Cổ phiếu Midcap là một trong những thuật ngữ cơ bản nhất khi tiến hành đầu tư chứng khoán nói chung. Nhiều chuyên gia cho rằng nên dồn tỷ trọng nhất định cho cổ phiếu Midcap trong danh mục, thậm chí nhiều hơn cả nhóm Large Cap. Tại sao lại như vậy? Bài viết sau của chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ nhận định trên.
1. Tìm hiểu về dòng cổ phiếu Midcap
Trước khi tìm hiểu về Midcap, nhà đầu tư cần hiểu rõ được khái niệm về tỷ lệ vốn hóa (market cap). Bản chất của tỷ lệ vốn hóa là tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành của công ty, nghĩa là số tiền cần bỏ ra để mua tất cả cổ phiếu của công ty ở mức thị giá hiện tại (giá × khối lượng). Vốn hóa sẽ cho nhà đầu tư cái nhìn khái quát về quy mô, mức ảnh hưởng và vị thế của công ty trên thị trường. Một công ty có vốn hóa lớn thường có vị thế và mức độ ảnh hưởng lớn nhất định lên ngành và chỉ số nói chung.
Midcap là thuật ngữ để chỉ về các cổ phiếu của công ty có quy mô tầm trung. Chẳng hạn ở Mỹ, dòng midcap thường có vốn hóa từ 2 tỷ USD đến 10 tỷ USD. Ở Việt Nam, các công ty thuộc Midcap thường có vốn hóa trung bình lớn hơn 1 nghìn tỷ đồng và nhỏ hơn 10 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, đây chỉ là định nghĩa tương đối khi nhiều cổ phiếu trong rổ VNMID cũng có vốn hóa ở mức lớn hơn (rổ VNMID bao gồm 70 công ty có quy mô trung bình đứng sau 30 công ty có vốn hóa lớn nhất). Đặc điểm chung của các công ty trong nhóm Midcap là đã đi vào hoạt động được nhiều năm, tình hình tài chính khá tốt, tầm ảnh hưởng tương đối cao trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh và điều quan trọng là vẫn còn dư địa để phát triển trong tương lai.
2. Ưu nhược điểm khi đầu tư vào Midcap
Cổ phiếu Midcap là nhóm cổ phiếu nằm ở giữa về quy mô vốn hóa, với quy mô nhỏ hơn nhóm vốn hóa lớn (Large Cap) và lớn hơn nhóm vốn hóa nhỏ (Small Cap, Penny). Do đó, nó sẽ có cả ưu và nhược điểm của cả hai nhóm cổ phiếu Large và Small Cap.
☀️ Đối với ưu điểm:
Lợi thế lớn nhất của các công ty Midcap là tiềm năng tăng trưởng của nó được đánh giá tốt hơn nhóm Large Cap và Small Cap. Nhóm Large Cap thường là các công ty rất lớn, đã trải qua nhiều chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nên dư địa tăng giá thường không còn nhiều. Ngược lại, nhóm Small Cap là các công ty nhỏ nên thường chứa đựng nhiều rủi ro trong các hoạt động kinh doanh hơn. Nhóm Midcap sẽ kết hợp cả hai đặc tính của hai nhóm trên khi vừa có dư địa tăng trưởng cao hơn và có độ an toàn nhất định. Các nhà đầu tư thường tìm đến cổ phiếu Midcap vì kết hợp cân bằng được kỳ vọng về lợi tức cũng như rủi ro để đa dạng hóa danh mục.
☀️ Đối với nhược điểm:
Cổ phiếu Midcap cũng ẩn chứa nhiều hạn chế về khả năng bị “làm giá” do các tổ chức, “cá mập” trên thị trường do có thanh khoản nhỏ hơn cổ phiếu Large Cap. Ngoài ra, mức độ biến động của cổ phiếu Midcap cũng tương đối lớn, đặc biệt trong giai đoạn thị trường gặp phải các cú sốc như khủng hoảng tài chính, các sự kiện tiêu cực xảy ra.
3. Phân tích biến động nhóm cổ phiếu Midcap trên thế giới
Theo nghiên cứu vào năm 1992 của Eugene Fama và Kenneth French (những người từng đạt giải Nobel kinh tế và được coi là cha đẻ của tài chính hiện đại) về hiệu suất đầu tư cổ phiếu trong giai đoạn 1926 – 1992, các cổ phiếu Small cap và Midcap có lợi tức đầu tư tốt hơn nhóm Large cap trong dài hạn. Kết luận này vẫn còn đúng nếu kéo dài chuỗi thời gian đến giai đoạn gần đây. Theo nghiên cứu của Wespath, từ năm 1926-2018, lợi tức trung bình hàng năm của nhóm Midcap là lớn nhất, đạt mức 11,9%/năm so với con số của Large cap và Small cap lần lượt là 9,7% và 11,6%. Dĩ nhiên, rủi ro của nhóm Midcap cũng nằm ở giữa hai nhóm, đạt mức 26,2% so với 17,9% của Large Cap và 30,8% của Small Cap. Nếu xét theo tỷ lệ Sharpe Ratio – thước đo lợi nhuận trên một đơn vị rủi ro, tỷ lệ này tương đương ở cả Midcap và Large Cap (đều đạt 0,43).
Để xem xét hiệu suất của nhóm Midcap tại Mỹ, có thể lấy đại diện 3 chỉ số là S&P 500 Index (đại diện cho Large Cap), S&P Midcap 400 Index (đại diện cho Midcap) và Russell 2000 Index (đại diện cho Small Cap).
Về dài hạn, nhóm Midcap cho hiệu suất khá ổn khi chỉ số S&P Midcap 400 Index đánh bại cả hai chỉ số còn lại trong khoảng thời gian từ 199-2023, thậm chí với mức gấp đôi so với nhóm Large cap. Điều đặc biệt là chỉ số đại diện cho Midcap vận động khá ổn ngay cả trong thời kỳ biến động như khủng hoảng tài chính (2008) và giai đoạn dịch Covid-19 (2020).
Biểu đồ: Diễn biến chỉ số S&P 500 Index, Russell 2000 Index và S&P Midcap 400 Index – Nguồn: Bloomberg
Nếu xét theo dữ liệu lịch sử, khoảng thời gian tốt nhất để đầu tư vào chỉ số S&P Midcap 400 Index là khoảng 3-4 tháng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và nắm giữ trong vòng 1-3 năm. Nếu đầu tư quá sớm khi giá đang ở mức cao, nhà đầu tư có thể gặp phải tình trạng cắt lỗ sớm hoặc “kẹp hàng”, trong khi đầu tư quá muộn có thể lỡ mất cơ hội do thị trường có thể đảo chiều rất nhanh.
4. Nhóm cổ phiếu Midcap tại Việt Nam
Giống như Mỹ, tại Việt Nam cũng có một số chỉ số để đại diện cho các nhóm cổ phiếu theo mức độ vốn hóa là: VN30 (đại diện cho nhóm Large Cap), VNMidcap (đại diện cho nhóm Midcap) và VNSML (đại diện cho nhóm Small Cap). Các chỉ số này đều được tính toán dựa trên giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh theo free-float và sẽ được thay đổi điều chỉnh định kỳ dựa trên một số tiêu chí nhất định. Mặc dù vậy, có sự chênh lệch rất lớn về mặt vốn hóa giữa các chỉ số khi hiện nay, tổng vốn hóa của nhóm VN30 lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng (gấp hơn 4 lần vốn hóa nhóm VNMidcap và 15 lần nhóm VNSML).
Biểu đồ: Diễn biến các chỉ số VN30, VNMidcap, VNSML tại Việt Nam trong 10 năm qua – Nguồn: Refinitiv
Trong 10 năm qua, 3 chỉ số trên cơ bản có xu hướng tương quan thuận chiều với nhau, mặc dù mức độ biến động là tương đối khác biệt. Xét về tiêu chí lợi nhuận, nhóm chỉ số VNMidcap cho hiệu suất tốt nhất với mức tăng 192%, trong khi xếp tiếp theo lần lượt là VNSML (tăng 125%) và VN30 (tăng 86%). Tính trung bình hàng năm, nhóm Midcap cho tỷ suất hàng năm bình quân là khoảng 11%/năm, trong khi hai nhóm Small Cap và Large Cap thấp hơn ở mức khoảng 8,5%/năm và 6,4%/năm. Điều này cho thấy về mặt lợi nhuận, dòng Midcap có xu hướng thể hiện tốt hơn so với các nhóm còn lại.
Xét về mức độ biến động, nhóm Midcap có xu hướng rủi ro cao hơn với độ lệch chuẩn cao nhất (404 điểm), tiếp theo là nhóm Small Cap (371 điểm) và Large Cap (279 điểm). Mặc dù vậy, nếu tính theo tỷ lệ Sharpe Ratio, nhóm Midcap cho tỷ lệ cao nhất (0,47) so với mức 0,34 của Small Cap và 0,31 của Large Cap.
Hiện tại, danh sách các cổ phiếu Midcap tại Việt Nam được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) liệt kê trong rổ cổ phiếu VNMID.
Trong danh sách, có thể thấy một số cái tên phổ biến, quen thuộc như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (mã EIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (mã LPB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (mã MSB), Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (mã VND), Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (Mã SBT), …
Chẳng hạn, SBT là một cổ phiếu được phát hành bởi Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa. Đây là doanh nghiệp đầu ngành trong ngành mía đường với thị phần khoảng gần 50% thị phần tại Việt Nam. Công ty hiện đang có vốn điều lệ khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng và giá trị vốn hóa khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Tiềm năng tăng trưởng của công ty được đánh giá cao do vị thế đầu ngành cũng như đội ngũ ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm.
Hay mã HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen là một cổ phiếu quen thuộc trong ngành sản xuất tôn thép, thép mạ kẽm, hợp kim nhôm kẽm tại Việt Nam. Công ty hiện có vốn điều lệ khoảng 6,1 nghìn tỷ đồng và giá trị vốn hóa rơi vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Công ty được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tích cực trong tương lai khi nắm giữ vị thế quan trọng trong thị trường thép tại Việt Nam và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
5. Một số khuyến nghị khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu Midcap
Giống như khi bỏ vốn đầu tư vào bất kì dự án hay tài sản tài chính nào, nhà đầu tư khi đầu tư vào nhóm Midcap cũng cần lưu ý đến một số điểm như sau:
֎ Tiến hành nghiên cứu và thẩm định kĩ lưỡng về cổ phiếu:
Việc tiến hành phân tích cẩn thận báo cáo tài chính, đánh giá đối thủ cạnh tranh, vị thế trên thị trường, đội ngũ ban lãnh đạo cũng như triển vọng của công ty trong tương lai là điều tiên quyết trước khi lựa chọn mua cổ phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần hiểu được những rủi ro xung quanh cũng như chất xúc tác cho việc tăng trưởng của cổ phiếu để nắm bắt những cơ hội đầu tư chính xác. Với đặc thù của nhóm Midcap là cân bằng giữa tiềm năng tăng trưởng và rủi ro, việc tiến hành nghiên cứu kĩ lưỡng cổ phiếu cũng cần được ưu tiên bởi mức độ biến động trở nên cao hơn so với nhóm công ty lớn hơn.
֎ Có quan điểm đầu tư dài hạn về ngành:
Mặc dù các công ty trong nhóm Midcap có thể có tiềm năng tăng trưởng lớn song cũng có thể trải qua giai đoạn hoạt động kém hiệu quả hoặc rơi vào các giai đoạn ngành đi xuống theo chu kỳ. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét triển vọng tăng trưởng, các xu hướng kinh tế vĩ mô lớn, bối cảnh cạnh tranh, vấn đề pháp lý hay bất kì xu hướng mới nổi nào có thể ảnh hưởng triển vọng công ty. Chẳng hạn, ngành thép xây dựng hay dân dụng sẽ có xu hướng hoạt động kém hơn với chu kỳ bất động sản trầm lắng hay khủng hoảng kinh tế khiến giá thép đi xuống. Đây là lưu ý quan trọng nếu nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu dòng Midcap thép như NKG hay HSG.
֎ Tiến hành quản lý rủi ro:
Nhận thức được sự biến động và rủi ro cao hơn của các cổ phiếu Midcap so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư nên đặt mục tiêu đầu tư rõ ràng, mức độ chấp nhận rủi ro cũng như sử dụng các công cụ như hạn mức dừng lỗ để bảo vệ tài khoản. Ngoài ra, đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng là cách hiệu quả để quản lý vốn, giảm bớt rủi ro khi thị trường không diễn ra như dự kiến.
- Luôn cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, các tin tức về ngành, công ty có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu. Thường xuyên xem xét luận điểm đầu tư và điều chỉnh danh mục nếu có các thông tin mới hay điều kiện thị trường thay đổi.
Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade
6. Tổng kết
Midcap là tên gọi chung của nhóm cổ phiếu của các công ty có vốn hóa ở mức trung bình, với đặc điểm chung là có tình hình tài chính vững mạnh, lịch sử hình thành nhất định và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Về cơ bản, các cổ phiếu trong dòng Midcap sẽ có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cũng như mức rủi ro cân bằng hơn so với nhóm Large Cap hay Small Cap.
Dữ liệu lịch sử tại thị trường chứng khoán Mỹ cũng như Việt Nam cho thấy dòng Midcap cho mức lợi tức khá tốt so với rủi ro mang lại, phản ánh qua chỉ số Sharpe Ratio cao nhất trong ba nhóm cổ phiếu với 3 mức vốn hóa lớn, trung bình, nhỏ. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc phân bổ tỷ trọng vào dòng Midcap so với 2 nhóm còn lại, đặc biệt trong các giai đoạn xu hướng điều kiện thị trường thuận lợi.
Khi đầu tư vào nhóm Midcap, nhà đầu tư nên lưu ý tiến hành nghiên cứu, thẩm định kĩ cổ phiếu; có quan điểm dài hạn về chu kỳ ngành; tiến hành quản lý rủi ro danh mục và luôn cập nhật tin tức, diễn biến thị trường có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu.
Ngoài Midcap ra, nhà đầu tư có thể đầu tư vào các dòng cổ phiếu nào khác không?
Cổ phiếu của nhóm Midcap có an toàn không?
Nhà đầu tư có thể đầu tư vào chỉ số Midcap thông qua đâu?
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.