Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 182/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và công nghiệp công nghệ số. Theo đó, từ ngày 1/7/2025, hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho các lĩnh vực này sẽ được miễn thuế nhập khẩu theo khoản 3 Điều 5 Luật số 90/2025/QH15. Doanh nghiệp sẽ phải tự kê khai, chịu trách nhiệm về thời điểm bắt đầu sản xuất hoặc sản xuất thử nghiệm và thông báo trước với cơ quan hải quan khi làm thủ tục miễn thuế.
Bên cạnh các chính sách thuế ưu đãi, Việt Nam đang được đánh giá cao về chi phí sản xuất cạnh tranh. Báo cáo Tọa độ Động lực Công nghiệp Toàn cầu 2025 chỉ ra rằng chi phí lao động tại Việt Nam hiện chỉ bằng gần 25% mức lương trung vị toàn cầu, thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chi phí điện cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam cũng rất thấp, chỉ cao hơn Indonesia và Nigeria. Đây là lợi thế lớn trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng biến động.
Theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, sự kết hợp của ba yếu tố quan trọng là chi phí lao động, điện năng và giá thuê bất động sản đã giúp Việt Nam trở thành một tọa độ đầu tư công nghiệp hấp dẫn. Ngoài ra, Việt Nam còn được hưởng lợi từ xu hướng “China+1” và chiến lược “nearshoring” – đưa hoạt động sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một khu vực địa lý duy nhất. Những yếu tố này đang giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và logistics.