Nến Doji là gì? cách áp dụng nến Doji trong giao dịch

Cập nhật
Nguyen Hoang Phu
coverImg
Nguồn: DepositPhotos

Phân tích kỹ thuật là một phương pháp phổ biến để dự đoán xu hướng giá và tìm kiếm cơ hội giao dịch trên thị trường tài chính. Trong đó, nến Nhật là một trong những công cụ quan trọng được sử dụng để phân tích biểu đồ giá.


Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào một loại nến Nhật phổ biến - nến Doji - và khám phá kỹ hơn ý nghĩa và tín hiệu giao dịch của chúng để có thể đưa ra các quyết định mua bán thông minh và chính xác hơn.


1. Nến Doji là gì? Cấu thành và đặc điểm của nến Doji

Nến Doji là một trong những mẫu nến Nhật đơn xuất hiện khi giá mở cửa và đóng cửa của một phiên giao dịch gần như bằng nhau. Đặc điểm này tạo ra một cây nến không có thân hoặc thân rất ngắn. Dựa trên hình dạng này, những nhà phân tích kỹ thuật đưa ra các giả định về hành động giá trong những trường hợp cụ thể.  


Cấu thành và đặc điểm của nến Doji 

Cấu thành và đặc điểm của nến Doji

Nến Doji cấu thành gồm 04 phần cơ bản của một nến Nhật thể hiện quá trình biến động giá trong phiên, bao gồm: giá cao nhất; giá thấp nhất; giá đóng cửa & giá mở cửa. Trong đó, khoảng cách từ giá cao nhất đến giá đóng/mở cửa tạo thành bóng nến phía trên, khoảng cách từ giá đóng/mở cửa đến mức giá thấp nhất tạo thành bóng nến phía dưới.


Đặc điểm nến Doji

  • Nến Doji có thể hình thành ở tất cả khung thời gian giao dịch với ý nghĩa khác nhau trong xu hướng xuất hiện.


  • Thân nến ngắn: Do nến Doji xuất hiện khi giá mở cửa và đóng cửa gần như bằng nhau nên thường có thân nến ngắn, bằng một vài % so với chiều dài nến.


  • Bóng nến: Nến Doji có thể có bóng nến hoặc không có bóng nến phụ thuộc vào biên độ giao động giá trong phiên giao dịch.


  • Nến Doji thường được xem là một chỉ báo trung lập và cung cấp ít thông tin về xu hướng giá cũng như độ tin cậy không cao.


Ý nghĩa và tâm lý nhà đầu tư phía sau nến Doji sẽ được giải thích chi tiết trong phần tiếp theo của bài viết.


2. Ý nghĩa của nến Doji

Nến Doji có thể ý nghĩa quan trọng trong phân tích kỹ thuật phụ thuộc thời điểm nó xuất hiện, được coi là một tín hiệu đảo chiều và thể hiện tâm lý nhà đầu tư. Dưới đây là một số ý nghĩa của nến Doji:


- Tín hiệu báo đảo chiều: Nến Doji thường được coi là tín hiệu báo đảo, vì nó cho thấy thị trường đang bị giằng co giữa người mua và người bán và không có xu hướng rõ ràng. Nếu xuất hiện nến Doji sau một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh, thì đó có thể là dấu hiệu của một sự đảo chiều sắp diễn ra.


- Kết thúc xu hướng: Nến Doji thường xuất hiện ở cuối một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh để cho thấy sự kết thúc của xu hướng đó. Ở điểm này, thị trường đang tìm kiếm hướng đi tiếp theo.


- Biểu thị sự không chắc chắn của thị trường: Nến Doji thể hiện sự không chắc chắn của thị trường, khi người mua và người bán đều không có sức mạnh chiến thắng hoặc không muốn giành ưu thế trong khoảng thời gian đó.


- Tín hiệu trung hòa: Nến Doji thể hiện sự cân bằng giữa cung và cầu. Nó cho thấy những lực cung và cầu đang trung hòa nhau và không có lực nào chiếm ưu thế. Đây cũng là dấu hiệu của việc thị trường đang bất định.


3. Phân loại cho nến Doji

Nến Doji có thể được chia làm 05 loại chính với những hình dạng và ý nghĩa khác nhau, bao gồm: 


Biểu đồ giá vàng

Biểu đồ giá vàng (Nguồn: Mitrade)


Loại nến Doji

Mô tả

#1 Doji tiêu chuẩn (Standard Doji)

 

+ Nến Doji tiêu chuẩn có phần bóng nến trên và dưới khá cân bằng với phần thân nến, giống như một dấu cộng hoặc chữ thập.


+ Nến Doji tiêu chuẩn không có ý nghĩa riêng biệt, mà phải được xem xét trong bối cảnh của xu hướng giá trước đó. Nếu nến Doji tiêu chuẩn xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh, nó có thể là dấu hiệu của sự suy yếu của xu hướng và khả năng đảo chiều trong tương lai. 


Tuy nhiên, nếu nến Doji tiêu chuẩn xuất hiện trong một thị trường đi ngang hoặc  giá đang dao động không quá mạnh,. nó không mang lại tín hiệu giao dịch rõ ràng và chỉ thể hiện sự dao động của giá trong phiên. Tóm lại, nó có thể được coi là một tín hiệu về sự đảo chiều của xu hướng hiện tại hoặc một tín hiệu cho thấy sự bế tắc của thị trường.

#2 Doji chân dài (Long-legged Doji)

+ Nến Doji chân dài có phần bóng nến trên và dưới khá dài so với phần thân nến. Điều này tạo ra một hình nến như một thanh thẳng, với một thân nến ngắn và hai bóng dài tương đối bằng nhau.

+ Doji chân dài xuất hiện thường cho thấy sự bất định trên thị trường khi giá dao dộng lớn nhưng không có bên nào chiếm ưu thế trong suốt phiên giao dịch. 


Tuy nhiên, nó không cho thấy xu hướng thị trường cụ thể nào đang xảy ra. Nếu xuất hiện sau một chuỗi các nến tăng hoặc giảm, nó có thể là một tín hiệu cho thấy sự dao động của giá sắp tới và làm thay đổi xu hướng thị trường.

#3 Doji chuồn chuồn (Dragonfly Doji)

+ Nến Doji chuồn chuồn có phần bóng nến phía dưới dài và gần như không có bóng nến phía trên. Điều này do giá mở cửa, giá đóng cửa và giá cao nhất trong phiên giao dịch tương đương nhau. Vì giá đã giảm xuống rất thấp trong phiên giao dịch trước khi hồi phục.


+ Doji chuồn chuồn thường được coi là một tín hiệu tích cực, đặc biệt nếu nó xuất hiện vào một chu kỳ giảm giá vì có thể cho thấy tín hiệu đảo chiều tăng sau đó. Ngoài ra, nó cũng cho thấy sự cân bằng giữa lực cung và cầu trên thị trường nếu xuất hiện trong xu hướng tăng, sau khi biên độ giao dộng giá đóng cửa trở lại mức giá mở cửa ban đầu.

#4 Doji bia mộ (Gravestone Doji)

+ Nến Doji bia mộ có bóng nến phía trên dài và bóng nến phía dưới gần như không có hoặc rất ngắn. Điều này do giá thấp nhất trong phiên tương đương với giá đóng cửa và giá mở cửa.


+ Doji bia mộ cho thấy sự áp đảo của lực cung trên thị trường và có thể là tín hiệu cho thấy sự đảo chiều của xu hướng tăng. Nếu xuất hiện sau một chuỗi các nến tăng, Doji bia mộ có thể là tín hiệu cho thấy sự đảo chiều giảm giá sắp diễn ra. Nó cũng cho thấy sự cân bằng giữa lực cầu và lực cung trên thị trường khi xuất hiện trong xu hướng giảm.

#5 Doji không bóng (4-price Doji)

+ Nến Doji không bóng gần như không có bóng nến phía trên và dưới hoặc rất ngắn. Điều này do biến động giá rất hẹp trong phiên.


+ Doji không bóng ít xuất hiện trong biểu đồ giá, nó cho thấy giá gần như không dao động trong phiên, tâm lý thờ ơ của cả hai bên mua bán và thanh khoản trong phiên nến Doji 4-price cũng thường rất thấp.


4. Ví dụ sử dụng nến doji khi giao dịch

Để hiểu rõ hơn về nến Doji chúng ta sẽ quan sát chúng trong biểu đồ giá thực tế và áp dụng để dự đoán xu hướng giá trong giao dịch.



Ví dụ 1: Nến Doji xuất hiện trong xu hướng giảm


Trong một xu hướng giảm, nến Doji xuất hiện cho thấy lực bán đang giảm dần và lực mua đang bắt đầu gia tăng, hoặc có thể là tình trạng lưỡng lự tạm thời của cả hai bên trên thị trường khiến giá có xu hướng dao động ngang.


16805755089480

Biểu đồ giá cổ phiếu Tesla (Nguồn: Mitrade)


Như đối với biểu đồ giá Tesla phía trên nến Doji chuồn chuồn xuất hiện trong xu hướng giảm cho thấy lực mua tăng và áp đảo lực bán trong phiên, có thể là một tín hiệu cho sự đảo chiểu. Tuy nhiên các phiên sau đó không thể hiện rõ xu hướng và tiếp tục xuất hiện một cây nến Doji tiêu chuẩn, sự hoài nghi và do dự từ cả hai bên mua bán xuất hiện.


Ví dụ 2: Nến Doji xuất hiện trong xu hướng tăng

Khi nến Doji xuất hiện trong xu hướng tăng, điều này cho thấy sự bất định trong sự tăng giá của thị trường. Nến Doji trong trường hợp này cũng thể hiện sự cân bằng giữa lực mua và lực bán.


Nếu thị trường tiếp tục tăng sau khi xuất hiện nến Doji, thì đó chỉ là một tín hiệu khởi đầu của xu hướng tăng mới. Tuy nhiên, nếu thị trường giảm giá sau đó, nến Doji có thể cho thấy xu hướng tăng kết thúc hoặc có sự điều chỉnh giá.


Biểu đồ giá cặp ngoại hối EUR/USD

Biểu đồ giá cặp ngoại hối EUR/USD


Trong biểu đồ giá cặp ngoại hối EUR/USD, nến Doji bia mộ xuất hiện trong xu hướng tăng cho thấy lực mua đã giảm và lực bán đang mạnh lên, sau đó giá chững lại 02 phiên (khung giao dịch 1h) rồi đảo chiều giảm.


Ví dụ 3: Nến Doji xuất hiện trong xu hướng đi ngang

Nến Doji thường cho thấy sự bế tắc giữa lực mua và lực bán trên thị trường, và khi xuất hiện trong xu hướng đi ngang, nó cũng có ý nghĩa tương tự. Nến Doji trong trường hợp này có thể cho thấy sự cân bằng giữa lực mua và lực bán, và giá có xu hướng dao động ngang trong thời gian gần đây.


Biểu đồ giá Bitcoin

Biểu đồ giá Bitcoin (Nguồn: Mitrade)


Trong biểu đồ giá Bitcoin, ở ví dụ này, giá đang có xu hướng đi ngang, sau đó có 01 phiên tăng phá vỡ xu hướng đi ngang hiện tại nhưng sau đó xuất hiện nến Doji cho thấy lực tăng không bền và 02 bên mua bán lại tiếp tục do dự trong hoạt động giao dịch. Tiếp đó là một loạt nến Doji xuất hiện, có thể thấy sự do dự của hai bên mua bán duy trì trong khoảng thời gian này.


5. Hạn chế của nến Doji

Qua các ví dụ thực tế trong biểu đồ giá ở phần trên có thể thấy nến Doji có những hạn chế nhất định khi sử dụng để phân tích xu hướng giá:


  • Không thể hiện rõ xu hướng giá: khi nến Doji xuất hiện, dù trong xu hướng tăng, giảm hay đi ngang thì đều có thể gây ra những nghi ngờ cho người phân tích.Vì thế, nến Doji ít mang tính dự báo.


  • Tín hiệu giả: Dù các nến Doji chuồn chuồn hay bia mộ xuất hiện có khả năng đưa tín hiệu mạnh hơn về đảo chiều xu hướng cũng có thể là một tín hiệu giả, gây nhiễu cho trader.


Ví dụ:


Biểu đồ giá chỉ số US30

Biểu đồ giá chỉ số US30 (Nguồn: Mitrade)


Trong biểu đồ giá chỉ số Dow Jones, nến Doji chuồn chuồn xuất hiện ở xu hướng giảm, có thể cho tín hiểu đảo chiều sau đó. Nhưng thực tế, giá chỉ tăng lên 01 phiến rồi giảm dần với biên độ hẹp.


- Nếu nến Doji xuất hiện trong thời gian biểu đồ ngắn hạn, điều này có thể chỉ là do dao động ngẫu nhiên của thị trường và không có ý nghĩa đặc biệt. Nếu một đồ thị tại thời điểm phân tích có nhiều nến Doji thì nến Doji mới xuất hiện thêm sẽ không có ý nghĩa mấy. Điều này cho thấy rằng thị trường đã quen với sự biến động của giá và không có sự chuyển biến rõ rệt nào.


Để khắc phục các hạn chế của nến Doji trader cần kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác để phân tích, giúp đưa ra dự đoán đáng tin cậy hơn. 


6. Kết hợp nến Doji với các chỉ báo khác

Trader có thể lựa chọn kết hợp nến Doji với các chỉ báo khác nhau như  RSI, Bollinger bands, Ichimoku, MACD, MA… để đánh giá xu hướng tiếp theo của sản phẩm. 


Ví dụ 1: Kết hợp nến Doji với chỉ số RSI


Biểu đồ giá cà phê

Biểu đồ giá cà phê (Nguồn: Mitrade)


Nếu nến Doji xuất hiện ở vùng quá mua, có thể là tín hiệu đảo chiều giảm. Nếu nến Doji xuất hiện ở vùng quá bán, có thể là tín hiệu đảo chiều tăng. Trong ví dụ cà phê (hình trên), Trader kết hợp với RSI có thể thấy, vùng giảm giá này cũng đã đi vào vùng quá bán và xu hướng hồi trở lại từ đường line 30 lên cho thấy khả năng đảo chiều tăng có tín tin cậy cao hơn. 


Bạn có thể đặt lệnh chờ khi giá phá vỡ nến Doji. Bạn có thể mua trên đỉnh nến Doji khi dự báo giá tăng, hoặc bán dưới đáy nến Doji khi dự báo giá giảm.


Ví dụ 2: Nến Doji kết hợp với đường MA 


Biểu đồ giá dầu Brent

Biểu đồ giá dầu Brent (Nguồn: Mitrade)


Trong xu hướng giảm của biểu đồ giá dầu Brent, xuất hiện nến Doji chuồn chuồn có thể báo tín hiệu tăng sau đó. Tuy nhiên, khi kết hợp với đường MA9 và MA20 có thể thấy MA9 đang cắt xuống đường MA20 và phân kỳ lớn giữa 2 đường báo hiện xu hướng giảm vẫn đang tiếp tục.


Như vậy, việc kết hợp nến Doji với các chỉ báo rất quan trọng trong việc nhận biết xu hướng giá có thể giúp trader tránh được các tín hiệu giả và quyết định đầu tư hiệu quả hơn.


Ngoài ra, trader nên kết hợp với các yếu tố cơ bản như chỉ số kinh tế vĩ mô, chính trị, xã hội để có nhận định tổng quan và chính xác hơn. 


7. Kết luận

Nến Doji có thể là một công cụ phân tích kỹ thuật hữu ích trong việc đánh giá xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên nến Doji độc lập để đưa ra quyết định đầu tư có thể gây ra rủi ro cao vì nó có những hạn chế.


Thông qua bài viết, hy vọng bạn đã có được những thông tin cần thiết về việc nhận biết và sử dụng nến Doji cùng các chỉ báo kỹ thuật khác để dự đoán về xu hướng giá hiệu quả.


▌ Các bài liên quan đến [Mô hình nến]



! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư. 


Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


goTop
quote
Ad