Blockchain là gì? Các ứng dụng trong thực tiễn của công nghệ blockchain
Blockchain xuất hiện từ năm 1991, rất lâu trước khi Bitcoin ra đời. Tuy nhiên, chỉ đến khi có sự xuất hiện của Bitcoin người ta mới quan tâm nhiều hơn đến nó. Đến nay, sau hơn 10 năm kể từ thời điểm có Bitcoin, blockchain mới cho thấy tầm ảnh hưởng rộng khắp đến mọi lĩnh vực trong đời sống.
Mặc dù vậy nhưng blockchain vẫn ở giai đoạn sơ khai. Tương lai của blockchain phụ thuộc rất nhiều vào việc áp dụng nó trong các ngành khác nhau cùng với việc cho phép sử dụng nó theo cách tiếp cận hợp tác. Khi số lượng các tổ chức trong mạng blockchain tiếp tục tăng lên, điều tất yếu họ sẽ cần phải tương tác với nhau.
1. Hiểu đơn giản về Blockchain là gì?
Blockchain được hiểu như một cuốn sổ ghi chép chuyên dùng trong các doanh nghiệp để ghi chép lại mọi giao dịch hoặc dữ liệu cần thiết.
Lấy ví dụ, trước khi có blockchain, chúng ta sử dụng một cuốn sổ để ghi lại tất cả các giao dịch (tiền vào/tiền ra) mà một công ty thực hiện. Hoặc chúng ta cũng sử dụng cuốn sổ này để lưu trữ hồ sơ của một ngôi nhà, khu đất… về việc nó được bán khi nào, đã giao dịch mua bán cho những ai…
Yếu điểm lớn nhất của cuốn sổ truyền thống này là chúng dễ bị giả mạo. Nghĩa là nó có thể dễ dàng bị chỉnh sửa, xóa hoặc thêm/bớt thông tin. Do đó, nhiều khả năng những thông tin trong cuốn sổ đó có thể chưa thực sự chính xác. Blockchain giúp giải quyết những vấn đề này. Thay vì cuốn sổ này được nắm giữ bởi một cá nhân duy nhất, thì nó được sao chép ra thành nhiều bản và chia ra cho nhiều người nắm giữ với vai trò và quyền hạn tương đương nhau.
Blockchain là một cuốn sổ cái gồm nhiều block dữ liệu được liên kết với nhau và không thể bị làm giả
Để dễ hình dung hơn về khái niệm blockchain này, chúng ta hãy cùng xem qua một ví dụ sau đây. Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày để hai người lạ A và B chuyển tiền trực tuyến cho nhau, chúng ta sẽ thông qua một tổ chức trung gian (có thể là ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng).
Tổ chức trung gian này sẽ nhận tiền của người A sau đó đối chiếu thông tin người A cung cấp để ghi có vào tài khoản của người B. Nhược điểm của mô hình này là nó yêu cầu một tổ chức trung gian tin cậy trong giao dịch giữa hai bên. Điều này khiến thời gian giao dịch lâu hơn và tiêu tốn nhiều phí giao dịch. Blockchain có thể giúp A và B giải quyết vấn đề này.
Vẫn là giao dịch A chuyển tiền cho B, nhưng thông qua blockchain, nó sẽ diễn ra như thế này. A tạo một giao dịch với các thông tin về số tiền chuyển và địa chỉ của người nhận B. Hệ thống máy tính phân tán sẽ xác nhận A có đủ số tiền (kèm một phần phí) cho giao dịch chuyển tiền này sau đó sẽ được thêm vào các block và trước khi thêm vào mạng blockchain. Quá trình xác thực thành công, tiền trong tài khoản của A sẽ giảm đi và trong tài khoản của B sẽ nhận được một lượng tương đương.
Như vậy, trong ví dụ này, A có thể chuyển tiền cho B mà không cần phải thông qua một trung gian tin cậy như cách làm thông thường. Giao dịch được thực thi hoàn toàn tự động và không ai có quyền thay đổi được giao dịch này. Trên thực tế, đây chỉ là một trong những ví dụ cơ bản nhất về blockchain. Trong phần tiếp theo của bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về các loại blockchain hiện có cũng như phân biệt giữa blockchain và tiền điện tử như thế nào nhé.
Các đặc điểm chính của Blockchain:
★ Phi tập trung: Nó không thuộc sở hữu của một thực thể duy nhất, do đó nó phi tập trung
★ Không thể làm giả hay thay thế, thay đổi hay phá hủy
★ Tính minh bạch: Blockchain minh bạch để mỗi người có thể theo dõi dữ liệu nếu họ muốn.
★ Bất biến: Blockchain là bất biến, vì vậy không ai có thể can thiệp vào dữ liệu bên trong blockchain.
★ Bảo mật: Dữ liệu được lưu trữ bên trong bằng mật mã.
★ Hợp đồng Thông minh (Smart contracts): là một dạng hợp đồng kỹ thuật số được nhúng vào đoạn code if-this-then-that (IFTTT) và có khả năng tự động thực hiện các điều khoản, thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng một cách minh bạch, có thể dễ dàng truy xuất nhưng không thể can thiệp từ bên ngoài hay bên thứ ba.
Các điều khoản bên trong hợp đồng thông minh tương đương với các hợp đồng có tính pháp lý khác và được lưu lại dưới dạng ngôn ngữ lập trình.
2. Blockchain hoạt động như thế nào
Blockchain giúp giải quyết các vấn đề gặp phải với mô hình sổ sách kế toán truyền thống theo cơ chế sau:
Các giao dịch khởi tạo trên blockchain sẽ được bảo mật bằng một hệ thống mật mã. Điều này sẽ tạo ra một bản ghi chống giả mạo của các giao dịch được lưu trữ trong các khối và được xác minh bằng cơ chế đồng thuận phân tán. Các cơ chế đồng thuận này cũng đảm bảo các khối mới được thêm vào bất kỳ chuỗi khối nào.
Người dùng sẽ phải trả một khoản phí để mạng máy tính xác nhận giao dịch đó là hợp lệ. Sau đó, giao dịch của bạn được gộp chung với các giao dịch khác đang chờ xử lý trong hàng đợi để được thêm vào một khối mới.
Các máy tính trong mạng sẽ làm việc để xác thực danh sách các giao dịch trong khối bằng cách cách giải một bài toán phức tạp để tìm ra hàm băm, là một số thập lục phân gồm 64 chữ số.
Sau khi được giải quyết, khối sẽ được thêm vào mạng. Phần phí mà bạn trả, kết hợp với tất cả các khoản phí giao dịch khác trong khối đó, là phần thưởng cho người xác thực.
Mỗi khối mới được thêm vào mạng được gán một khóa duy nhất. Khi các khối mới liên tục được thêm vào, blockchain càng trở nên an toàn và khó giả mạo hơn.
3. Hệ sinh thái Blockchain
Thủa sơ khai, hệ sinh thái blockchain chủ yếu tập trung vào các sàn giao dịch tập trung (CEX), các giải pháp blockchain dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của hợp đồng thông minh đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều phân khúc/danh mục khác nhau. Điển hình như:
Dịch vụ thanh toán & tiền điện tử: Các dự án được tạo ra trong danh mục này với mục đích đi vào các khía cạnh như xây dựng một loại tiền tệ khác bên cạnh tiền fiat, mua bán hoặc lưu trữ các loại tiền điện tử.... Bitcoin được xem như là dự án đầu tiên và nổi bật nhất. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều dự án khác được hình thành và hướng đến việc giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.
Nền tảng/sàn giao dịch: Đúng như tên gọi, phân khúc này bao gồm các dự án giúp hỗ trợ người dùng giao dịch giữa các loại tiền điện tử với nhau hoặc hoán đổi từ tiền điện tử thành tiền fiat và ngược lại. Có nhiều hình thức giao dịch khác nhau tùy thuộc nhu cầu người dùng. Ngoài ra, một vài nền tảng trong số này còn hỗ trợ các dự án trong việc bán đồng tiền điện tử của họ đến với người dùng (ví dụ CoinList…).
Nhận dạng, xác minh và bảo mật: Bằng việc tận dụng thế mạnh về tính bất biến của các bản ghi giao dịch, một số dự án ứng dụng phần mềm sổ cái kỹ thuật số để xác minh tính xác thực của dữ liệu, tài sản hoặc tài liệu. Trường hợp của Bộ Giáo dục & Đào tạo hợp tác với TomoChain là một trong những ứng dụng điển hình của phân khúc này.
Các giải pháp dành cho doanh nghiệp: Nó bao gồm các dự án cung cấp các giải pháp blockchain cho các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, chăm sóc sức khỏe…
4. Phân loại của Blockchain
Dựa trên sự phân quyền, blockchain được sắp xếp dưới 2 hình thức chính là Permissionless và Permissioned hoặc giao thoa giữa 2 hình thức này. Trong đó:
Permissionless blockchain (hay chuỗi khối không cần cấp phép) sẽ cho phép bất kỳ người dùng nào đều có thể tham gia vào mạng trong vai trò một node mạng (nút mạng), dưới dạng ẩn danh. Các blockchain dạng này sẽ không hạn chế quyền của các node trên mạng.
Permissioned blockchain (hay chuỗi khối cần cấp phép) sẽ ngược lại với các Permissionless blockchain kể trên. Nó sẽ hạn chế quyền truy cập và chỉ cho phép một số node nhất định đã thông qua quá trình kiểm duyệt gắt gao tham gia vào mạng. Trong trường hợp này, danh tính của những node này sẽ được tiết lộ với những người dùng khác của mạng.
Blockchain nói chung được chia thành 4 loại chính
Với 2 hình thức này, dựa trên việc tiếp nhận dữ liệu đầu vào, các mạng blockchain được chia thành 4 dạng khác nhau. Chúng bao gồm blockchain công khai (public blockchain); blockchain riêng tư (private blockchain); blockchain hỗn hợp (hybrid blockchain) và blockchain liên kết (consortium blockchain).
Public blockchain
Đây là dạng blockchain hoàn toàn phi tập trung, không được kiểm soát bởi bất kỳ thực thể nào. Nó cho phép mọi người đều có quyền tự do tham gia vào mạng. Nói cách khác, các nút đều có quyền bình đẳng trong việc truy cập chuỗi khối, tạo các khối dữ liệu mới và xác thực các khối dữ liệu.
Ứng dụng phổ biến nhất của các chuỗi công khai này là phát triển các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum… Vì đặc tính phi tập trung hoàn toàn nên nhược điểm lớn nhất của các chuỗi công khai này là thời gian xác thực dữ liệu lâu hơn, qua đó dẫn đến mức phí giao dịch cao hơn, đặc biệt là trong các thời điểm một lượng lớn giao dịch thực thi trên mạng.
Private blockchain
Trái ngược với chuỗi công khai, chuỗi riêng tư (hay còn gọi là managed blockchain) được kiểm soát bởi một tổ chức thành lập nên nó. Tổ chức kiểm soát chuỗi dạng này có toàn quyền trong việc chỉ định ai có thể là node trên mạng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tổ chức này cũng có thể không nhất thiết phải cấp cho mỗi nút quyền bình đẳng để thực hiện các chức năng.
Các chuỗi khối riêng tư chỉ được phân cấp một phần vì quyền truy cập công khai vào các chuỗi khối này bị hạn chế. Một số ví dụ về chuỗi riêng tư này là mạng trao đổi tiền ảo B2B giữa Ripple và Hyperledger.
Vì chỉ có một số node được chỉ định nên các chuỗi riêng tư có thể rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, đổi lại nó dễ bị gian lận hơn vì quá trình xác thực được tập trung hoá vào một hoặc một nhóm thực thể. Để giải quyết những nhược điểm này, các chuỗi khối hỗn hợp và liên kết đã được phát triển.
Hybrid blockchain
Các chuỗi hỗn hợp mang đúng nghĩa là sự kết hợp giữa chuỗi công khai và riêng tư. Nó tận dụng những lợi điểm của chuỗi công khai về khía cạnh giám sát được yêu cầu để thực hiện các xác thực giao dịch nhất định đồng thời vẫn trao quyền kiểm soát cho một tổ chức duy nhất. Một ví dụ về chuỗi hỗn hợp dạng này là IBM Food Trust. Nó được phát triển để nâng cao hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Consortium blockchain
Các chuỗi khối liên kết là các chuỗi khối được phép quản lý bởi một nhóm các tổ chức, thay vì một thực thể, như trong trường hợp chuỗi khối riêng tư. Như vậy, so với chuỗi riêng tư, chúng ta thấy đã có sự phân quyền hơn ở đây, qua đó nâng cao mức độ bảo mật.
Một ví dụ về chuỗi liên kết đó là trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, CargoSmart đã phát triển Hiệp hội Mạng lưới Kinh doanh Vận chuyển Toàn cầu, một hiệp hội chuỗi khối phi lợi nhuận nhằm mục đích số hóa ngành vận tải biển và cho phép các nhà khai thác ngành hàng hải cộng tác với nhau nhiều hơn.
5. Sự khác biệt và quan hệ giữa Blockchain, Bitcoin và Cryptocurrency
Khi nhắc đến blockchain, nhiều người nghĩ rằng blockchain là Bitcoin. Quan điểm này đến từ việc Bitcoin xem như là đồng tiền điện tử (cryptocurrency) xuất hiện đầu tiên trên thị trường.
Dù Bitcoin là một mạng blockchain nhưng điều suy luận ngược lại không đúng. Bằng chứng là ngoài Bitcoin ra, blockchain có nhiều ứng dụng khác trong thực tế như chúng tôi đã chia sẻ thông qua 4 loại hình blockchain kể trên. Bitcoin hay các loại hình khác chỉ là một trong số nhiều ứng dụng của blockchain mà thôi.
Bảng dưới đây sẽ cho thấy sự giống và khác nhau giữa 3 khái niệm này.
Tiêu chí | Blockchain | ||
Công nghệ | Blockchain ở đây là công nghệ nền tảng cho Bitcoin nói riêng, Cryptocurrency nói chung. | Mạng Bitcoin được phát triển dựa trên công nghệ blockchain, với việc các thợ đào tham gia vào quá trình xác thực khối trên mạng blockchain Bitcoin. Đổi lại các thợ đào sẽ nhận được phần thưởng là tiền điện tử Bitcoin (BTC). | Cryptocurrency là tên gọi chung của các loại tiền điện tử. Ngoài Bitcoin ra, hiện tại thị trường có 12.282 đồng tiền điện tử khác nhau (theo dữ liệu từ CoinGecko ngày 19/2/2023). Những loại tiền điện tử ra đời sau Bitcoin được gọi chung là Altcoin. Mỗi loại tiền điện tử này sẽ được phát triển dựa trên một mạng blockchain khác nhau. |
Ứng dụng | Ngoài Bitcoin và Cryptocurrency, nhiều ứng dụng khác như xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng hay mạng lưới thanh toán… cũng sử dụng công nghệ blockchain | Bitcoin trong vai trò một loại tiền điện tử có thể được giao dịch mua đi bán lại trên các sàn giao dịch. | Tương tự như Bitcoin |
Tính bất biến | Cái độc đáo của blockchain là mọi giao dịch đều được ghi lại và không thể sửa đổi sau khi đã được xác thực trên mạng. | Mạng Bitcoin là một blockchain công khai và phi tập trung hoàn toàn. Mọi giao dịch trên mạng Bitcoin cũng đều được ghi lại và không thể sửa đổi. Các node xác thực được phân bổ rộng khắp trên toàn cầu. Điều này khiến mạng trở nên bảo mật hơn nhưng đồng thời giới hạn về tốc độ cũng như gia tăng mức phí giao dịch. | Một trong những mục đích của các Altcoin này là khắc phục nhược điểm tốc độ giao dịch chậm cũng như mức phí giao dịch cao của Bitcoin. |
6. Nhóm và lịch sử phát triển của công nghệ Blockchain
Bitcoin được xem là ứng dụng đầu tiên của blockchain trong lĩnh vực tiền tệ và thanh toán. Bitcoin được ra đời vào cuối năm 2008 nhưng công nghệ blockchain lại tồn tại từ trước đó khá lâu rồi. Trong hành trình phát triển của blockchain, chúng ta có thể chia thành một số giai đoạn chính sau đây:
Giai đoạn 1 (từ 1991 - 2009): Thời điểm khởi thủy của công nghệ blockchain
Theo đó công nghệ chuỗi khối được mô tả vào năm 1991 bởi nhà khoa học nghiên cứu Stuart Haber và W. Scott Stornetta. Thời điểm đó, họ phát triển một hệ thống sử dụng khái niệm chuỗi khối được bảo mật bằng mật mã để lưu trữ các tài liệu có dấu thời gian.
Vào năm 1992, Merkle Trees đã được tích hợp vào thiết kế, giúp cho chuỗi khối hiệu quả hơn bằng cách cho phép thu thập một số tài liệu vào một khối.
Vào năm 2008, Satoshi Nakamoto đã khái niệm hóa chuỗi khối đầu tiên. Từ đó công nghệ đã phát triển và trở thành xương sống của nhiều ứng dụng ngoài tiền điện tử.
Satoshi Nakamoto đã phát hành sách trắng đầu tiên về công nghệ này vào năm 2009.
Giai đoạn 2 (từ 2009 - 2013): Sự xuất hiện của Bitcoin và hệ sinh thái các loại tiền điện tử
Bitcoin ra đời vào năm 2008 với tư cách là ứng dụng đầu tiên của công nghệ blockchain.
Satoshi Nakamoto trong báo cáo chính thức của mình đã trình bày chi tiết về nó như một hệ thống ngang hàng điện tử. Nakamoto đã hình thành khối genesis, từ đó các khối khác được khai thác, kết nối với nhau dẫn đến một trong những chuỗi khối lớn nhất mang các phần thông tin và giao dịch khác nhau.
Giai đoạn 3 (từ 2013 đến nay): Hình thành và phát triển
Công nghệ chuỗi khối được tách ra khỏi tiền tệ. Các tổ chức tài chính và các ngành công nghiệp khác bắt đầu chuyển trọng tâm từ tiền kỹ thuật số sang phát triển công nghệ chuỗi khối. Sự xuất hiện của Ethereum Frontier Network đã cho phép các nhà phát triển viết các hợp đồng thông minh và Dapp có thể được triển khai trên mạng.
Lịch sử ngắn gọn của blockchain:
☼ Bắt đầu từ năm 1991
Blockchain đã được mô tả lần đầu tiên bởi Stuart Haber và W Scott Stornetta.
☼ Đến năm 1998
Nhà khoa học máy tính Nick Szabo làm việc trên “bit gold” là một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung.
☼ Đến năm 2000
Stefan Konts đã xuất bản lý thuyết của mình về chuỗi bảo mật bằng mật mã cùng với các ý tưởng triển khai.
☼ Năm 2008
Nhà phát triển dưới bút danh Satoshi Nakamoto đã phát hành sách trắng thiết lập mô hình blockchain.
☼ Năm 2009
Nakamoto triển khai blockchain đầu tiên là sổ cái công khai cho các giao dịch được thực hiện bằng Bitcoin
Những sự kiện lớn đáng chú ý của Blockchain qua các năm:
☼ 2008
Satoshi Nakamoto, danh xưng của một cá nhân hoặc một nhóm người, công bố Bitcoin “Bitcoin: Hệ thống tiền mặt điện tử ngang hàng”.
☼ 2009
Giao dịch thành công đầu tiên của Bitcoin (BTC) diễn ra giữa nhà khoa học máy tính Hal Finney và Satoshi Nakamoto bí ẩn.
☼ 2010
Lập trình viên Laszlo Hanycez tại Florida hoàn thành giao dịch đầu tiên thanh toán bằng Bitcoin – cho hai cái pizza của Papa John. Hanycez đã chuyển 10.000 BTC, trị giá khoảng 60 đô la vào thời điểm đó. Ngày nay nó trị giá 80 triệu đô la.
Giới hạn thị trường của Bitcoin chính thức vượt quá 1 triệu đô la
☼ 2011
1 BTC = 1USD, mang lại sự tương đương giữa tiền điện tử và đô la Mỹ.
Tổ chức Biên Giới Điện Tử (EFF), Wikileaks và các tổ chức khác bắt đầu chấp nhận Bitcoin dưới dạng quyên góp.
☼ 2012
Blockchain và tiền điện tử được đề cập trong các chương trình truyền hình nổi tiếng như “Người vợ tốt”, đưa blockchain vào văn hóa Pop.
Tạp chí Bitcoin được phát hành bởi nhà phát triển Bitcoin đầu tiên - Vitalik Buterin.
☼ 2013
Vốn hóa thị trường BTC đã vượt quá 1 tỷ đô la.
Bitcoin đạt $100/ BTC lần đầu tiên.
Buterin công bố “Dự án Ethereum” cho thấy blockchain có những khả năng khác ngoài Bitcoin (ví dụ: hợp đồng thông minh)
☼ 2014
Công ty trò chơi điện tử Zynga, khách sạn The D Las Vegas và Overstock.com đều bắt đầu chấp nhận Bitcoin dưới dạng thanh toán.
Dự án Ethereum của Buterin gọi được vốn cộng đồng thông qua một Đợt phát hành đồng tiền đầu tiên (ICO) huy động được hơn 18 triệu đô la BTC và mở ra con đường mới cho blockchain.
R3, một nhóm gồm hơn 200 công ty blockchain, được thành lập để khám phá những cách thức mới có thể được triển khai công nghệ blockchain.
PayPal thông báo tích hợp Bitcoin.
☼ 2015
Số lượng các thương nhân chấp nhận BTC vượt quá con số 100.000.
NASDAQ và Chuỗi công ty blockchain San-Francisco hợp tác để thử nghiệm công nghệ giao dịch cổ phiếu trong các công ty tư nhân.
☼ 2016
Gã khổng lồ công nghệ IBM công bố chiến lược blockchain cho các giải pháp kinh doanh dựa trên nền tảng đám mây.
Chính phủ Nhật Bản công nhận tính hợp pháp của blockchain và tiền điện tử.
☼ 2017
Bitcoin đạt $1.000/ BTC lần đầu tiên.
Vốn hóa thị trường tiền điện tử đạt 150 tỷ USD.
Giám đốc điều hành JP Morgan, Jamie Dimon nói rằng ông tin tưởng vào blockchain như một công nghệ trong tương lai, và bầu chọn cho blockchain một phiếu tín nhiệm từ Phố Wall.
Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại ở mức $19.783,21/ BTC.
Dubai tuyên bố chính phủ của họ sẽ vận hành bằng blockchain vào năm 2020.
☼ 2018
Facebook cam kết bắt đầu một nhóm blockchain và cũng gợi ý về khả năng tạo ra tiền điện tử của riêng mình.
IBM (Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia, tại Mỹ) phát triển một nền tảng ngân hàng dựa trên blockchain với sự tham gia của các ngân hàng lớn như Citi và Barclays.
☼ 2019
IKEA đã thực hiện khoản thanh toán đầu tiên bằng blockchain. Điều này đã đánh dấu một bước tiến lớn trong việc sử dụng Blockchain để thanh toán.
SAMSUNG đã giới thiệu bộ công cụ phát triển phần mềm blockchain của riêng mình.
NIKE đã đăng ký bằng sáng chế để liên kết một loại giày thể thao mới của mình vào chuỗi khối Ethereum.
☼ 2020
Tamil Nadu trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ áp dụng chính sách về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và blockchain.
Trung quốc đã triển khai Blockchain Service Network (BSN) được nhiều doanh nghiệp mong đợi.
Đồng sáng lập Apple ông Steve Wozniak đã công bố công ty khởi nghiệp Efforce hiệu quả năng lượng dựa trên blockchain
Mỹ đã đưa Blockchain vào danh sách các dịch vụ quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
☼ 2021
Việt Nam đã và đang sử dụng blockchain akaChain để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Hàn Quốc đã điều chỉnh hơn 1 triệu giấy phép lái xe sang hệ thống blockchain.
NFT một loại tài sản số hiện diện trên blockchain đang trở thành cơn sốt.
IBM và Walmart đã ký kết quan hệ đối tác để tạo ra các giải pháp bán lẻ dựa trên Blockchain.
Microsoft và Amazon sử dụng blockchain như một dịch vụ (BaaS)
El Salvador là quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ hợp pháp (legal tender).
☼ 2022
Sự xuất hiện của khái niệm DeFi, NFT và Metaverse đã kéo nhiều công ty truyền thống tham gia vào lĩnh vực này.
Chính phủ Ấn Độ đã công bố đánh thuế 30% đối với việc chuyển tài sản kỹ thuật số.
7. Blockchain có thực sự an toàn?
Các chuỗi khối được bảo mật thông qua nhiều cơ chế bao gồm các kỹ thuật mã hóa tiên tiến và các mô hình toán học về hành vi và quá trình ra quyết định.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đã cho thấy tin tặc có thể truy cập trái phép và tác động được đến quá trình hoạt động của một số chuỗi khối. Đương nhiên, trong trường hợp này chúng ta đang đề cập đến các blockchain công khai, không chịu sự kiểm soát bởi các thực thể trung gian.
Một là khi một hoặc một nhóm các công cụ khai thác hoặc người xác thực có thể liên kết lại với nhau để thực hiện kiểm soát mạng lưới. Hình thức này gọi chung là tấn công 51%. Với việc gây ra những vụ tấn công dạng này, các tác nhân này có thể tác động đến hệ thống, thậm chí là đảo ngược giao dịch theo ý muốn.
Các cuộc tấn công 51% này phổ biến hơn trên các chuỗi khối quy mô nhỏ hơn vì những người khai thác khó có thể giành được quyền kiểm soát đáng kể đối với các chuỗi khối lớn hơn và phức tạp hơn.
Hai là có thể có trục trặc hoặc lỗi bảo mật trong quá trình tạo chuỗi khối. Điều này có thể phổ biến hơn với các chuỗi khối lớn hơn, phức tạp hơn.
Bản thân Bitcoin cũng đã từng là nạn nhân của vấn nạn này khi một lỗi trong quá trình triển khai giúp kẻ tấn công có thể tạo ra một lượng Bitcoin thay vì cố định ở mức 21 triệu BTC như thiết kế ban đầu. May mắn là sau đó lỗi này đã được phát hiện và số BTC tạo trái phép đã được ngăn chặn.
Như vậy, xét về mặt nguyên lý, mạng blockchain được đánh giá là an toàn và bảo mật. Tuy nhiên, nó sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện cũng như phát triển để đạt được một mức độ phi tập trung nhất định. Khi mạng lưới càng mở rộng, lượng người dùng tham gia càng lớn thì rủi ro về việc chiếm quyền kiểm soát mạng lưới sẽ tiết giảm đi đáng kể.
8. Các ứng dụng của Blockchain
Bắt đầu từ giai đoạn khởi thủy đến nay, blockchain đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tương ứng với đó là các phiên bản nâng cấp khác nhau. Tương ứng với từng cấp độ sẽ là có các ứng dụng khác nhau của blockchain. Theo đó, chúng ta có thể chia thành 4 cấp độ chính sau đây.
♣ Blockchain 1.0
Với việc triển khai công nghệ sổ cái phân tán, các giao dịch tài chính ngang hàng (Peer to Peer) trong lĩnh vực tài chính tiền tệ có thể thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tiền điện tử là một trong những ứng dụng đời đầu của blockchain. Hiện nay, ngoài Bitcoin ra, chúng ta có hàng chục ngàn đồng coin khác nhau được hình thành dựa trên công nghệ này.
♣ Blockchain 2.0
Ứng dụng tiếp theo của blockchain đưa nó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ nói riêng. Blockchain 2.0 tận dụng lợi điểm của smart contract (hợp đồng thông minh) để thiết lập, thực thi các giao dịch một cách tự động.
Người dùng chỉ cần đưa các dữ liệu cần thiết, hợp đồng thông minh sẽ tự động thực thi mà không cần có sự can thiệp, giám sát của các thực thể trung gian, qua đó giúp tối ưu hóa quy trình cũng như đảm bảo độ chính xác cao.
Với sự xuất hiện của hợp đồng thông minh cùng với công nghệ blockchain này, các hợp đồng truyền thống trong mọi lĩnh vực có thể được thay thế hoàn toàn, giúp cho các thỏa thuận phức tạp được thực hiện một cách hiệu quả.
♣ Blockchain 3.0
Được xây dựng trên nền blockchain với hợp đồng thông minh, blockchain 3.0 được xem như là mảnh đất cho sự hình thành của các Dapp (Decentralized application) hay ứng dụng phi tập trung. Không giống như các ứng dụng chạy trên các máy tính riêng lẻ như hiện tại, các Dapp này chạy trên mạng ngang hàng của các hệ thống máy tính. Chúng không bị kiểm soát bởi các đơn vị trung gian nào.
Một số nền tảng lending coin hoặc yield farming là những ứng dụng tiêu biểu cho blockchain giai đoạn này. Người dùng trên toàn cầu, thông qua các nền tảng này (ví dụ như Aave) có thể vay và cho vay các loại tiền điện tử mà không cần phải quen biết hoặc thông qua sự trợ giúp của một đơn vị trung gian.
♣ Blockchain 4.0
Blockchain 4.0 sẽ kế thừa, phát triển và tích hợp trên cơ sở ứng dụng các tính năng của 3 thế hệ trước. Trong đó, blockchain sẽ hướng tới trở thành công nghệ giúp đáp ứng hầu hết các nhu cầu trong hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực.
Ngày nay, mặc dù chưa quá phổ biến nhưng công nghệ blockchain đã và đang dần len lỏi vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống như tài chính ngân hàng; y tế, chăm sóc sức khỏe; chuỗi cung ứng; nông nghiệp…
Thông qua blockchain, người dùng cũng như các doanh nghiệp hiện nay có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng. Thậm chí, tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ứng dụng công nghệ blockchain của TomoChain trong việc lưu trữ văn bằng quốc gia.
Theo đó, tất cả văn bằng được cấp bởi các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lần lượt được đưa vào hệ thống lưu trữ văn bằng quốc gia. Hệ thống truy xuất cho các bên có nhu cầu cũng sẽ được xã hội hoá.
9. Top 5 hệ sinh thái Blockchain đáng chú ý trong năm 2023
Dưới đây là danh sách các hệ sinh thái blockchain đang có những dự án lớn nhất và nhiều nhất trên thị trường tiền ảo hiện nay:
#1 Blockchain Ethereum(ETH)
Tổng quát
Năm ra đời: 2013
Vốn hóa thị trường: $158,700,660,259
Xếp hạng vốn hóa thị trường: #2
Giá hiện tại: $1,296.85
Khối lượng giao dịch 24h: $9,968,360,034
Cập nhật : 22/10/2022
Điểm mạnh
Khắc phục nhược điểm về tốc độ giao dịch của Bitcoin, Ethereum có khả năng xử lý nhiều giao dịch hơn. Ngoài ra, tính phi tập trung và bảo mật cao, rất ít thời gian chết, tính linh hoạt và là một cộng đồng khổng lồ.
Điểm yếu
Chi phí Gas lớn.
Với quy mô thu hút 1.296 nhà phát triển toàn thời gian trên hệ sinh thái Ethereum. Những dự án nổi tiếng trên blockchain: ETH, Shiba Inu (SHIB), DAI, The Sandbox (SAND), Enjin Coin (ENJ), …
Ethereum là giao thức blockchain đầu tiên cho phép tạo ra các ứng dụng phi tập trung (dApps) và hợp đồng thông minh mà không có bất kỳ thời gian chết, gian lận, kiểm soát hoặc can thiệp từ bất kỳ bên thứ ba nào.
Với việc phát triển hợp đồng thông minh, Ethereum ecosystem đã mang đến một tính năng mang tính cách mạng của blockchain, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các hợp đồng được lập trình trước được tự động hóa và tự thực hiện.
Chính vì vậy, dù sinh sau đẻ muộn so với Bitcoin Blockchain nhưng Ethereum đã bùng nổ vì có thể giải phóng toàn bộ tiềm năng của công nghệ blockchain, thu hút hàng trăm nhà phát triển trên khắp thế giới.
Đây được xem một trong những nền tảng phát triển tốt nhất cho blockchain. Với sự gia tăng của DeFi vào năm 2020 và NFT vào năm 2021 (có liên quan trực tiếp đến Ethereum) nhu cầu về hệ sinh thái Ethereum thậm chí được dự báo còn tăng lên nhiều hơn.
Gần đây nhất tháng 9/2022, sự kiện “The Merge” (Hợp nhất) đánh dấu đợt nâng cấp lớn nhất từ trước đến nay của mạng Ethereum, thay đổi cơ chế đồng thuận từ Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS), được cho là đi kèm với một số lợi ích nhất định như giảm mức tiêu thụ điện năng.
#2. Blockchain Binance (BNB)
Tổng quát
Năm ra đời: 7/2017
Vốn hóa thị trường: $42,980,245,275
Xếp hạng vốn hóa thị trường: #5
Giá hiện tại: $268.66
Khối lượng giao dịch 24h: $566,095,753
Cập nhật : 22/10/2022.
Điểm mạnh
Mở rộng và phát triển quy mô từ One Chain thành Multi-Chain. Thông lượng của BSC được tăng cường.
Tăng cường và giới thiệu thêm cơ chế quản lý trên chuỗi.
Nâng cấp quy mô và mở rộng validator (người xác nhận) từ 21 lên 41. Trong đó, 20 validator có chức năng nhiệm vụ như người sản xuất block ứng viên.
Điểm yếu
xét về mức độ đa dạng thì vẫn chưa có hệ sinh thái nào đa dạng về dapp như BSC, cũng như chưa có khả năng bắt Trend nhanh như BSC từ NFT, GameFi cho đến Metaverse.
Chuỗi blockchain BSC của Binance đã được giới thiệu từ cuối tháng 8 năm 2020. Chuỗi Binance Smart Chain có chức năng hợp đồng thông minh và khả năng tương thích với Ethereum Virtual Machine (EVM).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ứng dụng gốc trên Ethereum có thể chuyển sang BSC một cách nhanh chóng với chi phí thấp hơn.
Xét về khía cạnh Incentive, BSC cũng đang là hệ sinh thái có Incentive cao nhất cho developer với giải thưởng 100 triệu đô cùng nhiều quyền lợi khác.
Vào những lúc cao điểm, BSC đã xử lý tới 11,8 triệu giao dịch trong một ngày. Số lượng này gấp nhiều lần so với khối lượng giao dịch tối đa của Ethereum.
Trước sự phát triển của blockchain nói chung và BSC nói riêng, blockchain Binance sẽ rất đáng chú ý trong năm 2022.
#3. Blockchain Cardano (ADA)
Tổng quát
Năm ra đời: 2015
Vốn hóa thị trường: $11,880,955,654
Xếp hạng vốn hóa thị trường: #8
Giá hiện tại: $0.346
Khối lượng giao dịch 24h: $495,753,799
Cập nhật : 22/10/2022
Điểm mạnh
Hướng tới giải quyết những hạn chế mà nền tảng Ethereum 2.0 đang gặp phải về khả năng mở rộng, nghẽn mạng và khí gas đắt đỏ.
Khả năng mở rộng (Scalability) của Cardano đến từ 3 yếu tố, gồm: Transaction Per Second, Network và Data Scaling.
Khả năng tương tác và kết nối (Interoperability)
Tính bền vững (Sustainability)
Điểm yếu
Lộ trình khá phức tạp để theo dõi vì nó chia nhỏ giai đoạn và lịch sử tìm kiếm, quá trình khởi chạy và kỷ nguyên áp dụng.
Dự án blockchain Cardano được bắt đầu tư năm 2015 bởi công ty IOHK và Charles Hoskinson người đồng sáng lập cả Ethereum và BitShares chính là CEO của IOHK. Cardano được tạo ra với mục đích nhấn mạnh khả năng mở rộng và hệ thống Proof-of-Stake thân thiện với môi trường.
Có 5 kỷ nguyên của Cardano, gồm: Nền tảng (Byron), Phân quyền (Shelley), Hợp đồng thông minh (Goguen), Mở rộng quy mô (Basho) và Quản trị (Voltaire).
Mới đây Cardano đã hoàn thành xong bản nâng cấp hard fork của mình để mở đường cho việc tích hợp hợp đồng thông minh trên blockchain.
Cardano cũng chính là một trong những đối thủ cạnh tranh chính với Ethereum. Hầu hết các nhà đầu tư vào Cardano đều có cái nhìn dài hạn vào dự án blockchain này.
#4. Blockchain Solana (SOL)
Tổng quát
Năm ra đời: 2017
Vốn hóa thị trường: $9,958,329,018
Xếp hạng hiện tại theo vốn hóa thị trường: #9
Giá hiện tại: $27.81
Khối lượng giao dịch 24h: $908,099,884
Cập nhật : 22/10/2022
Điểm mạnh
sử dụng cơ chế đồng thuận PoH (Proof of History), dựa trên PoS (Proof of Stake) để có thể xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây.
có tốc độ xử lý giao dịch nhanh, phí gas thấp và được nhiều quỹ nổi tiếng đầu tư.
Điểm yếu
Sự kém an toàn của mạng lưới Solana đã trở thành rào cản để nó có thể phát triển vượt bậc trong tương lai.
Hiện chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất.
Đưa ra các yêu cầu phần cứng quá cao. Solana trở nên tập trung hóa
Blockchain Solana được bắt nguồn từ cuối năm 2017 khi người sáng lập Anatoly Yakovenko xuất bản sách trắng về nó. Mạng lưới này ưu tiên các giao dịch nhanh chóng trên hệ thống không gian tin cậy mới có tên là Proof of Stake.
Proof of Stake tạo ra một chuỗi giao dịch có hàm băm dài, không bị gián đoạn. Quá trình này đã giúp blockchain của Solana có thể xử lý các giao dịch nhanh hơn với số lượng có thể đạt là 50.000 giao dịch mỗi giây.
Trong năm 2021, Solala đã đạt được một số thành tự đáng chú ý như: Dự án kết hợp cùng Chainlink, dự án kết hợp cùng ứng dụng trò chuyện Kik. Ngoài ra hồi tháng 6 vừa qua, Solana cũng đã huy động được 314 triệu $ từ nhà đầu tư nổi tiếng ở Thung lũng Silicon Andressen Horowitz và Polychain Capital.
Trước những điểm sáng như hiện tại, Solana sẽ là blockchain rất đáng chú ý vào năm 2022.
#5. Blockchain Polygon (MATIC)
Tổng quát
Năm ra đời: 2017
Vốn hóa thị trường: $7,154,612,036
Xếp hạng hiện tại theo vốn hóa thị trường: #11
Giá hiện tại:$0.819
Khối lượng giao dịch 24h: $388,946,287
Cập nhật : 22/10/2022
Điểm mạnh
Cải thiện được tốc độ và chi phí giao dịch của blockchain Ethereum.
Khả năng mở rộng.
Thông lượng cao
Trải nghiệm người dùng
Bảo mật cao
Các Sidechain công khai
Nhận được sự đầu tư, ủng hộ từ Grayscale, Mark Cuban...
Điểm yếu
Cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ: Polkadot, Chainlink, Cardano...
Sự ra mắt Ethereum 2.0 sẽ là thách thức lớn đối với Polygon.
Hệ sinh thái còn khá nhỏ, công nghệ chưa thực sự đột phá.
Hiệu suất sinh lời thời gian qua còn khá thấp.
Polygon khởi đầu là một dự án Binance Launchpad có tên Matic vào tháng 4 năm 2019. Nó cung cấp một giao thức để tạo các mạng blockchain thương thích với Ethereum. Polygon đóng vai trò như một chuỗi phụ của Ethereum, chạy song song và được kết nối với Ethereum để cung cấp tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn.
Polygon hiện đang được sử dụng nhiều bởi các ứng dụng DeFi phổ biến như Aave, Curve và Shihi. Và ngay cả các ứng dụng gốc như QuickSwap, SlingShot cũng ứng dụng nhiều với Polygon.
Do đó, blockchain Polygon thực sự rất có triển vọng trong những năm tiếp theo.
10. Tương lai của blockchain sẽ ra sao?
Theo dự báo của Gartner, đến thời điểm năm 2026, giá trị kinh doanh nhờ blockchain sẽ tăng lên hơn 360 tỷ USD. Sau đó, lạc quan hơn khi công ty nghiên cứu này dự đoán rằng con số sẽ tăng lên 3,1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Với xu hướng hiện tại kết hợp với việc ngày càng có nhiều trường hợp khác nhau được sử dụng, blockchain được dự đoán sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong những thập kỷ tới. Từ tài chính phi tập trung (DeFi) đến tài sản không thể thay thế (NFT) đến các tổ chức phi tập trung (DAO), đến việc cho vay tiền điện tử, chuỗi khối mở ra vô số cơ hội vốn chưa từng xuất hiện trước đây.
Chúng ta không phủ nhận tiềm năng đáng kinh ngạc của blockchain trong tất cả các lĩnh vực khác nhau. Mặc dù vậy, nó vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Về cơ bản, một mạng blockchain lý tưởng cần phải đáp ứng và cân bằng được 3 yếu tố chính bao gồm Khả năng mở rộng - Tính phi tập trung - Tính bảo mật. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, gần như chưa có mạng lưới blockchain nào cân bằng được cả 3 yếu tố này.
Lấy mạng blockchain Bitcoin làm ví dụ. Bitcoin nổi tiếng là một mạng lưới phi tập trung với một lượng lớn máy tính khai thác trên toàn cầu, qua đó giúp nâng cao yếu tố bảo mật. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là khiến cho thời gian giao dịch lâu và tốn kém hơn. Trung bình, mạng lưới Bitcoin sẽ xử lý được 5 - 7 giao dịch mỗi giây (Transactions Per Second - TPS).
Bên cạnh đó, một số mạng blockchain khác có TPS cao hơn hẳn, điển hình như Solana có TPS lên đến khoảng 4.000. Tuy nhiên, việc xử lý giao dịch nhanh cộng với khả năng mở rộng thần tốc trên Solana khiến mạng phải đánh đổi bằng tính phi tập trung cũng như hiệu năng. Theo đó, mạng lưới này đã nhiều lần bị “sập” trong năm 2022.
Điều này dẫn đến việc ra đời của nhiều các giải pháp Layer 2 (lớp 2) nhằm tăng khả năng mở rộng quy mô, bù đắp cho sự thiếu hiệu quả của các mạng Layer 1. Theo thời gian, sẽ có sự tăng trưởng đáng chú ý trong lĩnh vực này và nó sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức tiềm năng đầu tư vào nó.
11. Lời Kết
Blockchain từng được biết đến như một ứng dụng không thể thiếu của Bitcoin nói riêng và các loại tiền ảo nói chung. Ngày nay Blockchain đã trở thành cuộc cách mạng trong hầu hết các ứng dụng đời sống, từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Và tương lai, người ta tin rằng Blockchain sẽ còn được mở rộng và hiệu quả hơn giúp con người giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề trong thời buổi công nghệ số.
Bài viết trên là những phân tích của chúng tôi về khái niệm, phương thức hoạt động cũng như những ứng dụng của Blockchain, hi vọng sẽ đem đến cho bạn cái nhìn tổng quan hơn về khái niệm toàn cầu này.
Xem các bài liên quan khác |
Top 15 tiền điện tử đáng mua bán đầu tư nhất năm 2023 theo cryptocurrency market cap
Nên đầu tư tiền ảo nào? Top 10+ những đồng tiền ảo tiềm năng nhất trong năm 2023
ERC20 là gì? TRC20 là gì? Tính an toàn và sự khác biệt giữa ERC20 và TRC20
Bitcoin(BTC) là gì? Top 5 trò Bitcoin lừa đảo & Thông tin tiền ảo Bitcoin cần biết
Cách xem biểu đồ giá Bitcoin(BTCUSD) Năm 2023 - Biết xem biểu đồ Bitcoin là bí mật đầu tư Bitcoin?
Chơi Bitcoin cần bao nhiêu tiền? So sánh phí giao dịch Bitcoin, Ethereum
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.