pháp khác nhau để có được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vận hành thường ngày và cho vay, trong đó chào bán trái phiếu là một ví dụ điển hình.
Trái phiếu ngân hàng phát hành có đặc điểm gì nổi trội cần lưu tâm, giống và khác gì so với trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời sản phẩm này mang đến ảnh hưởng gì tới ngân hàng? Để làm rõ tất cả những điều kể trên, chúng ta sẽ cùng theo dõi bài viết dưới đây.
1. Trái phiếu ngân hàng là gì?
Trái phiếu ngân hàng là sản phẩm chứng khoán có lợi tức cố định được ngân hàng phát hành ra nhằm tiêu thu hút nguồn vốn. Về cơ bản, nó là khoản vay của các nhà đầu tư dành cho ngân hàng nhằm đổi lấy lợi nhuận là lãi vay.
Loại hình trái phiếu này có thể được chia thành nhiều phiên bản với độ rủi ro đa dạng như nợ cao cấp và nợ thứ cấp. Trong đó, nợ cao cấp là loại phổ biến nhất cũng như an toàn nhất vì nó được ưu tiên hơn các loại khác nếu ngân hàng kiệt quệ tài chính đến mức phá sản. Nợ thứ cấp nguy hiểm hơn vì được chi trả sau trong quá trình thanh lý tài sản, nhưng nó lại thường mang lại lợi suất lớn hơn để bù lại phần gia tăng rủi ro.
Người đầu tư loại trái phiếu này là đang cho ngân hàng vay tiền, sau đó ngân hàng tận dụng số tiền đó để đem đi đầu tư hoặc cho khách hàng của mình vay. Hệ quả của khoản cho vay này là nhà đầu tư sẽ được chi trả tiền lãi trong kỳ hạn của trái phiếu.
Lãi suất trái phiếu ngân hàng thường cố định, điều sẽ cung cấp cho người nắm giữ một dòng tiền có thể đoán định, do đó, nó thường tạo ra sức hút với những người muốn có dòng thu nhập đều đặn.
Loại trái phiếu này được tung ra với nhiều loại mệnh giá, qua đó nhằm đến nhiều loại người mua khác nhau. Mệnh giá nhỏ sẽ thu hút được đối tượng đầu tư cá nhân, nhưng cũng có nhiều loại trái phiếu ngân hàng có mệnh giá lớn nhằm được mua bởi các tổ chức có thể kể đến như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí …
Ngoài ra, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) xuất hiện ngày càng nhiều đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cá nhân tiếp cận thuận lợi với trái phiếu ngân hàng hơn, vì các quỹ này sở hữu danh mục đầu tư trái phiếu phong phú và trao đổi mua bán dễ dàng như cổ phiếu.
2. Vì sao các ngân hàng phát hành trái phiếu?
Nhìn chung, các ngân hàng chào bán trái phiếu như một cách thu hút nguồn vốn chu cấp cho hoạt động kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng của họ. Đây được cho là một cách thay thế các phương pháp huy động vốn phổ biến khác như nhận tiền gửi hoặc chào bán cổ phần. Một vài ưu và nhược điểm của việc ngân hàng chào bán trái phiếu được mô tả như dưới đây.
• Ưu điểm
✔️Phong phú hóa các nguồn huy động: Việc chào bán trái phiếu cung cấp cho các ngân hàng một nguồn tài chính thay thế ngoài tiền gửi. Sự biến hóa nguồn vốn này giúp họ giảm bớt sự dựa dẫm vào tiền gửi và tránh rủi ro thanh khoản trong trường hợp tiền bị rút đột ngột.
✔️Nguồn tài trợ dài hạn: Thời gian đáo hạn của trái phiếu thường dài hơn so với tiền gửi ngắn hạn (vốn thường chỉ dưới 1 năm), do đó, nó mang đến cho tổ chức phát hành nguồn tài trợ ít nhạy cảm hơn với sự thay đổi lãi suất trên thị trường và từ đó có một dòng tiền ổn định hơn về dài hạn.
✔️Quản lý vốn linh hoạt: Khi phát hành trái phiếu, ngân hàng được quyền tự do lựa chọn ngày đáo hạn ăn nhập với nhu cầu quản lý vốn của mình. Điều này có nghĩa là các ngân hàng có thể tự do cân đối thời điểm trả nợ cùng lúc có dòng tiền thu nhập.
✔️Tài trợ các mục đích vay vốn đặc thù: Trái phiếu được ngân hàng chào bán thường đi kèm thông tin về phương án sử dụng vốn. Mục đích càng hợp lý, trái phiếu càng có cơ hội bán được tốt. Đây đôi khi là lý do được tổ chức phát hành công bố để thu hút các nhà đầu tư đang chú ý đến ngành nghề đặc thù nào đó.
Ví dụ: JPMorgan Chase (JPM.US) đã phát hành lô “trái phiếu xanh” trị giá 1 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2019, lưu dấu quan trọng về tuyên bố của tổ chức này với mục tiêu phát triển tài chính bền vững. Tiền thu được từ chào bán trái phiếu sẽ chuyên dùng để cho vay dự án năng lượng tái tạo, giao thông không ô nhiễm và kiến thiết cơ sở hạ tầng không có tác hại tới môi trường trên khắp nước Mỹ.
Mở Tài Khoản Demo Mở Tài Khoản Thật
• Nhược điểm
⭕Chi phí lãi vay: Trái phiếu luôn đi kèm với tiền lãi phải trả cho trái chủ, điều có thể đẩy cao tổng chi phí cho vốn vay. Trong điều kiện lãi suất tiền huy động cao, ngân hàng cũng sẽ phải trả lợi tức cao cho trái phiếu, điều gây ra sức ép lớn về thu nhập cần đạt được để bù đắp và sinh lời cho chi phí lãi vay này.
⭕Xếp hạng tín dụng: Điểm tín dụng có thể đôi khi sẽ chịu tác động mạnh bởi việc chào bán trái phiếu do nó sẽ làm phình to quy mô nợ. Một ngân hàng tăng lượng tiền vay sẽ có chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng theo, điều bị coi là một điểm trừ trong thông số tài chính và cả con mắt của nhiều nhà đầu tư.
⭕Tuân thủ nhiều quy định: Khi chào bán trái phiếu, các ngân hàng phải tuân theo hàng loạt quy định pháp luật, bao gồm việc công bố thông tin và trình báo cho nhà điều hành. Những quy định này sẽ tiêu tốn nhiều loại chi phí và thời gian, đồng thời việc không tuân thủ chúng có thể dẫn đến bị phạt hành chính hoặc chế tài khác.
3. Lợi ích và rủi ro khi nhà đầu tư mua trái phiếu ngân hàng
Trước khi tìm hiểu về lợi ích và rủi ro, bạn cần phải hiểu một nguyên lý không bao giờ thay đổi, đó là giá trị và lợi tức trái phiếu luôn có mối quan hệ ngược chiều. Khi giá trái phiếu tăng lên, lợi tức tính theo tỉ lệ phần trăm của trái phiếu giảm xuống và ngược lại. Điều này xuất phát từ việc lợi tức của trái phiếu được dựa trên các khoản thanh toán lãi cố định so với mệnh giá phát hành của trái phiếu.
Khi giá trái phiếu tăng, lợi tức thực tế của nó giảm vì tiền lãi trái phiếu vẫn cố định theo mệnh giá phát hành. Kết quả là, tỷ lệ sinh lời trên giá mua đã giảm. Ngược lại, khi giá trái phiếu giảm, nhà đầu tư phải trả ít hơn để mua lại trái phiếu nhưng vẫn sẽ được thanh toán lãi theo mệnh giá phát hành ban đầu, dẫn đến tỷ lệ phần trăm lợi tức trên giá mua sẽ cao hơn.
Mối quan hệ theo tỉ lệ nghịch này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của nhà đầu tư mà nó cũng sẽ lý giải vì sao trái phiếu lại tăng/giảm giá trị trong thị trường nhiều biến động về lãi suất.
• Lợi ích cho nhà đầu tư:
☼ Thanh toán lãi định kỳ: Như các loại trái phiếu thông thường, trái phiếu do ngân hàng chào bán cũng mang tới những khoản thanh toán định kỳ và tạo ra thu nhập bị động ổn định. Đây được cho là một yếu tố mang đến sự cuốn hút đối với những nhà đầu tư dòng tiền, muốn có nguồn thu nhập định kỳ.
☼ Đa dạng hóa danh mục: Loại trái phiếu này đóng vai trò như một tài sản làm phong phú hóa danh mục đầu tư, nhất là khi họ đã mua vào các tài sản rủi ro khác như cổ phiếu, thì trái phiếu ngân hàng được tin tưởng là sản phẩm an toàn hơn giúp cân bằng lại danh mục.
☼ Mức độ an toàn cao: Trái phiếu ngân hàng thường được coi là một khoản đầu tư an toàn hơn trái phiếu doanh nghiệp, do tính ổn định của các ngân hàng và thực tế là chúng chịu sự giám sát gắt gao của các cơ quan quản lý.
• Rủi ro cho nhà đầu tư
☼ Rủi ro lãi suất: Rủi ro này phát sinh do giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá trị của trái phiếu hiện tại sẽ giảm. Điều này xảy ra vì trái phiếu mới phát hành mang lại lợi suất cao hơn nhờ lãi suất tăng, khiến trái phiếu hiện tại trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Ngược lại, khi lãi suất giảm, giá trị của trái phiếu hiện có sẽ tăng lên do nó có mức lợi suất cố định đang ở mức cao, từ đó được nhà đầu tư ưa chuộng.
Ví dụ:
Biểu đồ giá của lô trái phiếu US6174468C63 do Morgan Stanley phát hành (Nguồn Borse-Frankfurt)
Năm 2015, ngân hàng Morgan Stanley (MS.US) phát hành lô trái phiếu US6174468C63 kỳ hạn đến năm 2025. Theo biểu đồ trên, giá trị của nó đã lên cao nhất vào cuối năm 2020 và từ năm 2021 đến nay, nó theo chiều hướng giảm giá mạnh. Hành động giá này diễn ra cùng thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đẩy cao lãi suất để ngăn chặn lạm phát leo thang, khiến thị trường tài sản đầu tư lao đao.
☼ Rủi ro tín dụng: Loại rủi rỏ này xuất hiện khi người mượn tiền (ngân hàng) không thực hiện được các nghĩa vụ trả nợ. Đây là rủi ro đáng kể nhất liên quan tới trái phiếu ngân hàng. Mặc dù các ngân hàng được coi là tổ chức ổn định, vẫn có khả năng họ rơi vào khó khăn tài chính. Loại rủi ro này có thể nhìn nhận dựa vào xếp hạng tín dụng của các ngân hàng. Xếp hạng cao hơn chứng minh rủi ro tín dụng càng thấp.
Ví dụ: Tháng 9-2008, ngân hàng hàng đầu nước Mỹ là Lehman Brothers đã tuyên bố phá sản. Sự kiện này gây sự lo lắng cục bộ trên thị trường tài chính và đẩy giá trái phiếu của Lehman rơi cực mạnh. Hậu quả là những người mua loại trái phiếu này đã nhận lại tổn thất đáng kể.
☼ Rủi ro thanh khoản: Khi một người gặp khó khăn trong thanh lý trái phiếu của họ ở mức thuận mua vừa bán trong thời gian ngắn, đó là rủi ro thanh khoản. Hệ quả là trái phiếu sẽ có giá bán bị chiết khấu cao hoặc chủ sở hữu không có khả năng bán trái phiếu khi cần quy đổi thành tiền mặt.
Ví dụ: Cuộc sụp đổ của ngân hàng Banco Popular tại Tây Ban Nha vào năm 2017 đã kích hoạt khủng hoảng thanh khoản đối với trái phiếu mà họ phát hành. Giá trị trái phiếu ngân đã giảm đáng kể, khiến nhiều nhà đầu tư không thể thanh lý trái phiếu mà họ đang nắm giữ do thiếu nhu cầu mua. Thực tế đáng buồn này có nghĩa là nhà đầu tư không thể thu lại khoản tiền ban đầu và phải đối mặt với những khoản lỗ nặng nề.
Một số yếu tố góp phần vào rủi ro thanh khoản của trái phiếu Banco Popular bao gồm hiệu quả tài chính kém, cùng sự mơ hồ trong chiến lược tương lai. Ngoài ra, sự thiếu minh bạch của ngân hàng trong công bố thông tin cũng khiến các nhà đầu tư bối rối trong việc xử lý danh mục của mình.
☼ Rủi ro thị trường: Giá trị của trái phiếu có thể lên xuống bất ngờ do những biến động trên thị trường. Nó chủ yếu liên quan đến độ nhạy cảm của trái phiếu đối với các nhân tố như diễn biến lạm phát, các sự kiện địa chính trị và biến động về kinh tế.
Ví dụ: Biểu đồ dưới đây diễn tả thị giá của trái phiếu ngân hàng Citigroup (C.US) ở tháng 3-2020, thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 khắp thế giới, buộc nhiều quốc gia phải áp dụng giãn cách xã hội. Giá lô trái phiếu US172967FX46 do Citigroup chào bán giảm mạnh trong thời gian ngắn từ 146 USD xuống đáy khoảng 128 USD, trước khi phục hồi ở những tháng sau đó.
Biểu đồ giá lô trái phiếu US172967FX46 do ngân hàng Citigroup phát hành (Nguồn Boerse-frankfurt)
☼ Rủi ro pháp lý: Loại rủi ro này xảy ra khi các ngân hàng phải hứng chịu những sự điều chỉnh trong hành lang pháp lý. Nhà điều hành có thể áp đặt các luật lệ mới hoặc thay đổi quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu một ngân hàng bị phát hiện làm trái luật pháp, điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến trái phiếu mà họ phát hành.
Ví dụ: Năm 2018, ngân hàng Wells Fargo (WFC.US) đã bị phạt 1 tỷ USD vì vi phạm quy định liên quan đến thu phí kinh doanh. Điều này dẫn đến rất nhiều quan ngại về khả năng thanh toán đúng hạn các nghĩa vụ nợ của ngân hàng. Kết quả là cả cổ phiếu và trái phiếu của Wells Fargo bị giảm giá trị, gây sát thương lớn cho các trái chủ và cổ đông ngân hàng.
4. So sánh trái phiếu ngân hàng với trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp
4.1. Điểm giống
֎ Thu nhập đều đặn: Cả ba loại trái phiếu này đều mang lại nguồn thu nhập định kỳ cho người nắm giữ. Trong suốt thời hạn hiệu lực của trái phiếu, họ sẽ nhận được khoản thanh toán đều đặn cho dù nhà phát hành kinh doanh thua lỗ hay có lợi nhuận, hay giá trị trao đổi của trái phiếu biến động ra sao.
֎ Kỳ hạn đầu tư: Kỳ hạn của ba loại trái phiếu đều vô cùng đa dạng, từ vài năm cho tới vài chục năm. Trong suốt thời gian này, nhà đầu tư sẽ nhận được lãi suất tùy thuộc vào điều khoản hợp đồng phát hành trái phiếu. Sau khi đến hạn, nhà phát hành sẽ trả lại tiền gốc cho nhà đầu tư.
֎ Đánh giá tín dụng: Cả ba loại trái phiếu đều được đánh giá tín dụng khách quan bởi các tổ chức thứ ba, nhằm xác định khả năng tổ chức phát hành có thể thực hiện chi trả lãi và hoàn trả số tiền gốc của trái phiếu. Sự đánh giá này dựa trên nhiều yếu tố có thể kể đến như lịch sử tín dụng và sức khỏe tài chính của nhà phát hành.
֎ Thị trường: Cả ba loại trái phiếu đều có thể được mua và bán trên thị trường thứ cấp, tạo điều kiện cho cung cầu dồi dào và tăng tính thanh khoản. Đây cũng là điểm cộng giúp cho những trường hợp muốn thanh lý tài sản trước khi đáo hạn.
֎ Rủi ro: Ba sản phẩm trái phiếu này đều phải đi kèm vô số loại rủi ro giống nhau, có thể điểm tên như bất ổn lãi suất, thiếu thanh khoản, tín dụng yếu kém … Mức độ rủi ro sẽ phụ thuộc vào nhiều điều khoản đặt ra khi chào bán trái phiếu, cũng như điều kiện tài chính của nhà phát hành.
4.2. Điểm khác biệt
Trái phiếu chính phủ | Trái phiếu ngân hàng | Trái phiếu doanh nghiệp | |
Tổ chức phát hành | Chính phủ | Ngân hàng | Doanh nghiệp |
Độ tin cậy | Cao | Trung bình | Thấp hơn |
Lãi suất | Thấp nhất | Trung bình | Cao nhất |
Thanh khoản | Cao | Cao | Trung bình – thấp |
Mục đích sử dụng vốn | Xử lý, đầu tư vào các mục tiêu xã hội | Bổ sung vốn hoạt động và cho vay khách hàng | Phát triển dự án, đầu tư trung và dài hạn |
(Nguồn: Được sắp xếp bởi Mitrade)
֎ Tổ chức phát hành:
Yếu tố căn bản làm nên sự khác biệt chính giữa trái phiếu chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp là đối tượng phát hành. Tổ chức duy nhất có thể phát hành được trái phiếu chính phủ chỉ có thể là chính quyền quốc gia, trong khi đó trái phiếu ngân hàng được phát hành bởi tổ chức tài chính, ví dụ như hiệp hội tín dụng, ngân hàng…. còn trái phiếu doanh nghiệp được tung ra thị trường bởi các tổ chức phi tài chính.
֎ Độ tin cậy:
Điểm nhận diện tất yếu của ba loại trái phiếu này là mức độ tin cậy khác nhau. Đứng đầu, trái phiếu chính phủ luôn được coi là có độ tin cậy cao nhất vì rất ít khả năng cơ quan nắm quyền điều hành đất nước lại có thể vỡ nợ.
Tiếp theo sau đó, các ngân hàng đều có lịch sử phát triển trong thời gian dài và bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi các nhà điều hành, do đó, nó luôn được coi là một thực thể uy tín cao trong nền kinh tế. Chính vì điều này, trái phiếu ngân hàng được nhìn nhận tài sản đầu tư rất yên tâm, đi kèm khả năng thấp bị vỡ nợ.
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp được tạo ra bởi nhiều công ty với mức độ tin cậy khác nhau. Các công ty lớn, hoạt động lâu đời sẽ mang lại mức độ tin cậy cao hơn do đã được chứng minh khả năng tạo ra lợi nhuận và kinh doanh ổn định qua nhiều năm. Trái lại, các công ty nhỏ và mới xuất hiện thường bị xếp hạng là ít uy tín hơn vì chưa có tiếng tăm trên thương trường.
֎ Lãi suất:
Lãi suất của trái phiếu luôn có quan hệ tỉ lệ thuận với mức độ rủi ro mà nó mang lại. Chính vì điều này, trái phiếu chính phủ thường sẽ có mức lãi suất thấp nhất trong ba loại, tiếp theo đó, trái phiếu ngân hàng sẽ có mức lãi suất trung bình và cao nhất là trái phiếu doanh nghiệp.
Ví dụ: Ngân hàng JPMorgan Chase (JPM.US) đã chào bán trái phiếu xếp hạng BBB kỳ hạn 10 năm vào T3-2021 kèm lãi suất 2,5%. Cùng lúc đó, vào T5-2021, Verizon Communications (VZ.US) công bố trái phiếu xếp hạng BBB kỳ hạn 10 năm với lãi suất 2,9%. Ở đây, chúng ta dễ dàng nhận ra trái phiếu doanh nghiệp (do Verizon phát hành) có lợi suất tốt hơn so với trái phiếu ngân hàng (do JPMorgan Chase phát hành) mặc dù ngang bằng về xếp hạng tín dụng.
Để so sánh, cùng thời gian này, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ có mức lãi suất 1.6% và xếp hạng của loại tài sản này theo Standard & Poor luôn là AAA, mức cực kỳ an toàn.
֎ Mức độ thanh khoản
Nhờ sự an toàn, phổ biến và đáng tin cậy, trái phiếu do một chính phủ phát hành luôn sẽ có khả năng thanh khoản cao nhất.
Tiếp đó, trái phiếu ngân hàng thường có mức độ thanh khoản cao hơn trái phiếu doanh nghiệp, nghĩa là chúng dễ mua và bán hơn. Điều này xuất phát từ độ tin cậy cao và an toàn của trái phiếu ngân hàng. Nó cũng được giao dịch ở nhiều sàn giao dịch uy tín, khiến các nhà đầu tư thứ cấp có thể mua bán dễ dàng.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, một số trái phiếu của các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó được phân phối trên các sàn giao dịch lớn mà thay vào đó là hoạt động trao đổi tự do.
֎ Mục đích sử dụng vốn:
Cả ba loại trái phiếu đều ẩn chứa những mục đích sử dụng vốn khác nhau của nhà phát hành. Cụ thể, chính phủ thường phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án xã hội, chẳng hạn như phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và quốc phòng. Họ cũng có thể tạo ra thêm trái phiếu để trả các nghĩa vụ nợ cũ hoặc mua lại trái phiếu cũ khi đến hạn.
Ví dụ: Trong năm 2020 và 2021, chính phủ Mỹ đã phát hành hàng nghìn tỷ đô la trái phiếu để khắc phục hậu quả và hỗ trợ kinh tế xã hội trong đại dịch COVID-19. Vào T3-2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật CARES cung cấp khoản cứu trợ 2.2 nghìn tỷ USD, bao gồm tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, chuyển khoản tiền mặt cho cá nhân và tăng giá trị bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, mục đích huy động trái phiếu của ngân hàng và doanh nghiệp khác nhau chủ yếu đến từ bản chất hoạt động kinh doanh cốt lõi khác nhau. Trái phiếu doanh nghiệp được các công ty phát hành cho huy động vốn cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như tài trợ cho kế hoạch thôn tính tổ chức khác, vươn rộng quy mô hoạt động, trả nợ hoặc đầu tư dài hạn.
Trái lại, ngân hàng chào bán trái phiếu để củng cố bảng cân đối kế toán, duy trì các điều kiện về vốn pháp định và cải thiện tính thanh khoản. Họ cũng có thể tối ưu trái phiếu qua cách cho vay lại, đầu tư chứng khoán và tài trợ cho chi phí hoạt động thường ngày.
Ví dụ: Tập đoàn AT&T (T.US) đã chào bán lô trái phiếu doanh nghiệp lên tới 5 tỷ USD vào năm 2020 để tài trợ cho việc mua lại Time Warner. Trong khi đó, JPMorgan Chase (JPM.US) mời nhà đầu tư mua 2 tỷ USD trái phiếu ngân hàng vào năm 2021 để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn. Vốn huy động nhằm mục đích tài trợ cho các hoạt động thông thường và duy trì tính thanh khoản.
5. Những điều cần lưu ý khi mua trái phiếu ngân hàng
5.1. Cách thức mua trái phiếu
◆ Thông qua tổ chức môi giới: Người quan tâm có thể mua trái phiếu ngân hàng nhờ vào các công ty môi giới chứng khoán. Nhân viên các công ty này sẽ mang tới cho khách hàng các phân tích hữu hiệu về nhiều trái phiếu và lựa chọn ra loại hợp lý nhất với khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư.
◆ Trực tiếp từ ngân hàng: Nhiều ngân hàng trực tiếp bán trái phiếu cho nhà đầu tư ở các đợt chào bán công khai hoặc riêng lẻ. Nhà đầu tư có thể kết nối với bộ phận phụ trách phát hành trái phiếu để kiểm tra điều kiện mua, cũng như quy trình đăng ký và thanh toán.
◆ Trên thị trường thứ cấp: Nhà đầu tư cũng có thể mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường thứ cấp, vốn là nơi mà trái phiếu được mua và bán sau khi phát hành lần đầu. Thị trường này giúp các nhà đầu tư tiếp cận được với một lượng trái phiếu lớn hơn và thanh khoản tốt hơn so với việc mua trực tiếp từ nhà phát hành.
◆ Thông qua quỹ trái phiếu: Sự phổ biến và phong phú về danh mục của các quỹ đầu tư khiến một người có thể cùng lúc sở hữu nhiều loại trái phiếu khác nhau. Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hoặc quỹ tương còn giúp cho nhà đầu tư quản lý tài sản theo cách chuyên nghiệp, đồng thời cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và sinh lãi.
5.2. Đầu tư trái phiếu ngân hàng cần lưu ý điều gì?
◆ Xếp hạng tín dụng: Đây là thước đo khách quan về khả năng nhà phát hành có thể thanh toán toàn bộ lãi và gốc của trái phiếu. Ngân hàng được đánh giá xếp hạng tín dụng càng cao thì rủi ro vỡ nợ càng thấp.
◆ Lãi suất: Trái phiếu dài hạn thông thường sẽ đi kèm lãi suất cao hơn nhưng cũng có nhiều yếu tố khó đoán hơn, do tính lên xuống thất thường của lãi suất và điều kiện thị trường theo thời gian. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý đến mối tương quan giữa lãi suất và thời gian đáo hạn của trái phiếu.
◆ Thời gian đáo hạn và mục đích sử dụng vốn: Hai yếu tố này thường có quan hệ qua lại với nhau. Nhà đầu tư cần chú ý đến ngày đáo hạn của trái phiếu, là ngày mà tổ chức phát hành phải hoàn trả số tiền gốc của trái phiếu, vốn có thể kéo dài nhiều năm hoặc vài thập kỷ. Trái phiếu được huy động để cho vay dài hạn thường sẽ có thời gian đáo hạn dài, ngược lại, nếu mục đích sử dụng là tài trợ chi phí hoạt động thì thời hạn thường sẽ ngắn.
◆ Tính thanh khoản: Mức độ thanh khoản ảnh hưởng trực diện đến việc quy đổi trái phiếu thành tiền mặt trong trường hợp cần thiết. Thông thường, trái phiếu ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức lớn, sẽ thanh khoản cao hơn các loại trái phiếu doanh nghiệp do có quy mô thị trường nhỏ hơn.
◆ Sự đa dạng hóa: Vốn nên được phân phối vào nhiều loại tài sản bao gồm trái phiếu ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và các loại chứng khoán khác. Sự đa dạng hóa có thể giúp giảm thiểu rủi ro, cũng như đem tới lợi nhuận ổn định hơn.
◆ Quản trị rủi ro: Chiến lược đầu tư thông minh sẽ bao gồm cả nguyên tắc quản trị rủi ro rõ ràng để bảo vệ khoản đầu tư, ngay cả khi đó là tài sản được đánh giá là an toàn như trái phiếu ngân hàng. Nó có thể bao gồm việc đặt ra mức cắt lỗ hoặc phân bổ vốn hợp lý nhằm giảm thiểu khả năng thua lỗ.
◆ Biến động giá trên thị trường thứ cấp: Việc giao dịch trên thị trường thứ cấp khiến trái phiếu có mức độ thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa rằng, giá trị của nó sẽ biến động theo cung cầu của thị trường và có khả năng gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi xảy ra sự thay đổi.
6. Một số trái phiếu ngân hàng tại Việt Nam
Trái phiếu ngân hàng Vietcombank:
Vietcombank phát hành trái phiếu đều đặn mỗi năm, có thể một nhiều đợt với mục đích thường được công bố là để tăng cường vốn kinh doanh, phục vụ nhu cầu cho vay của khách hàng, đồng thời tuân thủ tiêu chuẩn về an toàn vốn do cơ quan nhà nước đề ra.
Lần gần nhất Vietcombank phát hành trái phiếu là vào ngày 15/07/2022 với tổng giá trị là 800 tỷ VND, mệnh giá mỗi đơn vị là 1 tỷ VND. Trái phiếu sẽ có thời hạn 15 năm, trong đó 10 năm đầu lãi suất 6.8%/năm và 5 năm còn lại lãi suất 7.0%/năm. Nó được chào bán riêng lẻ qua VCBS, công ty chứng khoán trực thuộc VCB, nhằm thu hút các nhà đầu tổ chức trong nước.
Trái phiếu ngân hàng BIDV
BIDV thường xuyên chào bán trái phiếu với rất nhiều kỳ hạn và mục đích sử dụng vốn như tăng cường vốn lưu động, thu hút thêm nguồn tiền để giải ngân trung và dài hạn, cũng như giữ vững được cơ cấu vốn vững chắc cho ngân hàng.
Lần gần nhất BIDV công bố chào bán trái phiếu là vào tháng 12/2022, qua đó phát hành 6.790 tỷ VND trái phiếu, theo mệnh giá mỗi đơn vị là 100.000 VND. Lô trái phiếu chia thành 3 kỳ hạn chính là 7, 8 hoặc 10 năm với lãi suất mà nhà đầu tư được nhận là lãi suất tham chiếu + biên độ 1.3 – 1-5%. Số tiền huy động từ trái phiếu dự kiến sẽ giải ngân ngay trong nửa đầu năm 2023 để tài trợ cho nhiều ngành nghề như sản xuất năng lượng, thương mại và công nghiệp.
Người quan tâm có thể mua các trái phiếu này thông qua các chi nhánh của ngân hàng BIDV trên khắp cả nước. Với mệnh giá nhỏ và phát hành rộng rãi, mục tiêu của loại trái phiếu này được cho là nhắm đến cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Ở quá khứ, nhiều lô trái phiếu của BIDV sau này lại được niêm yết trên thị trường thứ cấp.
Trái phiếu ngân hàng MBBank
MBBank thường xuyên tìm đến gần kênh phát hành trái phiếu với mục tiêu thu hút vốn trong ngắn hạn nhằm phục vụ hoạt động liên tục, cũng như tăng cường cho vay đáp ứng nhu cầu khách hàng muốn mở rộng quy mô kinh doanh.
Theo bảng cân đối kế toán năm 2022, MBBank đang còn 14.270 tỷ VND trái phiếu chưa đáo hạn. Riêng trong năm 2022, MBBank chào bán 22 đợt trái phiếu với mệnh giá mỗi đơn vị là 10 triệu VND hoặc 1 tỷ VND. Các trái phiếu MBBank thường có lãi suất là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ từ 1-1.7%. Công ty chứng khoán MBS, công ty con của MBBank, là công ty phân phối các lô trái phiếu này.
7. Lời kết
Trái phiếu ngân hàng thường được nhìn nhận là đáng yên tâm hơn các loại trái phiếu khác vì chúng được tạo ra và chào bán bởi tổ chức tài chính uy tín cao, hoạt động ổn định theo kiểm soát chặt chẽ của chính quyền.
Ngoài ra, trái phiếu ngân hàng thường được xếp hạng tín dụng cao hơn các loại trái phiếu khác, điều vốn là nguyên nhân biến nó trở thành một tài sản cuốn hút hơn đối với những người e ngại rủi ro.
Tuy nhiên, giống như mọi danh mục đầu tư, trái phiếu ngân hàng ẩn chứa một số rủi ro nhất định, có thể điểm danh như rủi ro lãi suất và tín dụng. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng đánh giá mọi yếu tố rủi ro và lợi ích của loại hình chứng khoán này trước khi quyết định xuống tiền.
▌ Xem thêm các bài khác |
Chứng khoán phái sinh là gì? Chia sẽ TOP 5 kinh nghiệm chơi chứng khoán phái sinh
Chơi chứng khoán ảo ở đâu và TOP 9 các sàn chứng khoán ảo và cách chơi chứng khoán ảo cho người mới
Giờ giao dịch chứng khoán Việt Nam 2023 và thời gian giao dịch chứng khoán Mỹ theo giờ Việt Nam
Cách chơi chứng khoán quốc tế? Top 10 sàn chứng khoán quốc tế uy tín tại Việt Nam
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.