Khi nhắc tới đầu tư chứng khoán, hầu hết chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến cổ phiếu phổ thông, tuy nhiên, còn có một sản phẩm đầu tư tiềm năng sinh lời hiệu quả khác gần tương tự đó là cổ phiếu ưu đãi.
Sản phẩm đầu tư này chứa những đặc tính mang tới lợi ích lớn cho người nắm giữ, nhưng cũng đi kèm với những hạn chế mà người mua tiềm năng cần phải biết. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng thảo luận rõ ràng về mọi mặt của cổ phiếu ưu đãi để quyết định xem loại tài sản này có phù hợp để xuống tiền hay không.
1. Cổ phiếu ưu đãi là gì?
Giống như khi đầu tư vào cổ phiếu phổ thông, người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi thực chất đang sở hữu một phần của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai loại cổ phiếu này cũng chứa đựng nhiều điểm khác nhau để nhà đầu tư phân biệt.
Nó còn thường được gọi là sản phẩm chứng khoán lai giữa trái phiếu và cổ phiếu phổ thông. Giống như cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi thể hiện quyền sở hữu cổ phần trong công ty, nhưng chúng cũng tương tự như trái phiếu ở điểm được cam kết mức cổ tức cố định.
Chủ sở hữu cổ phiếu ưu đãi sẽ được đền bù trước nếu công ty không may phá sản và phải thanh lý tài sản, đồng thời cũng nhận được cổ tức trước những cổ đông phổ thông. Mặc dù vậy, điểm yếu của loại cổ phiếu này là sẽ không đi kèm quyền bỏ phiếu trước các quyết định của doanh nghiệp.
Nhìn chung, so với cổ phiếu thông thường, đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi có độ rủi ro thấp hơn, nhưng có khả năng mang lại lợi nhuận cũng vì thế mà kém hơn. Đây là một lựa chọn phổ biến của các nhà đầu tư đang tìm kiếm một dòng thu nhập cố định và mức độ an toàn cao trong thời gian thị trường biến động.
2. Đặc điểm nổi trội của cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi là sản phẩm chứng khoán chứa đựng nhiều tính năng giống cả trái phiếu và cổ phiếu thông thường. Cổ phiếu ưu đãi có thể có một hoặc nhiều tính năng, nhưng các tính năng sau đây được coi là phổ biến:
☼ Mức độ ưu tiên khi công ty phá sản: Cổ đông nắm giữ loại chứng khoán này được ưu tiên đền bù tài sản trước những nhà đầu tư thông thường, tuy nhiên, lại xếp dưới so với trái chủ.
☼ Ưu đãi nhận cổ tức: Về lý thuyết, cổ đông ưu đãi sẽ nhận được mức cổ tức cố định hàng năm. Cổ phiếu ưu đãi tạo ra dòng tiền đều đặn cho các cổ đông. Điều kiện thanh toán cổ tức có thể theo mức cố định hoặc tùy chọn thả nổi, dựa trên các tiêu chuẩn LIBOR. Tuy nhiên, điểm cần lưu tâm là, nếu doanh nghiệp hoạt động không mang lại lợi nhuận, họ cũng không bắt buộc phải trả cổ tức.
☼ Quyền biểu quyết: Nhìn chung, nắm giữ loại cổ phiếu này đồng nghĩa với việc không có quyền bỏ phiếu cho những quyết định quan trọng của công ty như những cổ đông bình thường, trừ các trường hợp đặc biệt, ví dụ như bổ nhiệm ban lãnh đạo, phát hành thêm cổ phiếu …
☼ Khả năng chuyển đổi: Người mua loại cổ phiếu này sẽ có quyền quy đổi nó thành cổ phiếu phổ thông theo các điều kiện xác định trước về thời gian và mức giá có thể thực hiện.
☼ Khả năng thu hồi/hoàn lại: Sau một khoảng thời gian nhất định, nhà đầu tư có thể hoàn trả lại cổ phiếu để thu về tiền mặt. Ngược lại, tổ chức phát hành cũng có quyền thu hồi nó khi cần thiết theo điều kiện đề ra ở thời điểm phát hành.
Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade
3. Các loại cổ phiếu ưu đãi
֎ Cổ phiếu ưu đãi có thể thu hồi (Callable preferred stock)
Cổ phiếu ưu đãi có thể thu hồi cho phép tổ chức phát hành thu hồi hoặc mua lại số cổ phiếu này với mệnh giá định sẵn sau một ngày xác định. Các điều kiện về mua lại như giá cả, thời gian lại và phí quyền chọn mua (nếu có), đều được xác định trong bản cáo bạch và không thể thay đổi.
Việc phát hành cổ phiếu ưu đãi có thể mua lại giúp nhà phát hành có thêm lựa chọn đối với việc giảm chi phí vốn nếu nhận thấy lãi suất trên thị trường đã giảm và họ có thể phát hành cổ phiếu ưu đãi khác với tỷ lệ cổ tức thấp hơn.
Ví dụ: Ngân hàng Wells Fargo từng phát hành cổ phiếu ưu đãi có thể thu hồi Class A, mệnh giá 25 USD cùng lợi tức 7.5% hàng năm, ký hiệu WFC-PL. Cổ phiếu WFC-PL có tính năng thu hồi, có nghĩa là Wells Fargo có quyền thu hồi lại các cổ phiếu này từ cổ đông với mức giá định trước là 25 USD/cổ phiếu. Trên thực tế, ngân hàng đã từng thực hiện mua lại một phần vào ngày 15-12-2018.
֎ Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi (Convertible preferred stock)
Đây là loại cổ phiếu cho phép cổ đông quy đổi nó thành một lượng cổ phiếu phổ thông nhất định với điều kiện định trước về giá và thời gian. Điều này có nghĩa là nếu giá cổ phiếu thường vượt qua mốc định trước, các cổ đông ưu đãi thừa quyền chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi của họ sang loại cổ phiếu thường và kiếm lời.
Loại hình cổ phiếu này thường được sử dụng để thu hút các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu phổ thông nhưng vẫn tận hưởng mức thu nhập ổn định của cổ phiếu ưu đãi.
Ví dụ: Tesla đã phát hành ra cổ phiếu ưu đãi có khả năng chuyển đổi vào năm 2012, trong đó quy định nhà đầu tư có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông với tỉ lệ tương đương khi mức giá đạt 42 USD/cổ phiếu. Tùy chọn đó giúp nhà đầu tư nhận được lợi ích từ sự phát triển trong tương lai của công ty.
Cổ phiếu Tesla bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 (Nguồn: Mitrade)
Vào năm 2020, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng mạnh. Rất nhiều nhà đầu tư đã sử dụng quyền chuyển đổi này để chốt lời. Hành động này dẫn tới sự biến động trong cơ cấu tỷ lệ cổ phần của các cổ đông, tuy nhiên, lại tạo ra mặt bằng giá thấp hơn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.
Một ví dụ thực tế khác là Tập đoàn Vingroup đã từng phát hành 84,5 triệu cổ phiếu ưu đãi vào tháng 5/2018 với tổng giá trị lên đến 8.450 tỷ đồng. Cổ phiếu ưu đãi này có nhiều lợi ích như được ưu tiên nhận cổ tức và được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong tương lai. Đây là một phần trong chiến lược tài chính của Vingroup để huy động vốn từ cổ đông và đầu tư cho các dự án phát triển của công ty.
֎ Cổ phiếu ưu đãi tích lũy (Cumulative preferred stock)
Khi công ty làm ăn không suôn sẻ, khiến không thể thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với cổ đông, họ có thể tạm dừng thanh toán cổ tức và tập trung vào việc các nhu cầu thiết yếu khác. Loại cổ phiếu ưu đãi tích lũy đi kèm quy định mọi khoản thanh toán cổ tức bị bỏ lỡ đều sẽ được đền bù ở các kỳ sau. Đặc biệt, nếu công ty quyết định trả cổ tức cho cổ đông phổ thông, điều này vẫn phải thực hiện sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ với cổ đông ưu đãi.
Ví dụ: Tập đoàn General Electric từng phát hành cổ phiếu ưu đãi có tính năng tính lũy cổ tức với ký hiệu đánh dấu "GE.PA", được giao dịch ở Sàn chứng khoán New York (NYSE).
Công ty này cam kết trả cổ tức mỗi cổ phiếu 0,78 USD hàng quý và có tỷ lệ cổ tức là 6,626% mỗi năm. Nếu tổ chức phát hành không trả cổ tức theo quý như cam kết, số cổ tức chưa trả sẽ tích lũy và cộng dồn cho những kỳ sau. Tất cả khoản thanh toán này sẽ phải thực hiện trước khi General Electric trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông.
֎ Cổ phiếu ưu đãi bổ sung
Loại hình cổ phiếu này bao gồm điều khoản bổ sung thêm lợi tức cho những người nắm giữ. Như đã trình bày, cổ phiếu ưu đãi đi kèm một mức cổ tức cố định. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đó có một năm kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận tăng mạnh so với kỳ vọng, những người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi bổ sung sẽ nhận thêm được một phần lợi tức so với mức thông thường.
Ví dụ: Cổ phiếu ưu đãi bổ sung Series C do Airbnb phát hành vào năm 2017 có mức cổ tức hàng năm 7,5%, cùng với đó là đặc quyền nhận thêm cổ tức nếu lên sàn chứng khoán (IPO) thành công hoặc được chuyển nhượng cho đối tác.
Nói cách khác, nếu công ty IPO hoặc được mua lại, những người mua cổ phiếu Series C sẽ có thêm cổ tức và thu về lượng tiền lớn. Điều kiện này cho phép nhà đầu tư nhận cổ tức đều đặn, đồng thời hưởng lợi từ tiềm năng phát triển tương lai.
֎ Cổ phiếu ưu đãi khác được Điều lệ công ty quy định
Nhiều loại cổ phiếu với điều kiện đặc biệt khác cũng có thể được phát hành nếu được quy định tại điều lệ công ty. Những điều kiện đặc biệt này có thể là sự kết hợp giữa những tính năng ưu đãi thông dụng như tỉ lệ thanh toán cổ tức, khả năng chuyển đổi, khả năng thu hồi hoặc quyền biểu quyết…
4. So sánh cổ phiếu ưu đãi với cổ phiếu thường và trái phiếu
Như đã trình bày, cổ phiếu ưu đãi là sản phẩm đầu tư có nhiều đặc điểm trộn lẫn của cổ phiếu phổ thông và trái phiếu. Dưới đây sẽ là bảng so sánh khái quát các loại chứng khoán này để bạn hiểu rõ hơn về 3 loại tài sản đầu tư này.
Tiêu chí | Cổ phiếu ưu đãi | Cổ phiếu thông thường | |
Quan hệ với tổ chức phát hành | Chủ nợ | Cổ đông góp vốn | Cổ đông góp vốn |
Quyền biểu quyết | Không | Không | Có |
Hệ quả khi phát hành | Tăng quy mô nợ | Biến đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phần và tăng vốn | Biến đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phần và tăng vốn |
Cổ tức | Cố định và không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh doanh | Cố định nhưng bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh doanh | Nhận được cổ tức không cố định |
Khả năng chuyển đổi | Có thể chuyển thành cổ phiếu phổ thông | Có thể chuyển thành cổ phiếu phổ thông | |
Mức độ rủi ro | Ít rủi ro | Rủi ro trung bình | Độ rủi ro cao do có giá trị biến động mạnh |
Xếp hạng thanh toán khi công ty phá sản | Ưu tiên thanh toán trước | Thanh toán sau trái phiếu | Thanh toán cuối cùng |
Khả năng chuyển nhượng | Được quyền chuyển nhượng | Được quyền chuyển nhượng | Được quyền chuyển nhượng |
(Nguồn: Được sắp xếp bởi Mitrade)
◆ Quan hệ với tổ chức phát hành:
Phát hành ra trái phiếu và cổ phiếu là hai trong số những cách phổ biến nhất để các công ty tìm kiếm vốn huy động. Mua vào cổ phiếu ưu đãi hay phổ thông đều giúp nhà đầu tư sở hữu một phần của tổ chức.
Trái lại, trái phiếu bản chất là giấy ghi nợ mà công ty phát hành ra để bán cho người mua nhằm nhận lại được tiền đầu tư, hay có thể nói, trái chủ là chủ nợ chứ không nắm cổ phần công ty. Trái chủ sẽ được trả lãi đúng hạn bất kể công ty làm ăn có lãi hay thua lỗ như đúng tính chất của một khoản vay thông thường.
◆ Quyền biểu quyết
Các trái chủ và cổ đông ưu đãi nhìn chung không có quyền bỏ phiếu trong nhiều quyết định trọng yếu. Đôi khi, các công ty đôi chỉ trao quyền biểu quyết hạn chế cho cổ đông ưu đãi ở các trường hợp đặc biệt.
Trong khi đó, chủ sở hữu cổ phiếu phổ thông lại có quyền bỏ phiếu. Việc phân bổ quyền biểu quyết theo tỷ lệ đến cổ đông phổ thông là nguyên tắc hoạt động cốt lõi mà các công ty đã lên sàn chứng khoán buộc phải thực hiện. Điều này là động lực cho các cổ đông tăng số lượng cổ phiếu họ nắm giữ để có vai trò lớn hơn với định hướng công ty.
◆ Lợi tức
Lợi tức trái phiếu là phần lợi nhuận nhận được từ chênh lệch giá trái phiếu và lãi suất coupon. Lãi suất coupon là lãi suất định kỳ mà trái chủ được nhận, còn giá của trái phiếu cũng lên xuống theo điều kiện thị trường, dẫn đến việc nhà đầu tư cũng có thể lãi hoặc lỗ khi quyết định đầu tư trái phiếu.
Cổ đông ưu đãi thường biết trước họ sẽ nhận được lợi tức bao nhiêu bởi vì cổ tức được trả ở mức cố định. Trong khi đó, việc mua cổ phiếu phổ thông không được đảm bảo về cổ tức nhưng cũng không có giới hạn về mức có thể nhận. Cổ đông phổ thông có thể được tăng hoặc bị giảm cổ tức bất cứ lúc nào, ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải trả cổ tức cho các cổ đông ưu đãi theo đúng cam kết trước.
Mặc dù vậy, cổ phiếu phổ thông lại là sản phẩm đầu tư có khả năng tạo ra lợi nhuận lớn nhất do nó có khả năng tăng giá nhanh và nhiều nhất.
◆ Tính chuyển đổi
Cả trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi đều có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông theo một tỉ lệ và thời gian nhất định nếu được quy định ở thời điểm chào bán.
◆ Mức độ rủi ro
Nhìn chung, nếu xét riêng một công ty nhất định, trái phiếu được đánh giá là an toàn hơn so với hai loại cổ phiếu còn lại.
Khi mua trái phiếu, trái chủ được cam kết một mức lợi tức nhất định, thậm chí cả khi công ty đó kinh doanh thua lỗ. Giá của trái phiếu cũng không có biến động nhiều quá thời gian. Trong khi đó, cổ phiếu ưu đãi cố định mức cổ tức, tuy nhiên việc chi trả vẫn phải dựa theo tình hình kinh doanh của công ty.
Rủi ro lớn nhất của cổ phiếu phổ thông là sự biến động về giá và không được cam kết về cổ tức, ngay cả khi công ty làm ăn có lãi. Có rất nhiều biến số trên thị trường có thể khiến giá cổ phiếu thay đổi đột ngột trong thời gian ngắn, do đó, nó sẽ là sản phẩm đầu tư mang rủi ro cao hơn hẳn hai loại hình còn lại.
◆ Mức độ ưu tiên đền bù khi tổ chức phá sản
Nếu công ty tuyên bố phá sản và buộc phải thanh lý tài sản để trả tiền lại cho chủ nợ cũng như các cổ đông. Thứ tự xếp hạng ưu tiên chi trả sẽ là trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi và sau đó mới đến cổ phiếu phổ thông. Đây cũng là một trong những lý do khiến trái phiếu là tài sản đầu tư an toàn hơn hai loại cổ phiếu còn lại.
◆ Tính chuyển nhượng
Trong 3 loại tài sản kể trên, cổ phiếu phổ thông là sản phẩm có khả năng trao đổi dễ dàng nhất khi nó có cơ chế mua bán tự do trên các sàn giao dịch. Trái phiếu cũng có thể chuyển đổi cho người sở hữu khác nhưng với thủ tục nghiêm ngặt hơn về thời gian cũng như điều kiện cho phép chuyển đổi. Còn lại, cổ phiếu ưu đãi cũng được phép mua bán nhưng mức độ thanh khoản sẽ không nhanh như cổ phiếu phổ thông.
5. Công ty phát hành cổ phiếu ưu đãi vì mục đích gì?
☆ Huy động vốn nhưng không làm tăng quy mô nợ
Nếu huy động vốn bằng trái phiếu hoặc các hình thức vay nợ khác, điều này sẽ làm tăng quy mô nợ của doanh nghiệp, điều như một tín hiệu không tốt với các nhà đầu tư tiềm năng. Yêu cầu thanh toán với các nghĩa vụ nợ khiến công ty khó xoay sở hơn việc phát hành cổ phiếu ưu đãi do loại chứng khoán này được coi là một phần trong vốn chủ sở hữu và không tuân theo các nguyên tắc trả nợ.
Ví dụ: Trong cơn sóng gió tài chính năm 2008, ngân hàng Goldman Sachs (GS) đã phát hành số lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 5 tỷ USD cho công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffet. Trong thỏa thuận này, Berkshire Hathaway đã trả 5 tỷ USD để mua 43.5 triệu cổ phiếu ưu đãi tích lũy vĩnh viễn 10% với giá 115 USD trên mỗi cổ phiếu. Goldman Sachs đã kích hoạt điều khoản mua lại cổ phiếu ưu đãi vào năm 2010.
Công ty cũng sẽ đạt được tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp hơn nếu thay đổi việc phát hành trái phiếu bằng cổ phiếu ưu đãi. Chỉ số này thấp giúp công ty hấp dẫn hơn đáng kể với các nhà đầu tư mới. Nó là một trong những số liệu phổ biến nhất được sử dụng để phân tích sự ổn định tài chính của một doanh nghiệp. Khi chỉ số này càng thấp, công ty có lợi khi gọi vốn từ các nhà đầu tư.
☆ Chủ động trong vấn đề mua lại cổ phiếu
Các tập đoàn cũng coi trọng cổ phiếu ưu đãi do nó có tính năng thu hồi khi cần thiết. Hầu hết, cổ phiếu ưu đãi có thể mua lại. Sau một khoảng thời gian nhất định, tổ chức phát hành có thể thu hồi cổ phiếu theo mệnh giá để né tránh tổn thất do biến động lãi suất hoặc mất chi phí cơ hội.
Điều này có lợi cho công ty nếu họ đã phát hành cổ phiếu ưu đãi 5% nhưng bây giờ có thể chào bán cổ phiếu ưu đãi ở mức 3% vì lãi suất hoặc lợi suất cổ phiếu ưu đãi đã giảm. Họ có thể thu hồi cổ phiếu ưu đãi và phát hành lại cổ phiếu tương tự có tỷ lệ cổ tức thấp hơn.
☆ Tránh mất quyền kiểm soát doanh nghiệp
Việc công ty phát hành cổ phiếu phổ thông là phổ biến hơn, tuy nhiên, nó cũng mang lại cho cổ đông nhiều quyền kiểm soát hơn và một số chủ doanh nghiệp cảm thấy không thoải mái với vấn đề này. Người sở hữu cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết như cổ phiếu thông thường. Điều đó cho phép một ban lãnh đạo huy động nguồn vốn phát triển mà không làm xáo trộn sự cân bằng kiểm soát trong cơ cấu công ty.
Cổ phiếu phổ thông trao cho cổ đông quyền biểu quyết, cho phép họ có cơ hội tác động đến các quyết định quản lý quan trọng. Do đó, các công ty muốn hạn chế quyền kiểm soát của cổ đông trong khi vẫn muốn họ góp vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng cổ phiếu ưu đãi.
6. Cơ hội và rủi ro khi đầu tư cổ phiếu ưu đãi
Cơ hội
✔️ Lợi ích chính khi đầu tư cổ phiếu ưu đãi là nó sẽ mang đến thu nhập đều đặn. Mặc dù nhà đầu tư chưa chắc đã nhận được mức cổ tức đã quy định, nhưng điều này dẫn đến việc nó thường sẽ có mức lợi tức cao hơn trái phiếu hay các loại chứng khoán nợ khác. Đối với một nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập ổn định và sẵn sàng chấp nhận một mức rủi ro nhất định, cổ phiếu ưu đãi có thể là một phương án đầu tư phù hợp.
✔️ Cổ phiếu ưu đãi có đa dạng tính năng: Như đã trình bày, cổ phiếu ưu đãi có các đặc điểm thực sự tạo ra nhiều lợi ích kinh tế ví dụ như khả năng tính lũy cổ tức hay quy đổi thành cổ phiếu thông thường. Chính vì điều này, một nhà đầu tư tinh ý có thể khéo léo tìm kiếm cổ phiếu ưu đãi phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình và kiếm lợi nhuận từ đó.
Rủi ro
Mặc dù các khoản đầu tư có thu nhập cố định thường được coi là an toàn (ít nhất là an toàn hơn so với cổ phiếu phổ thông), nhưng vẫn hiện hữu các yếu tố rủi ro cần được các nhà đầu tư lưu tâm trước khi xuống tiền.
⭕ Cổ tức bị hoãn chi trả
Việc chi trả cổ tức phải được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị. Nếu công ty đang gặp khó khăn về tài chính, họ hoàn toàn có thể ngừng hoặc tạm dừng thanh toán cổ tức vô thời hạn.
Chi trả cổ tức không phải là nghĩa vụ pháp lý của tổ chức phát hành. Điều này nghe có vẻ tồi tệ và tác động tiêu cực lâu dài đến khả năng huy động vốn của tổ chức phát hành trong tương lai, tuy nhiên, một công ty không thể chia sẻ lợi nhuận nếu họ không làm ra bất kỳ đồng lãi nào. Nếu cổ phiếu ưu đãi không bao gồm quyền truy đòi đối với khoản cổ tức bị tạm dừng thanh toán, đây sẽ là một rủi ro cần lưu tâm.
⭕ Tổ chức phát hành phá sản
Nếu công ty tơi vào phá sản, họ sẽ phải thanh lý tài sản để trả lại tiền cho các nhà đầu tư vào chủ nợ càng nhiều càng tốt. Cổ phiếu ưu đãi được ưu tiên hơn so với cổ phiếu phổ thông, nhưng lại vẫn dưới nhiều loại tài sản khác. Đây thực sự là một yếu tố cần xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng nếu công ty phát hành cổ phiếu đó đang gặp khó khăn. Dưới đây là thứ tự mà công ty cần ưu tiên đền bù sau khi kê khai phá sản.
- Tiền lương chưa thanh toán
- Thuế chưa nộp
- Chủ nợ có tài sản bảo đảm
- Chủ nợ không có tài sản có bảo đảm
- Cổ đông ưu đãi
- Cổ đông phổ thông
⭕ Rủi ro lãi suất
Ngay cả khi một công ty trả cổ tức theo đúng cam kết, cổ đông ưu đãi vẫn phải chịu một số rủi ro, trong đó có trường hợp lãi suất tăng. Trong môi trường lãi suất tăng, giá trị của tài sản có xu hướng giảm và cổ phiếu ưu đãi cũng vậy, trừ khi cổ phiếu đó có điều kiện điều chỉnh lãi suất theo thị trường. Nếu có thêm điều kiện này, khi lãi suất tăng, mức cổ tức nhận được của các cổ đông cũng tăng theo.
⭕ Rủi ro lạm phát (sức mua)
Khi lạm phát xảy ra, giá cả của mọi hàng hóa và dịch vụ trong có xu hướng tăng. Điều này khiến các khoản đầu tư vào cổ phiếu phổ thông sẽ tăng theo. Cổ phiếu ưu đãi thường có mệnh giá ít biến động và lợi tức cố định, trong khi giá cả hàng hóa lại tăng lên, do đó, điều này khiến sức mua của người nắm giữ bị suy giảm.
⭕ Cổ phiếu bị thu hồi
Việc tổ chức phát hành có thể thu hồi cổ phiếu ưu đãi tạo ra rủi ro cho những cổ đông nắm giữ. Rủi ro này thường xảy ra khi lãi suất giảm, dẫn đến việc nhà đầu tư bị mất đi tỷ lệ cổ tức tốt. Các tổ chức phát hành thường thu hồi chứng khoán có thu nhập cố định để tái cấp vốn và phát hành lại chứng khoán tương tự với lãi suất thấp hơn.
Ví dụ: Một nhà đầu tư sở hữu 10.000 cổ phiếu ưu đãi mệnh giá 100.000 VND và lợi tức hàng năm là 5%. Khi lãi suất giảm xuống 3% và tổ chức phát hành sử dụng điều khoản mua lại để thu hồi cổ phiếu bằng đúng mệnh giá. Nhà đầu tư tái đầu tư số tiền thu được vào cổ phiếu ưu đãi khác có mức độ rủi ro tương đương nhưng do hiện tại mặt bằng lãi suất đã giảm nên họ chỉ nhận được mức lợi tức 3%.
⭕ Thanh khoản kém
Rủi ro thanh khoản cũng là điều cần lưu tâm với loại cổ phiếu này do nó không được giao dịch rộng rãi và dễ dàng như cổ phiếu phổ thông. Điều đó có nghĩa là nó sẽ khó bán hơn với một mức giá hợp lý. Đây sẽ là vấn đề nếu nhà đầu tư cần bán cổ phiếu nhanh chóng để quy đổi ra tiền mặt, họ có thể sẽ phải bán với giá chiết khấu để tìm được người mua.
7. Cách mua cổ phiếu ưu đãi
Khi cân nhắc mua cổ phiếu ưu đãi, bạn nên nghĩ tới một số yếu tố như danh tiếng, tình hình tài chính của nhà phát hành, điều kiện thị trường và các khoản phí dịch vụ. Không những vậy, các nhà đầu tư nên làm rõ mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro và thiết lập sự đa dạng hóa danh mục. Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo để mua cổ phiếu ưu đãi:
֎ Mua trực tiếp từ nhà phát hành: Đôi khi, nhà phát hành sẽ đứng ra phân phối trực tiếp cổ phiếu. Do đó, bạn có thể liên hệ với phòng ban có chức năng quan hệ nhà đầu tư của tổ chức phát hành hoặc truy cập website của họ để xem xét các điều kiện và đăng ký mua cổ phiếu ưu đãi.
֎ Thông qua công ty môi giới chứng khoán: Bạn có thể mua cổ phiếu ưu đãi thông qua các công ty môi giới chứng khoán. Các doanh nghiệp niêm yết thường công bố thông tin về cổ phiếu ưu đãi như cổ phiếu phổ thông để người mua tham khảo. Các nhân viên môi giới có thể cung cấp cho bạn các lời khuyên chuyên môn và giúp định hình thị trường cổ phiếu luôn khá phức tạp.
֎ Thông qua quỹ tương hỗ hoặc quỹ hoán đổi danh mục (ETF): Các quỹ tương hỗ và quỹ ETF mang tới cho các nhà đầu tư một danh mục cổ phiếu ưu đãi đa dạng, từ đó giảm thiểu rủi ro với bất kỳ công ty cụ thể nào. Ngoài ra, hai loại quỹ này cung cấp lợi ích bổ sung qua sự quản lý chuyên nghiệp, giúp nâng cao lợi nhuận của nhà đầu tư.
֎ Thông qua nền tảng môi giới trực tuyến: Các nền tảng trực tuyến này cung cấp cách thức đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi với chi phí thấp và dễ tiếp cận, thường có yêu cầu mở tài khoản tối thiểu và phí thấp. Nó cũng sở hữu một giao diện thân thiện với người dùng cho phép các nhà đầu tư tự quản lý các khoản đầu tư của mình. Một số nền tảng có thể kể đến như TD Ameritrade, Fidelity, Schwab và Robinhood…
8. Lời kết
Bất chấp tên gọi của nó, cổ phiếu ưu đãi về bản chất không phải hoàn toàn vượt trội so với cổ phiếu thường. Nó có ít tiềm năng tăng giá và không mang lại quyền bỏ phiếu cho chủ nhân của mình. Tuy nhiên, loại cổ phiếu này đi kèm với quyền ưu tiên nhận cổ tức và có thứ tự đền bù trước nếu công ty bị phá sản.
Việc có nên đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi hay không cần cân nhắc tới một vài yếu tố, bao gồm mục tiêu tài chính, mức độ chấp nhận rủi ro và chiến lược đầu tư của bạn. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ và so sánh nó với nhiều loại tài sản trước bất kỳ quyết định nào.
▌ Các bài liên quan đến [Cổ phiếu ưu đãi] |
Cổ phiếu blue chip là gì? Danh sách cổ phiếu bluechip Việt Nam và trên thế giới năm 2023
Penny là gì? 10 các cổ phiếu penny tiềm năng và tốt nhất 2023
Quỹ ETF là gì? Năm 2023 có nên đầu tư quỹ ETF? So sánh Mutual fund, quỹ ETF và CFD
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.