FUD là hội chứng tâm lý đáng sợ đối với các nhà đầu tư, chúng ta đã từng chứng kiến những đợt FUD khiến thị trường điêu đứng và các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo tài sản của mình để rồi khi chứng kiến sự tăng giá của tài sản sau đó trong tiếc nuối và vô tình trở thành những người bán đáy.
Trong bối cảnh thị trường tiền điện tử, FUD đề cập đến việc lan truyền thông tin hoặc tin đồn tiêu cực với mục đích tạo ra cảm giác sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ giữa các nhà đầu tư. Mục tiêu thường là thao túng tâm lý thị trường và đẩy giá của các loại tiền điện tử.
Vậy hội chứng FUD là gì? Nguyên nghân và các vận hành tạo FUD ra sao? Cách chúng ta ứng phó với các đợt FUD của thị trường như thế nào? Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng giải quyết các vấn đề này.
1. FUD là gì? FUD trong Crypto là gì?
FUD là từ viết tắt dựa trên chữ cái đầu của cụm 3 từ “Fear - Uncertainty - Doubt”, có nghĩa là “Sợ hãi - Không chắc chắn - Nghi ngờ”. Khái niệm FUD tồn tại trong mọi lĩnh vực bao gồm cả thị trường tài chính nói chung và tiền điện tử (Crypto) nói riêng.
Nó được sử dụng khi bất kỳ ai đó, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó, đưa ra những quan điểm trái chiều, qua đó tạo tâm lý sợ hãi, nghi ngờ cho chính những người đang tham gia trong lĩnh vực đó. Hệ quả là họ có thể sẽ từ bỏ khoản đầu tư đó hoặc có những hành động đi ngược lại ở kế hoạch đã tính toán ban đầu.
Trong lĩnh vực tiền điện tử nói riêng, không khó để bắt gặp FUD. Dự án Tether (USDT) là điển hình về nạn nhân của các FUD như vậy.
Việc Tether thường xuyên phát hành một lượng lớn USDT khiến một bộ phận cộng đồng nghi ngờ rằng họ không có đủ tài sản dự trữ đối ứng với số lượng USDT đã phát hành đó. Không dừng lại ở đó, một số nguồn tin còn cho rằng Tether đang nắm giữ các tài sản có tính rủi ro cao, có thời điểm bao gồm cả cổ phiếu của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande. Việc nắm giữ các tài sản rủi ro như vậy khiến công ty khó có khả năng quy đổi nhanh ra tiền fiat để hoàn trả lại cho nhà đầu tư tương ứng với lượng USDT họ nắm giữ.
2. Hội chứng FUD được sử dụng để lừa đảo?
Trên thực tế, FUD đánh vào tâm lý của những người không có kiến thức, tâm lý chắc chắn về một lĩnh vực nào đó. Trong một số trường hợp, một người (hoặc nhóm người) cố tình tung các tin tức dưới dạng FUD để tác động đến tâm lý của đám đông, đánh lừa cảm xúc của họ để đạt được một mục đích nào đó.
Lấy ví dụ, hồi tháng 12/2023, một trang tin tức lớn trong lĩnh vực Crypto, Cointelegraph, đã phát đi thông báo về việc SEC Hoa Kỳ đã chính thức phê duyệt và thông qua Bitcoin Spot ETF. Ngay sau tin tức này, giá Bitcoin (BTC) đã vọt tăng lên trên mốc 30,000 USD. Động thái tăng giá đột biến này đã khiến nhiều người đang mở các vị thế short bị thanh lý, gây thiệt hại hơn 103 triệu USD. Mặc dù sau đó Cointelegraph đã lên tiếng đính chính về lỗi trong việc đưa thông tin nhưng không loại trừ đây là một kế hoạch có chủ đích nhằm đánh giá phản ứng của các nhà đầu tư thời điểm đó khi mà tâm lý ngóng trông về việc ra mắt Bitcoin ETF đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc đưa ra các FUD không có nghĩa là người ta muốn sử dụng nó để lừa đảo. Lấy ví dụ, trong bối cảnh cộng đồng đang kỳ vọng rất nhiều vào tiềm năng của Bitcoin thì nhà đầu tư nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, Warren Buffett, lại không quan tâm đến việc sở hữu Bitcoin vì nó không hữu hình và không tạo ra bất cứ thứ gì. Có thể đây chỉ là quan điểm cá nhân của ông Warren Buffett nhưng nó lại vô tình khiến cho người khác lo sợ về khoản đầu tư của họ.
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng FUD là gì?
Quay trở lại phần khái niệm mà chúng ta nhắc đến ở trên, có thể thấy FUD thường đánh vào tâm lý của đám đông. Họ là những người không/chưa có hiểu biết chắc chắn về một lĩnh vực nào đó. Không những thế, họ cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Do vậy, mỗi khi có một thông tin FUD nào đó được lan truyền, chính bản thân họ cũng tự đặt ra những nghi ngờ cho các quyết định, niềm tin trước đó của mình.
Chỉ khi bạn là một nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm và trải nghiệm, bạn có thể dễ dàng phân biệt được đâu là các tin tức FUD, đâu là các tin tức đáng quan tâm.
Lấy ví dụ, Chủ tịch của MicroStrategy, Michael Saylor, là một người luôn tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của Bitcoin. Do đó, ông luôn xây dựng các chiến lược tích lũy từng thời kỳ và tuân theo nó. Trong thời gian đó, ngay cả những tin tức xấu như việc khai thác Bitcoin gây tổn hại đến môi trường khiến giá BTC bị ảnh hưởng… cũng không làm thay đổi góc nhìn của ông về loại tài sản này.
4. Những thị trường dễ xuất hiện hội chứng FUD?
Như đã chia sẻ ở trên, có thể nói tất cả mọi thị trường đều có thể xuất hiện các tin tức FUD. Tuy nhiên, dựa trên đặc thù của nó, có vẻ như các thị trường với mức độ biến động lớn như Crypto hay Forex là những nơi tồn tại nhiều FUD nhất.
Lý giải cho điều này có thể đến từ vấn đề lợi nhuận. Chỉ cần một tin tức FUD được đưa ra, đặc biệt là đến từ một KOL hoặc trang thông tin với lượng người theo dõi đông đảo trên toàn cầu, nó có thể khiến giá của một đồng coin tăng giảm mạnh đến hàng chục phần trăm chỉ trong vài phút.
5. Các biểu hiện khi mắc hội chứng FUD là gì?
Vấn đề của FUD nằm ở yếu tố tâm lý. Không ai có thể khẳng định được việc có thể loại bỏ hoàn toàn hội chứng FUD trong quá trình đầu tư bất kỳ loại tài sản nào. Tuy nhiên, một vài gợi ý dưới đây có thể sẽ giúp bạn chiến thắng tâm lý FUD.
Đầu tiên, bạn cần phải có niềm tin dài hạn vào thị trường cũng như loại tài sản mà bạn dự định đầu tư. Lấy ví dụ, nếu bạn tin Bitcoin có thể trở thành một loại tài sản thay thế khác trên thế giới này, hãy luôn giữ vững niềm tin vào nó. Có thể trong ngắn hạn, Bitcoin sẽ bị những tin tức “vùi dập”, ngăn cản sự phổ biến và ứng dụng rộng rãi nhưng nếu bạn có một niềm tin dài hạn bạn sẽ thấy những FUD đó hoàn toàn không đáng để tâm.
Tiếp đến, bạn cần phải học thói quen xác thực thông tin trước khi hành động. Không phải mọi tin tức xuất hiện đều là FUD. Do đó, bạn cần phải học cách xác định đâu là tin tức chính xác, đâu là FUD. Bạn có thể làm điều này bằng cách cập nhật từ chính bản thân cá dự án, các nguồn tin tức lớn và nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải xác thực chéo giữa các nguồn thông tin để đảm bảo bạn không bị họ “dắt mũi”.
Ngoài ra, bạn cần phải có một chiến lược đầu tư và nhất quán tuân theo nó. Lấy ví dụ, nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn, bạn có thể sử dụng chiến lược DCA để mua tài sản với mức giá thấp mỗi khi có các tin tức FUD.
Cuối cùng, luôn có kế hoạch chốt lời rõ ràng. Nếu như khoản đầu tư của bạn sinh lời, hãy nghĩ đến chuyện chuyển đổi nó ra fiat và chờ đợi mua lại ở mức giá thấp hơn. Điều này đảm bảo rằng ngay cả khi có các tin tức FUD được lan truyền, bạn vẫn luôn là người chủ động trong việc ứng phó với nó.
Sự khác biệt giữa FUD và FOMO
Tiêu chí | FUD | FOMO |
Giống nhau | ||
- Đều là các giai đoạn tâm lý của các nhà đầu tư trong thị trường. - Đằng sau FUD hay FOMO sẽ đều thôi thúc các nhà đầu tư thực hiện một hành động nào đó. - Hệ quả của FUD và FOMO thường sẽ là xấu như bán tháo với giá thấp hoặc mua vào với giá cao… - Đối tượng nhắm đến là đám đông những người không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó. | ||
Khác nhau | ||
Đối tượng | - Thường đến từ những nhà tạo lập thị trường (MM), KOL hoặc những người nổi tiếng. | - Thường là các nhà giao dịch nhỏ lẻ, những người không có chuyên môn nhất định. |
Hành vi | - Tạo ra các thông tin gây sốc để thôi thúc đám đông thực hiện hành động giao dịch (mua/bán). | - Dựa trên các luồng thông tin nhận được, đám đông sẽ đổ xô vào và cùng thực hiện một hành động (thường là mua). |
6. Lời kết
Khi bạn tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào, bao gồm cả tiền điện tử, bạn cần đề phòng FUD. Đó là một làn sóng thông tin và thường là tin đồn tiêu cực có thể làm bạn sao nhãng lý trí, đánh lừa cảm xúc của bạn, khiến bạn dễ dàng đưa ra các quyết định sai.
FUD thường xuất phát từ thông tin sai lệch được lan truyền bởi những người có tầm ảnh hưởng hoặc các tổ chức lớn. Để bảo vệ mình, bạn cần phải biết cách chọn lọc và phân biệt FUD; chủ động kiểm tra các nguồn thông tin cũng như tránh các phản ứng thái quá trước các thông tin đón nhận được.
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.