Đồng HKD là gì? Tìm hiểu về các yếu tố tác động căn bản lên tỷ giá USD/HKD? Xu hướng USD/HKD trong thời gian tới

Đồng HKD là đồng tiền riêng của Hồng Kông, đồng thời là một trong những đồng tiền phổ biến tại Châu Á, đặc biệt tại các khu vực gần lục địa Trung Quốc. Trong bài viết này, hãy cùng Mitrade tìm hiểu các thông tin xoay quanh đồng tiền này và xu hướng của cặp USD/HKD trong giai đoạn tới.
1. Tổng quan về đồng HKD và tỷ giá USD/HKD
- Lịch sử ra đời
Đồng HKD (hay còn gọi là Đô la Hồng Kông) được phát hành lần đầu tiên vào năm 1863, từ thời lãnh thổ này còn là thuộc địa của Anh. Ban đầu, đồng HKD được neo yết với bạc, nhưng sau đó được chuyển sang gắn với USD kể từ năm 1983.
- Các loại mệnh giá tiền HKD:
Tiền HKD có 2 loại là tiền xu và tiền giấy. Tiền xu HKD có các mệnh giá từ 10 xu đến 10 HKD, với mặt trước của các đồng xu có hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II, còn mặt sau có hình ảnh các biểu tượng khác nhau của Hồng Kông. Trong khi đó, tiền giấy HKD có mệnh giá từ 10 HKD đến 1000 HKD, với mặt trước của tờ tiền có hình ảnh các địa danh và nhân vật nổi tiếng của Hồng Kông, còn mặt sau có các hoa văn và một số biểu tượng gắn liền với vùng lãnh thổ này.
- Mức độ phổ biến:
Đồng HKD là đơn vị tiền tệ chính thức của Hồng Kông. Do vị thế trung tâm tài chính quốc tế và lượng du khách đông đảo, đồng HKD được sử dụng phổ biến trong các hoạt động thanh toán, mua sắm và đầu tư. Ngoài ra, đồng HKD cũng được chấp nhận rộng rãi ở các nước láng giềng như Trung Quốc và Ma Cao.
Trên phạm vi quốc tế, đồng HKD có mức độ phổ biến trung bình trên toàn cầu. Đồng HKD được sử dụng trong một số giao dịch thanh toán, đặc biệt là liên quan đến hoạt động thương mại và đầu tư với Hồng Kông. Tuy nhiên, so với các loại tiền tệ chính như USD, EUR hay JPY, HKD vẫn có phạm vi sử dụng hạn chế hơn. Theo SWIFT, tính đến tháng 5/2024, đồng HKD chiếm tỷ trọng khoảng 1,57% trong hoạt động thanh toán quốc tế, xếp thứ 8 trên toàn cầu.
Biểu đồ: Tỷ trọng các đồng tiền trong thanh toán quốc tế - Nguồn: SWIFT (tháng 5/2024)
- Tỷ giá USD/HKD
Tỷ giá USD/HKD là tỷ lệ quy đổi giữa 1 Đô la Mỹ (USD) sang 1 Đô la Hồng Kông (HKD). Tỷ giá USD/HKD là thông tin quan trọng cho các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch liên quan đến hai bên. Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) neo tỷ giá HKD với USD trong khoảng từ 7,75 đến 7,85 kể từ năm 1983 đến nay và sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá trong biên độ này. Do đó, cơ chế neo tỷ giá USD/HKD là cơ bản là neo cố định có kiểm soát. Việc này sẽ giúp ổn định kinh tế và thị trường tài chính Hồng Kông – vốn là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và giúp giảm rủi ro tỷ giá cho các nhà đầu tư nước ngoài.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đồng HKD
Vì đặc tính HKD được neo vào đồng USD nên đồng tiền này sẽ chịu tác động trực diện bởi các yếu tố liên quan đến đồng USD như chính sách tiền tệ của Mỹ, bao gồm lãi suất và các biện pháp kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Khi Fed thay đổi lãi suất, HKMD thường phải điều chỉnh chính sách theo để duy trì tỷ giá cố định. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm:
☀️ Tình hình kinh tế toàn cầu: Biến động trong kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính do tác động từ địa chính trị hoặc đại dịch có thể tác động đến hầu hết các cặp đồng tiền và tỷ giá USD/HKD không phải là ngoại lệ.
☀️ Chính sách tiền tệ của Mỹ:
+ Lãi suất của Fed: Khi Fed tăng lãi suất, đồng USD trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nhờ lợi suất cao hơn. Điều này buộc HKMA phải điều chỉnh lãi suất để duy trì tỷ giá cố định trong biên độ 7,75-7,85 HKD đổi lấy 1 USD.
+ Chương trình mua trái phiếu và chính sách kích thích kinh tế: Các biện pháp nới lỏng định lượng (quantitative easing) như mua trái phiếu của Chính phủ có thể làm giảm giá trị của USD, từ đó ảnh hưởng đến HKD.
☀️ Can thiệp chính sách của HKMA: Như đã đề cập ở trên, HKMA can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua hoặc bán USD để giữ tỷ giá trong biên độ cố định. Các hành động này có thể bao gồm việc tăng hoặc giảm lãi suất trong nước.
HKMA duy trì một lượng lớn dự trữ ngoại hối để có thể can thiệp khi cần thiết. Quy mô dự trữ này đảm bảo rằng Hồng Kông có đủ nguồn lực để duy trì tỷ giá cố định. Theo Chính phủ Hồng Kông, dự trữ ngoại hối của Hồng Kông tính đến 7/5/2024 là 416,4 tỷ USD. Mức dự trữ cao nhất trong lịch sử là gần 500 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, HKMA đã phải bán lượng lớn dự trữ để ổn định tỷ giá USD/HKD trong giai đoạn 2022-2023 do tác động của việc Fed thắt chặt tiền tệ mạnh và xung đột Nga-Ukraine.
Biểu đồ: Dự trữ ngoại hối của Hồng Kông – Nguồn: Tradingeconomics
☀️ Chênh lệch lãi suất giữa USD và HKD: Đây là hệ quả của việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) và Hồng Kông (HKMA) tác động đến tỷ giá. Lãi suất USD cao hơn HKD sẽ thu hút đầu tư vào USD, khiến tỷ giá USD/HKD tăng. Ngược lại, chênh lệch lãi suất thấp sẽ khiến giá USD/HKD giảm.
☀️ Cán cân thanh toán:
+ Thặng dư thương mại: Khi Hồng Kông xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại, nhu cầu về HKD tăng sẽ khiến tỷ giá USD/HKD giảm. Ngược lại, thâm hụt thương mại sẽ khiến tỷ giá USD/HKD tăng. Trên thực tế, cán cân thương mại của Hồng Kông chủ yếu trong tình trạng nhập siêu vì lãnh thổ này không có nguồn tài nguyên dồi dào và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào dịch vụ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Hồng Kông là dầu mỏ, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông.
Biểu đồ: Cán cân thương mại của Hồng Kông – Nguồn: Tradingeconomics
+ Dòng vốn đầu tư: Dòng vốn đầu tư chảy vào Hồng Kông sẽ làm tăng nhu cầu về HKD, thúc đẩy tỷ giá USD/HKD giảm. Ngược lại, dòng vốn chảy ra sẽ khiến tỷ giá USD/HKD tăng. Đặc biệt liên quan đến dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu do thị trường tài chính Hồng Kông có tính thanh khoản rất lớn. Quy mô của dòng vốn này thậm chí lớn hơn nhiều so với cán cân thương mại nên đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến diễn biến tỷ giá USD/HKD.
Biểu đồ: Cán cân vốn (Capital Flows) của Hồng Kông – Nguồn: Tradingeconomics
☀️ Tâm lý thị trường: Khi tâm lý kỳ vọng tích cực về triển vọng nền kinh tế Mỹ hoặc tiêu cực về kinh tế Hồng Kông có thể khiến nhà đầu tư ưa chuộng USD, đẩy giá USD/HKD tăng. Ngoài ra, các sự kiện chính trị bất ổn ở Hồng Kông có thể khiến nhà đầu tư lo ngại và chuyển đổi sang USD, làm tỷ giá USD/HKD tăng.
3. Xu hướng tỷ giá USD/HKD trong thời gian qua
Như đã đề cập ở trên, tỷ giá USD/HKD chủ yếu dao động trong một biên độ hẹp 7,75-7,85 (+/- 1%) kể từ năm 1983 đến nay do chính sách yết tỷ giá cố định của HKMA. Sau đây là các giai đoạn chính của tỷ giá trong khoảng 15 năm qua:
Biểu đồ: Diễn biến tỷ giá USD/HKD kể từ năm 2008 đến nay – Nguồn: Tradingview
- Giai đoạn 2008 – 2009: Tỷ giá USD/HKD giảm mạnh về ngưỡng sàn 7,75 do đồng USD giảm trở lại sau chính sách kích thích nới lỏng mạnh mẽ của Fed để hỗ trợ kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng.
- Giai đoạn 2010-2011: Tỷ giá chịu áp lực tăng lại, lên sát ngưỡng trần 7,85 do đồng USD tăng lại với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tại EU.
- Giai đoạn 2012-2015: Tỷ giá neo ở mức thấp quanh vùng sàn 7,75 do sức mạnh của đồng USD suy yếu trong giai đoạn này, dòng vốn vào Hồng Kông cũng rất lớn do sức hút của thị trường tài chính nơi này.
- Giai đoạn 2016-2019: Tỷ giá tăng lại lên vùng trần 7,85 do chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sau giai đoạn dài nới lỏng, bất ổn liên quan đến chiến tranh thương mại khiến dòng tiền đổ về các tài sản trú ẩn là đồng USD. Cuối năm 2019, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông cũng tạo ra một số áp lực nhất định lên đồng HKD, nhưng HKMA đã can thiệp giữ tỷ giá trong biên độ cố định.
- Giai đoạn 2020-2021: Tác động của dịch Covid-19 khiến đồng USD suy yếu do Fed nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, tỷ giá USD/HKD lại quay về vùng sàn 7,75.
- Giai đoạn 2022-nay: Tỷ giá USD/HKD quay trở lại về mức 7,80-7,85 do tác động của xung đột Nga-Ukraine, Fed thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát.
Như vậy, nhìn chung tỷ giá USD/HKD vẫn duy trì biến động trong một phạm vi hẹp trong suốt hơn chục năm vừa qua mặc dù đồng USD đã chứng kiến nhiều thăng trầm. Điều này có được là nhờ chính sách can thiệp liên tục của HKMA, với nguồn lực dự trữ ngoại hối dồi dào và các công cụ tài chính hiệu quả, linh hoạt.
4. Dự báo xu hướng tỷ giá USD/HKD trong giai đoạn tới
Biểu đồ: Phân tích kỹ thuật cặp USD/HKD – Nguồn: Tradingview
Trên biểu đồ phân tích kỹ thuật 1D, tỷ giá USD/HKD đang vận động trong một kênh giảm khi đường giá nằm dưới đường Kijun, Tenkan và cả vùng mây Kumo. Xu hướng giảm mạnh của tỷ giá được thiết lập từ cuối tháng 4/2024 đến nay sau khi chạm vùng 7,84 – khá sát mức tỷ giá trần của HKMA quy định. Mặc dù vậy, chỉ báo động lượng Stochastic RSI đang ở dưới mức 20 – mức quá bán, cho thấy nhiều khả năng tỷ giá USD/HKD có thể sẽ chứng kiến những nhịp hồi phục trong ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự mạnh của tỷ giá sẽ là vùng mây kumo khá dày màu đỏ phía trước – quanh khoảng 7,81.
Mặc dù phân tích kỹ thuật là một công cụ hiệu quả trong việc nắm bắt xu hướng của các cặp tiền tệ, tuy nhiên đối với tỷ giá USD/HKD, công cụ này dường như khó phát huy hiệu quả khi bị giới hạn bởi mức trần – sàn do HKMA quy định. Theo đó, để nắm được xu hướng tỷ giá USD/HKD trong giai đoạn tới, điều cần thiết là đánh giá triển vọng các yếu tố tác động lên tỷ giá như đề cập ở trên. Các yếu tố cụ thể bao gồm:
- Chính sách tiền tệ của Fed và xu hướng đồng USD: Trong phiên họp gần nhất vào ngày 12/06 vừa qua, các thành viên Fed đã đưa ra dự báo về việc cắt giảm lãi suất khoảng 1 lần từ giờ đến cuối năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD có thể bị hạn chế sức mạnh phần nào khi Fed tiến hành giảm lãi suất. Tuy nhiên, cần lưu ý trước đó thị trường đã kỳ vọng Fed có thể có tới 2-3 lần cắt, nghĩa là việc Fed tỏ ra thận trọng hơn đang đi ngược lại kỳ vọng của số đông. Cộng với việc các NHTW lớn khác cũng đang tiến hành cắt lãi suất, nhiều khả năng đồng USD sẽ không giảm quá mạnh từ giờ đến cuối năm mà có thể giằng co. Bước sang năm 2025, đồng USD có thể giảm mạnh hơn, nếu quá trình cắt lãi suất của Fed được duy trì đúng như dự kiến.
Biểu đồ: Dự phóng lãi suất cơ bản của các thành viên Fed (Dot Plot) trong tháng 06/2024 – Nguồn: Bloomberg, FOMC
- Tình hình kinh tế toàn cầu: Kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2024, tốc độ vào khoảng 3% song không rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Điều này có được là nhờ các chính sách kích cầu mạnh mẽ của NHTW các nước lớn sau giai đoạn Covid, bất chấp tác động của lạm phát. Do đó, tâm lý ưa thích rủi ro có thể tiếp tục duy trì đổ vào các tài sản tại các thị trường Châu Á như Hồng Kông, qua đó hỗ trợ đồng HKD.
- Dòng vốn đầu tư vào Hồng Kông: Với việc Fed dự kiến nới lỏng từ giờ đến cuối năm và sang năm 2025, dòng vốn đầu tư vào các thị trường Châu Á, bao gồm Hồng Kông có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vấn đề kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; do đó dòng vốn có thể không tăng trưởng một cách ồ ạt.
- Chính sách kinh tế của Hồng Kông dự kiến có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, v.v. Ngoài ra, giả định quan trọng là chính sách neo yết tỷ giá cố định của HKMA vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới.
- Rủi ro địa chính trị: Đây là vấn đề khó dự báo, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ có thể có tổng thống mới kể từ cuối năm 2024. Hồng Kông đã có người lãnh đạo mới là ông Lý Gia Siêu kể từ năm 2022 – do Bắc Kinh hậu thuẫn để kế nhiệm trưởng đặc khu Carrie Lam. Các vấn đề mâu thuẫn với Trung Quốc đã dần lắng xuống kể từ thời điểm đó đến nay, tuy nhiên nếu Mỹ có tổng thống mới thì câu chuyện có thể sẽ khác.
Tổng kết các yếu tố trên, nhìn chung tỷ giá USD/HKD có thể sẽ duy trì xu hướng giảm trong thời gian tới với giả định chính sách tiền tệ của Fed chuyển sang nới lỏng kể từ cuối năm 2024. Theo đó, kỳ vọng tỷ giá có thể tiến đến vùng tỷ giá sàn (7,75) của HKMA ấn định nếu đồng USD có những chuyển biến giảm rõ nét hơn khi bước sang năm 2025. Tuy nhiên, trong ngắn hạn tỷ giá USD/HKD có thể chứng kiến nhịp hồi phục kỹ thuật khi chỉ báo động lượng đã chạm ngưỡng quá bán.
Biểu đồ: Dự báo tỷ giá USD/HKD của theo khảo sát của Reuters – Nguồn: Reuters
Ngoài ra, tham khảo theo khảo sát của Reuters với các định chế tài chính hàng đầu trong tháng 4/2024, tỷ giá USD/HKD dự báo có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian tới (xét theo mức trung bình dự báo), về mức quanh khoảng 7,78 từ giờ đến cuối năm 2024.
5. Những lưu ý quan trọng khi giao dịch đồng HKD
Đồng HKD, tỷ giá USD/HKD có đặc điểm là thanh khoản lớn, tuy nhiên mức độ biến động của nó tương đối hẹp có thể không quá hấp dẫn với các nhà đầu tư ưa thích rủi ro. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể tận dụng việc niêm yết trần – sàn của HKMA để có những chiến lược giao dịch kiếm lợi nhuận từ đồng HKD. Dưới đây là một số lưu ý cho nhà giao dịch HKD:
- Hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/HKD: Bao gồm các yếu tố như chính sách tiền tệ của Fed & HKMA, cán cân thanh toán của Hồng Kông, biến động chính trị tại Hồng Kông và trên toàn cầu. Ngoài ra, nhà đầu tư cần hiểu rõ cơ chế neo tỷ giá của đồng HKD và nắm được các động thái can thiệp thường xuyên của HKMA.
- Quản lý rủi ro hiệu quả: Cặp USD/HKD thường có biến động thấp do cơ chế neo tỷ giá. Do đó, nhà giao dịch nên điều chỉnh chiến lược giao dịch để phù hợp với mức độ biến động này. Lưu ý đến việc sử dụng đòn bẩy phù hợp và tuân thủ hạn mức cắt lỗ để bảo vệ lợi nhuận, hạn chế rủi ro.
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thông tin về chính sách tiền tệ, biến động kinh tế - chính trị tại khu vực Hồng Kông và Trung Quốc nói chung.
- Ưu tiên giao dịch trong biên độ phạm vi hẹp (range trading) có thể hiệu quả hơn so với các chiến lược giao dịch theo xu hướng (trend following). Nhà giao dịch có thể tận dụng các nhịp tăng mạnh của USD/HKD lên mức trần 7,85 và thực hiện chiến lược short vị thế để kiếm lợi nhuận tại vùng giá này, với giả định chính sách pegging của HKMA vẫn được duy trì. Ngược lại, khi tỷ giá chạm mức sàn 7,75, một lệnh long vị thế có thể được thiết lập sẵn để kiếm lợi nhuận với kỳ vọng tỷ giá sẽ phục hồi sau đó.
6. Kết luận
Đồng HKD là đồng tiền giao dịch chính thức của Hồng Kông, đồng thời cũng là một đồng tiền giao dịch phổ biến có thanh khoản cao do thị trường tài chính phát triển tại vùng lãnh thổ này, thu hút dòng vốn quy mô lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Do đặc thù là đồng tiền được yết cố định vào đồng USD do HKMA quản lý, tỷ giá USD/HKD giao dịch trong biên độ khá hẹp (7,75-7,85) kể từ năm 1983 đến nay. Điều này có thể hạn chế các nhà đầu tư ưa thích rủi ro, song cũng là cơ hội cho các giao dịch kiếm lợi nhuận để tận dụng các ngưỡng trần/ sàn của tỷ giá với kỳ vọng chính sách của HKMA sẽ không thay đổi trong tương lai.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đồng HKD, trong đó quan trọng nhất là chính sách tiền tệ của Fed và HKMA, chênh lệch lãi suất và rủi ro địa chính trị. Các nhà giao dịch đồng HKD cần lưu ý đến các vấn đề này để tận dụng thời cơ phù hợp, đồng thời quản trị rủi ro chặt chẽ để kiếm lợi nhuận khi giao dịch đồng tiền này.


Vì sao HKMA phải can thiệp liên tục để duy trì HKD cố định neo vào USD?
Vì sao phân tích kỹ thuật thường không hiệu quả với cặp USD/HKD?
Quan hệ Trung Quốc – Hồng Kông ảnh hưởng thế nào đến HKD?
Tỷ giá HKD/VND hiện nay là bao nhiêu?
Sự khác biệt giữa HKD và RMB là gì?
Những ngân hàng nào phát hành tiền giấy HKD?
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.