Thanh khoản(liquidity)là gì? Tại sao cần chú ý vào thanh khoản khi thực hiện đầu tư?

Cập nhật
Nhóm Traderins
coverImg
Nguồn: DepositPhotos


Khi đánh giá sức khỏe của một loại tài sản, một thị trường thì người ta có thể nhìn vào mức vốn hóa, độ biến động, quy mô giao dịch, …hoặc các chỉ số kỹ thuật khác.

Tuy nhiên có một yếu tố cực kỳ quan trọng khác cần xem xét, đó là thanh khoản. Một thị trường hoặc tài sản thiếu thanh khoản thì sẽ rất khó hoặc không thể thực hiện giao dịch mua bán mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến giá của nó trên thị trường. Vậy thanh khoản là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy đối với nhà đầu tư? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thanh khoản thông qua bài viết sau. 

1. Thanh khoản là gì?


֎ Khái niệm

Thanh khoản là được hiểu việc một tài sản có thể chuyển đổi thành một tài sản khác trong một thời gian ngắn, chi phí thấp mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến giá của nó trên thị trường. Một tài sản có tính thanh khoản tốt có nghĩa là nó sẽ có thể được mua và bán trên thị trường một cách dễ dàng, nhanh chóng và không ảnh hưởng đáng kể đến giá của nó. Ngược lại, một tài sản thanh khoản kém/không thanh khoản sẽ khó mua bán, hoặc nếu mua – bán được thì cũng sẽ tốn rất nhiều chi phí và ảnh hưởng mạnh đến giá của nó.


Tiền mặt và các khoản tương đương (ví dụ tiền gửi ngân hàng hay trái phiếu chính phủ) được xem là loại tài sản thanh khoản nhất trên tất cả các thị trường. Trong lĩnh vực crypto thì stablecoins được xem là thanh khoản nhất. Mặc dù thời điểm hiện tại thì tiền ảo chưa phải là phương tiện thanh toán (payment means) hằng ngày, tuy nhiên đến một thời điểm nào đó mà tiền ảo được chấp nhận rộng rãi (có thể chỉ là vấn đề về thời gian) thì tính thanh khoản của stablecoins có thể được xem là tương đương với tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong thị trường truyền thống.


Ví dụ cho tài sản kém thanh khoản có thể là bất động sản (đặc biệt bất động sản diện tích lớn, giá trị cao), bộ sưu tập, tác phẩm nghệ thuật…bởi vì việc mua bán các tài sản này không dễ dàng. Một người có thể có một tác phẩm nghệ thuật có giá trị rất lớn, tuy nhiên để tìm kiếm một người sẵn sàng mua với giá hợp lý (fair price) sẽ khó khăn và có thể tốn rất nhiều thời gian.


֎ Phân loại: thanh khoản thị trường (market), thanh khoản kế toán (hoặc thanh khoản tài chính) 

Có khá nhiều cách tiếp cận khái niệm cũng như phân loại thanh khoản, tuy nhiên việc phân loại theo thanh khoản kế toán – tài chính và thanh khoản thị trường là phổ biến nhất. Phần lớn nội dung bài viết này tập trung vào loại phân loại thứ 2 để người đọc có cái nhìn chung về thị trường, 


Thanh khoản kế toán – tài chính (accounting liquidity hay financial liquidity)


Khái niệm này thường được áp dụng khi đánh giá cụ thể một doanh nghiệp hoặc dự án đầu tư nào đó dựa trên các khoản mục trên báo cáo tài chính của công ty. Chủ yếu nó dùng để đánh giá khả năng công ty có thể xử lý các khoản vay ngắn hạn (short-term debts) hoặc khoản phải trả (liabilities) bằng tải sản ngắn hạn và dòng tiền của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp dù có các chỉ số hoạt động (performance indicators) tốt nhưng thanh khoản kém vẫn được xem là đối tượng nguy hiểm khi quyết định đầu tư. Thậm chí trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng thì con đường dẫn đến phá sản do thiếu thanh khoản ngắn hơn nhiều lần so với phá sản do nợ xấu hoặc đầu tư tài sản rủi ro cao. Tuy nhiên đây không phải là nội dung chính của bài viết này.


Thanh khoản thị trường (market liquidity)


Giống như cái tên của nó cũng như cách hiểu thông thường, thanh khoản thị trường được hiểu là việc tài sản dễ mua – dễ bán với giá hợp lý (fair price) và không làm ảnh hưởng đáng kể của tài sản đó trên thị trường giao dịch. Thanh khoản cao luôn được ưu tiên hơn khi quyết định đầu tư bởi vì nó là biểu hiện của sự sôi động và ổn định của thị trường.

 Lưu ý là khi nói đến thanh khoản thị trường thì người ta có thể đang đề cập đến thanh khoản của một loại tài sản, thanh khoản của một sàn giao dịch hoặc thanh khoản của một loại tài sản trên một (số) sàn giao dịch nhất định. Khi thực hiện đầu tư thì các khái niệm này nên được tiếp cận một cách toàn diện.


Ví dụ như trái phiếu chính phủ Việt Nam ở thị trường Việt Nam được xem là tài sản có tính thanh khoản rất cao, có thể mua – bán dễ dàng với volume giao dịch thứ cấp hàng ngày có thể lên đến vài chục ngàn tỷ VNĐ. Tuy nhiên nếu nắm giữ tài sản này ở thị trường Mỹ hoặc Châu Âu thì việc mua – bán có thể sẽ gặp khó khăn do không dễ dàng tìm được người mua – người bán với giá phù hợp.


֎ Khái niệm mới trong thanh khoản


Những năm gần đây thì thanh khoản còn có thêm một số khái niệm đặc trưng cho thị trường crypto – cụ thể là sau khi DeFi ra đời.


Liquidity pool (tạm dịch là bể/hồ thanh khoản) của các dự án AMM hoặc Lending là nơi mà người dùng (người vay và người cho vay) gửi tài sản của mình vào để tạo thanh khoản cho các giao dịch dự định thực hiện. Và để khuyến khích người dùng gửi tài sản vào bể thanh khoản, các dự án sẽ tặng thêm token mặc định như một phần thưởng (tham khảo thêm về dự án Compound).


Liquidity mining (tạm dịch là cung cấp thanh khoản) là một chiến lược khi người dùng cung cấp thanh khoản cho một giao thức/dự án và đổi lại là sẽ nhận được một khoản token mặc định của giao thức/dự án đó như một phần thưởng. Thỉnh thoảng sẽ có người dùng thuật ngữ yield farming với ý nghĩa tương tự.



2. Vai trò của thanh khoản


Rõ ràng là khi đọc đến đây, chúng ta đã nhận thấy được sự quan trọng của thanh khoản khi thực hiện quyết định trading hoặc đầu tư trong bất kỳ thị trường nào (forex, chứng khoán, crypto hoặc thậm chí thị trường của các tài sản có thanh khoản yếu khác như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật…). Vậy thì cụ thể nó có vai trò gì?

Ổn định thị trường và hạn chế thao túng giá

Thanh khoản giúp cho thị trường ổn định hơn và phần nào bảo vệ được nhà đầu tư trước dao động giá (price swing). Đồng thời giá cả của tài sản cũng khó bị tác động bởi một hoặc một số thành viên “cá mập” thông qua giao dịch khối lượng áp đảo, giao dịch kỹ thuật hoặc cung cấp thông tin dẫn dắt thị trường.

Một cơ chế điển hình về hành vi thao túng là một nhóm nhà đầu tư có thể tác động lên giá cả bằng việc lợi dụng quy luật cung cầu của thị trường: đẩy giá lên cao theo mức mong muốn dựa vào giao dịch kỹ thuật hoặc tin đồn không kiểm chứng, sau đó xả hàng đột ngột để realize lợi nhuận. Nhóm thao túng khi đó sẽ thu được một khoản lời lớn do chênh lệch giá trong khi các nhà đầu tư khác bị lỗ nặng. Việc thao túng cũng có thể tiến hành theo chiều ngược lại: tung tin đồn thất thiệt để giá giảm mạnh sau đó thực hiện thu gom tài sản trên thị trường. Sau khi tin tức được kiểm chứng thì giá cả sẽ hồi phục và nhóm thao túng chiếm được lợi thế. Thị trường càng kém thanh khoản thì hành vi thao túng giá càng dễ thực hiện bởi các nhóm thành viên có tầm ảnh hưởng, tiềm lưc và ngược lại.

 
Ví dụ trong thị trường crypto thì việc một nhà đầu tư nào đó vào một deal lớn với đồng BTC hay ETH thì cũng không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến giá của nó, tuy nhiên khi mua bán các đồng altcoins thì đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Đẩy nhanh tiến độ giao dịch

Thanh khoản cao đồng nghĩa với việc có nhiều traders hơn, dẫn đến các lệnh mua và lệnh bán cũng được match với nhau nhanh hơn so với thị trường thanh khoản kém. Tốc độ giao dịch do đó cũng sẽ nhanh hơn và làm tăng trải nghiệm của người tham gia thị trường.

Tăng tính chính xác trong phân tích kỹ thuật

Bất kể trong thị trường nào thì phân tích kỹ thuật chỉ quan tâm chủ yếu tới 2 yếu tố là thay đổi giá (price movement) và khối lượng giao dịch (volume). Do đó chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của thanh khoản trong phân tích kỹ thuật. Phân tích kỹ thuật sẽ sử dụng các thông tin về giá và khối lượng giao dịch trong lịch sử để thiết lập nên mô hình biến động và đưa ra dự đoán xu hướng trong tương lai. Do vậy, một tài sản có tính thanh khoản tốt, giá ổn định sẽ giúp nhà đầu tư mua bán cryptocurrency thực hiện phân tích chính xác và dự đoán chuẩn xác hơn hành vi của thành viên thị trường.


Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade

3. Đo lường thanh khoản như thế nào?



Để đo lường mức độ thanh khoản thì một số yếu tố phổ biến thường được dùng nhất hiện nay là khối lượng giao dịch (có thể xem xét trong một khoảng thời gian – time window horizon – nhất định, ví dụ như 24h), chênh lệch giá mua – bán, độ sâu của lệnh (hay còn được gọi là độ sâu của thị trường).

Một số chỉ tiêu đo lường thanh khoản

Hình: Một số chỉ tiêu đo lường thanh khoản (Nguồn: Mitrade tổng hợp)


☼ Khối lượng giao dịch

Xem xét khối lượng giao dịch cũng sẽ có nhiều chiều tiếp cận và mỗi chiều tiếp cận cũng mang đến cho nhà đầu tư một số thông tin quan trọng nhất định.


☆ Để đo lường thanh khoản chung của một loại tài sản: Tổng khối lượng giao dịch (total trading volume) của một loại tài sản trên tất cả các thị trường mà nó có giao dịch. Một tài sản có tổng khối lượng giao dịch lớn có khả năng có tính thanh khoản cao vì nó được mua bán dễ dàng.

☆ Để đo lường thanh khoản của một sàn giao dịch cụ thể (exchange): Tổng khối lượng giao dịch tất cả các loại tài sản của sàn đó so với các sàn khác. Yếu tố này đo lường được phần nào độ uy tín và độ thanh khoản của sàn giao dịch, một sàn giao dịch có thanh khoản cao khi nó có nhiều người tham gia mua và bán. Ngoài ra chỉ số này còn dùng để đo lường được quy mô của một sàn giao dịch cụ thể: sàn nào có lượng giao dịch lớn thì tương đương với quy mô sàn đó cũng lớn, quy mô sàn lớn thì người tham gia giao dịch cũng nhiều và kết quả là việc mua bán cũng sẽ diễn ra thuận lợi hơn so với sàn nhỏ.

 Đo lường thanh khoản của 1 cặp giao dịch (trading pair)
 thông qua tổng khối lượng của cặp đó. Một tài sản/đồng tiền/… có thể giao dịch với nhiều loại tài sản/đồng tiền/… khác nhau, tạo nên nhiều cặp giao dịch trên thị trường. Ví dụ trong thị trường FX thì đồng USD có thể có các cặp giao dịch G7 (GBP/USD, EUR/USD, USD/JPY…), trong Crypto thì đồng Bitcoin có thể giao dịch với nhiều đồng khác (BTC/BCH, BTC/ETH…). Chỉ số này đo lường mức độ thanh khoản của từng cặp giao dịch.


Biểu đồ giá USD/JPY trực tuyến trên Mitrade
Giao Dịch Ngay  > >


Việc sử dụng chỉ một chỉ số về khối lượng giao dịch nào đó (ví dụ tổng khối lượng giao dịch của một loại tài sản trên tất cả các thị trường) để đánh giá tính thanh khoản đúng nhưng có thể chưa đủ và chưa giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể về tài sản đó khi đầu tư. Do đó nhà đầu tư có thể xem xét kết hợp cả 3 chỉ tiêu liên quan đến khối lượng như trên để ra quyết định phù hợp, ví dụ có thể tham khảo các bước sau:

(1) Xác định loại tài sản có tính thanh khoản cao trên thị trường chung
(2) Xác định sàn giao dịch nào thanh khoản tốt
(3) Xác định cặp giao dịch (ví dụ BTC/BCH) mà mình muốn giao dịch và chọn sàn giao dịch nào thanh khoản nhất đã thực hiện theo (2).


Chênh lệch giá mua – giá bán (bid – ask spread)

Bid-ask spread được xác định là chênh lệch giữa giá mà người bán sẵn sàng bán (bid price) và giá mà người mua sẵn sàng mua (ask price) cho cùng một loại tài sản nào đó. Đây là chỉ số điển hình để xác định được mức độ thanh khoản của hầu hết các thị trường hiện tại (FX, Money Market, Stocks…). Trong bất kỳ thị trường nào thì người bán luôn muốn bán giá cao, trong khi đó người mua luôn muốn mua giá thấp để tìm kiếm lợi nhuận. Một tài sản có bid-ask spread thấp thì có tính thanh khoản cao và ngược lại.

 Việc xác định bid – ask spread có thể thông qua việc nhìn vào lệnh (order book) và lấy giá chênh lệch giữa giá bán cao nhất (highest bid price) và giá mua thấp nhất (lowest bid price), hoặc sẽ được cung cấp bởi sàn giao dịch hoặc bên thứ 3. Hình dưới mô tả một sổ lệnh cho cặp BTC/USDT, chênh lệch bid – ask theo ví dụ này là 26,774.39-26,774.38= 0.01 (USDT).

16860371856777

Hình một phần sổ lệnh của BTC so với USDT (Nguồn: Binance)


☼ Độ sâu của lệnh (hoặc độ sâu của thị trường)

Độ sâu của lệnh (order book depth) hay độ sâu thị trường (market depth) là một cách biểu hiện trực quan hóa thông tin sổ lệnh của một cặp giao dịch. Đồ thị này thể hiện được cả hai mặt của cung và cầu để cho biết bạn có thể bán bao nhiêu tài sản ở một mức giá cụ thể - thông thường bên trái thể hiện chiều bán, bên phải thể hiện chiều mua. Và một cách dễ hiểu thì đồ thị càng sâu thể hiện thị trường cho loại tài sản/cặp giao dịch đó càng thanh khoản. Đồ thị càng sâu thì chứng tỏ thị trường có thể hấp thụ được một lượng lớn giao dịch mà không gây ảnh hưởng đáng kể lên giá.

Nhà đầu tư cần chú ý đến chỉ tiêu này, đặc biệt là khi đặt lệnh có khối lượng lớn: nếu thị trường chưa đủ sâu thì cần chia nhỏ lệnh ở nhiều mức giá khác nhau để có thể thực hiện thành công – tránh trường hợp fail lệnh (một phần) do giá không match được trên thị trường.

16860372525190

Biểu đồ độ sâu của sổ lệnh (Nguồn: Binance)


☼ Độ trượt (Slippage)

Độ trượt của giá xảy ra khi một nhà đầu tư phải thực hiện giao dịch (settle deal) với giá khác với giá mà họ dự định ban đầu bởi vì giá có thể thay đổi giữa thời điểm đặt lệnh và thời điểm giao dịch được thực hiện. Hiện tượng này xảy ra với mọi thị trường, ví dụ với chứng khoán, ngoại hối và càng xảy ra thường xuyên hơn với thị trường crypto – nơi mà giá biến động rất mạnh. Slippage cao nghĩa là nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện giao dịch với giá rất khác với giá dự định của mình. Có 2 loại slippage là slippage dương (postive) và slippage âm (negative).

Trạng thái

Khi nào?

Bên có lợi

Bên bất lợi

Slippage dương

Giá thực hiện < Giá dự định

Bên mua

(mua thấp hơn dự định)

Bên bán

(bán thấp hơn dự định)

Slippage âm

Giá thực hiện > Giá dự định

Bên bán

(bán cao hơn dự định)

Bên mua

(mua cao hơn dự định)


Slippage xảy ra khi không có đủ thanh khoản cho một khoảng giá nhất định để thực hiện giao dịch. Đối với các nhà giao dịch nhỏ lẻ thì chỉ tiêu này không quá quan trọng, tuy nhiên khi giao dịch với khối lượng lớn thì có thể là điểm đáng lo ngại. May mắn là hầu hết các sàn lớn đều có công cụ để giới hạn thiệt hại cho tình trạng slippage thông qua lệnh stop loss – ví dụ người giao dịch có thể giới hạn slippage lớn hơn 5% thì hủy giao dịch.

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản


Một số yếu tố có ảnh hưởng đến thanh khoản có thể kể đến như sau:

Sự đồng thuận của thị trường đối với một tài sản. Một tài sản nếu được một số lượng rất lớn thành viên thị trường chấp nhận (mass acceptance) thì đương nhiên khối lượng giao dịch tài sản đó sẽ lớn, và đây gần như là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định tính thanh khoản của tài sản đó.

 
Ví dụ như Bitcoin hiện nay ngoài giao dịch trên các sàn giao dịch tiền ảo thì nó cũng được chấp nhật như là một phương tiện thanh toán tại nhiểu merchants và công ty/cửa hàng khác nhau, thậm chí trong đó có nhiều công ty rất lớn và có uy tín trong nhiều ngành nghề, ví dụ như Coca-Cola Amatil, Norwegian Air, Paypal Holdings, Starbucks, BMW, Microsoft…(Nguồn Yahoo Finance). Ngược lại, với một số altcoin thì tính thanh khoản kém hơn hẳn do không có được sự đồng thuận lớn từ thị trường về giá và giá trị thực của đồng đó.

Nhà tạo lập thị trường (maket maker) cũng đóng vai trò quan trọng đối với thanh khoản. Nếu như một sàn giao dịch cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động mua bán (ngoại hối, chứng khoán, crypto) thì market maker cung cấp thanh khoản cho thị trường thông qua vai trò kết nối giữa bên có nhu cầu mua và bên có nhu cầu bán trong thị trường.

Market maker trong thị trường crypto thường là các brokerage house, quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc các công ty với nguồn lực lớn và có chuyên môn trong lĩnh vực. Do đó thông thường nếu có càng nhiều maket makers trong thị trường thì thì sẽ thanh khoản hơn.

Cơ chế thu hút thanh khoản (liquidity incentive mechanism) được mô tả như là cách để một dự án thu hút người tham gia, kết quả kèm theo đó là kích thích thanh khoản cho sản phẩm của dự án đó. Một ví dụ điển hình cho yếu tố này là trong các dự án DeFi (Lending) thì người dùng được khuyến khích gửi tài sản vào bể thanh khoản (liquidity pool) để thực hiện các giao dịch vay và cho vay, đồng thời cũng nhận được thêm token cho hoạt động của mình trong giao thức của dự án – còn được biết đến dưới tên yield farming (ví dự như Compound Finance).

Sự công nhận của luật pháp đối với một tài sản như thế nào cũng là một vấn đề đối với thanh khoản. Ví dụ tại các quốc gia phát triển hoặc có độ mở cho tiền ảo thì các nhà luật pháp sẽ xây dựng hành lang pháp lý để loại tài sản này được phép giao dịch và phát triển từ đó đẩy mạnh thanh khoản của thị trường.

Ngược lại tại những nước cấm hoặc hạn chế giao dịch tiền ảo thì thanh khoản sẽ rất hạn chế do nhà đầu tư tại các thị trường này sẽ e ngại các vấn đề về thuế, chuyển tiền đầu tư, sự bảo vệ của pháp luật đối với nhà đầu tư... khi thực hiện giao dịch các tài sản này.

Ngoài ra một số các yếu tố khác như tình hình kinh tế vĩ mô, dòng tiền, khối lượng giao dịch, lựa chọn sàn giao dịch...cũng đều có thể ảnh hưởng tới thanh khoản của thị trường.


5. Tại sao thanh khoản lại quan trọng khi quyết định đầu tư?


Việc lựa chọn một tài sản hoặc một sàn giao dịch có tính thanh khoản cao rất quan trọng với nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư ngắn hạn). Thanh khoản cao đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể xoay vòng vốn nhanh thông qua trading (thực hiện các vòng tuần hoàn mua – bán liên tục để tạo ra lợi nhuận lớn hơn so với vốn ban đầu bỏ ra). Nếu đầu tư vào một tài sản có thanh khoản thấp thì có thể phải chờ một thời gian tương đối dài để có thể bán được với giá như kỳ vọng và phải chấp nhận bid-ask spread cao và khả năng slippage lớn.

Ngoài việc lỗ do quyết định đầu tư sai xu hướng (investment loss) thì việc đầu tư vào thị trường hoặc tài sản thiếu thanh khoản còn dẫn đến lỗ từ việc thực hiện giao dịch và việc lỗ này chủ yếu đến từ hiện tường slippage (đã đề cập ở trên). Slippage lớn có thể ăn vào lợi nhuận hoặc thậm chí gây lỗ cho nhà đầu tư do phải thực hiện giao dịch với giá lệch hẳn với giá kỳ vọng.

Vì vậy, nhà đầu tư (đặc biệt là khi giao dịch với khối lượng lớn) cần chú ý yếu tố này khi giao dịch. Một số cách có thể xem xét để hạn chế ảnh hưởng của slippage như: đặt lệnh dừng lỗ, lựa chọn sàn giao dịch năng động, chú ý theo dõi các thông tin thị trường...

6. FAQs


• Làm thế nào để đánh giá nhanh một crypto là có thanh khoản hay không?
Để đánh giá một cryptocurrency có thanh khoản tốt hay không thì nên đánh giá diện các yếu tố theo phần 3 (hoặc hơn nữa). Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian trong quá trình screening, chúng ta có nhận định nhanh về thanh khoản của một crypto bằng cách nhìn vào khối lượng giao dịch bình quân trong 24h của crypto đó trên CoinMarketCap.

 
Khối lượng giao dịch bình quân thể hiện khối lượng mua bán cũng như quy mô của crypto đó để chúng ta đánh giá sơ bộ trong quá trình screening loại tài sản để đầu tư xem có tiếp tục nghiên cứu thêm về tiềm năng của nó hay không.


giao dịch của các crypto

Hình về thông tin giao dịch của các crypto (Nguồn:CoinMarketCap)



•  Nên đầu tư vào crypto có thanh khoản cao hay thấp?
Câu hỏi này có câu trả lời phụ thuộc khá lớn vào khẩu vị của từng nhà đầu tư. Một cách thông thường thì nhà đầu tư được khuyến khích nên giao dịch tài sản nào có độ thanh khoản cao để hạn chế rủi ro (ví dụ như có thể sẽ gặp trường hợp có tài sản nhưng không thể bán được/bán không được giá hợp lý). Và việc lựa chọn nên giao dịch vào tài sản hoặc thị trường thanh khoản cao đặc biệt quan trọng với các nhà đầu tư ngắn hạn (trading thay vì long-term investment). 


Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nhận định rằng dự án hoặc tài sản đó sẽ rất có tiềm năng trong tương lai và chấp nhận nắm giữ thời gian dài dựa trên đánh giá từ nhiều khía cạnh (nhà đầu tư/nhà phát triển dự án/tiềm năng của ngành…) thì có thể cân nhắc đánh đổi giữa thanh khoản và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận lớn (Bitcoin cũng đã từng không gây được nhiều sự chú ý khi mới ra đời nhưng hiện nay không thể phủ nhận được cả giá trị lẫn tính thanh khoản của nó trên thị trường).


• Hiện nay thị trường hay loại tài sản nào có thanh khoản lớn?
Hiện nay thị trường có khối lượng giao dịch lớn nhất là ngoại hối (foreign exchange), chứng khoán (equities), hàng hóa (commodities). Thị trường crypto cũng có nhiều phát triển trong những năm qua nhưng vẫn có khối lượng giao dịch rất thấp hơn so với các thị trường truyền thống do một số giới hạn về quy định pháp luật tại nhiều nước cũng như tính rủi ro cao.


quy mô giao dịch giữa cryptocurrency và các tài sản truyền thống khác

Biểu đồ quy mô giao dịch giữa cryptocurrency và các tài sản truyền thống khác (Nguồn: Số liệu từ Reuters,CoinMarketCap – Mitrade tổng hợp)


▌ Các bài liên quan đến [Thanh khoản]


! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư. 


Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


goTop
quote
Ad