau sẽ có các bước khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản việc mua/bán NFT sẽ trải qua các giai đoạn sau đây:
Lựa chọn nền tảng hỗ trợ: Ở đây có thể là sàn giao dịch hoặc các marketplace chuyên dụng để giao dịch NFT. Hãy nhớ lựa chọn các nền tảng lớn và uy tín để giảm thiểu đáng kể các phi vụ lừa đảo có thể xảy ra.
Nạp tiền vào tài khoản hoặc ví: Để mua NFT, ngoài chi phí phải trả để sở hữu NFT đó bạn sẽ cần phải thanh toán phí giao dịch cho nền tảng. Tùy xem NFT đó của bạn thuộc blockchain nào thì sẽ cần đến loại tiền điện tử tương ứng.
Mua NFT: Khi bạn đáp ứng đủ điều kiện, bạn có thể mua và sở hữu NFT đó. Khi bạn mua một NFT, bạn có quyền sở hữu nó. Những điều này không đồng nghĩa với việc bạn có quyền điều chỉnh hoặc sao chép tác phẩm, trừ khi đó là một phần của thỏa thuận trực tiếp giữa người mua và người sáng tạo.
Một số dự án NFT coin đã từng làm mưa làm gió trong phân khúc này thời gian qua có thể kể đến như ApeCoin, The Sandbox, Decentraland hay Axie Infinity… Trong đó:
ApeCoin (APE): Ra đời từ bộ sưu tập NFT Bored Ape Yacht Club (BAYC) khét tiếng, APE là mã thông báo tiền điện tử cung cấp năng lượng cho hệ sinh thái APE.
The Sandbox (SAND): Là một thế giới ảo nơi người chơi có thể xây dựng, sở hữu và kiếm tiền từ những mảnh đất ảo trong trò chơi của họ.
Decentraland (MANA): Tương tự như The Sandbox, Decentraland cũng mang đến một nền tảng cho phép người chơi sở hữu các mảnh đất ảo trong thế giới của họ.
4. Cách tạo NFT như thế nào?
Không khó để có thể tạo được một hoặc thậm chí nhiều NFT nếu như bạn muốn nhờ có các nền tảng hỗ trợ. Việc của bạn đơn giản chỉ là thực hiện theo 4 bước dưới đây:
Chọn ra loại nội dung nào bạn muốn dùng để tạo NFT: Tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích bạn có thể lựa chọn bất cứ thứ gì như bài hát, tệp âm thanh, tranh, ảnh…
Tìm kiếm và lựa chọn một mạng blockchain phù hợp: Ngày nay, phần lớn các blockchain đều hỗ trợ lưu trữ NFT. Về cơ bản thì nó sẽ lưu giữ một bản ghi vĩnh viễn về NFT của bạn. Vì vậy điều quan trọng là chọn một cái phù hợp với yêu cầu cùng mức phí mà bạn phải trả để có thể sở hữu và bán nó sau này.
Tạo lập một địa chỉ ví dùng để nhận và lưu trữ NFT đó: NFT thực chất là một loại token. Do đó, tương ứng với từng nền tảng blockchain, bạn có thể lựa chọn các loại ví hỗ trợ tương ứng. Một vài cái tên phổ biến như MetaMask hay ví lạnh Ledger Nano X…
Và cuối cùng là chọn một nền tảng hỗ trợ bạn tạo NFT: Blockchain chỉ là nơi để bạn lưu trữ NFT mà thôi. Để tạo NFT từ các dữ liệu bạn có, bạn cần một nền tảng hỗ trợ. Một vài sàn giao dịch tiền điện tử cũng hỗ trợ tính năng này. Nếu không thì bạn có thể tìm đến các nền tảng chuyên biệt như OpenSea hay Rarible…
Trên thực tế, hầu hết các nền tảng hỗ trợ tạo NFT đều thiết lập một quy trình sẵn với tất cả các bước kể trên. Do đó, tùy thuộc vào từng nền tảng, bạn sẽ được hướng dẫn từng bước chi tiết. Một số thao tác đơn giản bạn cần làm là Tải phần nội dung bạn mong muốn chuyển thành NFT lên nền tảng; Thêm các thuộc tính mô tả cho NFT đó; Lựa chọn blockchain và Tiến hành tạo.
Tạo NFT trên OpenSea. Nguồn: OpenSea
Tùy từng nền tảng sẽ hỗ trợ tạo trên các blockchain khác nhau. Trong ví dụ mà mình đưa ra ở trên, OpenSea hiện đang hỗ trợ tạo NFT trên các blockchain như Ethereum, Arbitrum, BNB Chain…
Chọn blockchain khi tạo NFT. Nguồn: OpenSea
Phụ thuộc vào blockchain cũng như nền tảng tạo NFT mà bạn chọn, sẽ có các mức phí khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân ra hai loại phí khác nhau bao gồm:
Phí tạo NFT: Nó bao gồm phí gas và phí tài khoản. Phí gas sẽ phụ thuộc vào mạng blockchain bạn chọn. Ví dụ Ethereum thường có phí gas cao hơn rất nhiều so với các mạng như Solana hay BNB Chain. Phí tài khoản sẽ phụ thuộc vào nền tảng tạo NFT đó.
Phí niêm yết NFT: Bạn có thể tạo NFT nhưng để bán hoặc giao dịch được nó bạn cần niêm yết lên các nền tảng hỗ trợ (thường gọi là chợ hay marketplace). Một số nền tảng cho phép bạn mint NFT miễn phí nhưng để bán được thì bạn cần phải trả phí niêm yết này.
Cần lưu ý rằng mức phí này, ngay cả khi bạn đúc trên cùng một blockchain cũng không giống nhau. Nó phụ thuộc vào kích thước tệp dữ liệu, khả năng xử lý của mạng lưới trong các khung giờ khác nhau… Do đó, để tối ưu mức phí cho người dùng (đặc biệt là những người đúc nhiều NFT) đồng thời kích thích việc mint NFT, một số nền tảng cho phép người dùng mint thoải mái NFT. Quá trình ghi NFT lên blockchain chỉ thực sự diễn ra khi NFT đó có người mua. Lúc này, giá bán NFT sẽ bao gồm cả chi phí đúc kể trên.
5. Tương lai của NFT sẽ ra sao?
Giá trị của các bộ sưu tập NFT được xây dựng trên ba trụ cột chính là cộng đồng, văn hóa và tiện ích. Khi tìm kiếm giá trị trong các bộ sưu tập NFT, nó có thể là sự kết hợp của nhiều hoặc chỉ một khía cạnh. Như chúng ta đã thấy, NFT có thể hiện diễn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, nghệ thuật, hội hoạ…
Thời gian đầu xuất hiện, như một xu hướng mới nổi của thị trường, người ta chú ý đến nó ngay cả khi nó không mang lại nhiều giá trị. Rất nhiều NFT được thổi phồng với mức giá trên trời nhưng lại không đi kèm tiện ích gì ở thời điểm đó. Sự cường điệu mang lại cơ hội cho các nhà đầu cơ biết tận dụng để mua thấp bán cao.
Mặc dù vậy, thị trường NFT vẫn là một thứ gì đó khá mới mẻ đối với phần đông tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là doanh số bán NFT có thể sẽ không ổn định, lúc lên cao, lúc xuống thấp hoặc thậm chí là đi ngang như hiện tại. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại những tiềm năng nhất định.
Khi giai đoạn cường điệu thái quá qua đi, người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến những tính năng mà nó có thể đem lại. Họ sẽ quan tâm đến việc sở hữu NFT có giúp họ trở thành một phần của cộng đồng sôi nổi đó hay không? Hay họ có quyền ưu tiên được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ độc quyền hay không?
Do đó, trong tương lai, NFT sẽ đóng vai trò như một tấm vé thông hành, có thể giúp các thương hiệu tiếp cận và tạo sự gắn kết với khách hàng của mình. Lấy ví dụ:
Về phía người dùng, họ có thể sở hữu những đặc quyền dành riêng cho khách hàng VIP như ưu đãi giảm giá, cơ hội mua các sản phẩm giới hạn…
Về phía các nhãn hàng, họ có thể tạo ra một kênh giao tiếp riêng đối với khách hàng, hiểu được khách hàng cần gì để “may đo" và tạo ra những sản phẩm phù hợp nhằm giữ chân khách hàng. Một số thương hiệu thời trang như Adidas, Nike đã và đang bước đầu ứng dụng NFT vào việc kinh doanh của mình.
Lấy ví dụ, nếu như người dùng có Into the Metaverse NFT, họ có thể sở hữu các sản phẩm vật lý được thiết kế theo hình thức hợp tác giữa các sản phẩm truyền thống của Adidas với BAYC hoặc PUNKS Comic…
6. Lời kết
Chúng ta không phủ nhận việc NFT đã khuấy động một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số. Đồng thời, NFT cũng mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho việc đại diện cho quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số. Điều quan trọng nhất là các mã thông báo không thể thay thế mang đến những cơ hội quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực Web3. Do đó, nhu cầu về hướng dẫn phát triển NFT đang tăng dần trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, với một thị trường mới nổi, NFT sẽ cần phải cải tiến, thay đổi và thêm nhiều tiện ích hơn nữa. Ở thời điểm hiện tại, NFT vẫn là một thứ gì đó rất rủi ro vì tương lai của chúng không chắc chắn và chúng ta chưa có nhiều dữ liệu lịch sử để đánh giá hiệu suất của chúng.
Hãy nhớ rằng, giá trị của một NFT hoàn toàn dựa trên những gì người khác sẵn sàng trả cho nó. Nhu cầu sẽ thúc đẩy giá chứ không phải là các chỉ số cơ bản, kỹ thuật mà chúng ta vẫn thường sử dụng để phân tích và dự đoán giá. Do đó, nếu bạn quan tâm đến NFT và mong muốn đầu tư vào nó, hãy nghiên cứu thật kỹ và có thể phân bổ một phần nhỏ tài sản của mình để đảm bảo an toàn.
▌ Các bài liên quan đến [NFT] |
Opensea là gì? Kiếm được bao nhiêu? Cách tạo và mua NFT trên Opensea
Game NFT là gì? Top 7 Game NFT Kiếm Tiền Miễn Phí Trên Điện Thoại
DeFi là gì? Có lừa đảo không? 10 các dự án DeFi coin tiềm năng 2023
Dex là gì? Top 10 sàn DEX (sàn phi tập trung) và Sàn CEX phổ biến
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.