Hiệu ứng đám đông là gì? Làm thế nào để không trở thành nạn nhân của hiệu ứng đám đông trong đầu tư?
Hiệu ứng đám đông (Informational Social Influence) là một thuật ngữ dùng để nói về một hiện tượng tâm lý xã hội. Trong đó, hành vi của một cá nhân hoặc một nhóm người bị ảnh hưởng bởi hành vi của những người khác. Hiệu ứng này có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu sâu hơn về tác động của hiệu ứng đám đông trong lĩnh vực đầu tư. Tại sao con người lại dễ dàng bị ảnh hưởng bởi quyết định tập thể? Làm thế nào để tránh rơi vào tình trạng này và đưa ra quyết định một cách đúng đắn dựa trên thông tin rõ ràng và phân tích chính xác? Mọi vấn đề sẽ được giải thích qua bài viết này.
1. Hiệu ứng đám đông là gì?
☀️ Giới thiệu về khái niệm "hiệu ứng đám đông" trong lĩnh vực đầu tư
“Hiệu ứng đám đông” mô tả việc một người bị tác động mạnh mẽ bởi quyết định của đám đông thay vì dựa trên thông tin khách quan và phân tích của cá nhân.Ví dụ khi bạn đang phân vân không biết nên lựa chọn sản phẩm A hay sản phẩm B. Bỗng nhiên bạn nhìn thấy những người xung quanh bạn đang lựa chọn sản phẩm B, ngay lập tức bạn sẽ đưa ra quyết định tương tự như số đông. Bởi lúc đó bạn có xu hướng tin tưởng vào nhóm người này.
Một nhà đầu tư chịu tác động bởi hiệu ứng đám đông thường ra quyết định đầu tư tương tự như những người khác. Hiệu ứng này nếu tiếp tục phát triển không kiểm soát sẽ tạo ra bong bóng tài sản hoặc sự sụp đổ của thị trường do các hoạt động mua và bán trong hoảng loạn.
☀️ Bản chất hiệu ứng đám đông
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý xã hội không chỉ tồn tại trong đầu tư mà còn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác. Trên thực tế, rất nhiều người đưa ra quyết định dựa theo lập luận của người khác thay vì các phân tích cá nhân. Điều này bắt nguồn từ bản chất tâm lý của con người luôn cảm thấy an toàn khi đi theo số đông. Ngoài ra, sự lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội hoặc bị cách biệt khỏi tập thể cũng có thể thúc đẩy hiệu ứng này, dẫn đến việc quyết định dựa trên nỗi sợ hãi thay vì phân tích khách quan.
Hiệu ứng này vô tình làm hạn chế khả năng tư duy, khi con người bị mắc kẹt trong một hình mẫu suy nghĩ chung mà không tìm kiếm dữ liệu mới hoặc đưa ra quan điểm độc lập. Để hiểu rõ hơn về hiệu ứng đám đông, chúng ta cần tìm hiểu tại sao con người dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông và làm thế nào để tránh bị cuốn vào các quyết định tập thể một cách mù quáng.
Bằng cách cân nhắc cẩn thận thông tin, thực hiện nghiên cứu và duy trì khả năng đánh giá độc lập, chúng ta có thể đối phó với hiệu ứng đám đông và ra quyết định theo hướng khách quan và lý trí hơn.
2. Yếu tố thúc đẩy hiệu ứng đám đông
֎ Thiếu kiến thức và sự tự tin
Sự thiếu hụt kiến thức về tài chính và đầu tư có thể làm cho các nhà đầu tư dễ dàng bị lôi kéo vào quyết định đám đông. Họ thiếu đi năng lực nhìn nhận rủi ro và kiếm lời một cách hiệu quả nên có xu hướng tuân theo hành động của những người khác trên thị trường.
Ngay cả khi có một lượng kiến thức nhất định, sự thiếu tự tin trong phân tích và lập kế hoạch cũng có thể khiến con người dễ dàng bị cuốn vào hiệu ứng đám đông. Họ cảm thấy rằng việc làm theo quyết định phổ biến sẽ giúp họ tránh rủi ro và sai lầm.
֎ Sự an toàn về tinh thần
Tâm lý con người thường có xu hướng cảm thấy an toàn hơn khi hành động cùng với tập thể. Sự đông đảo trong quyết định đầu tư có thể tạo cảm giác an toàn và chắc chắn, dẫn đến hành động giống nhau.
Thực tế là ngay cả khi nghe theo đám đông và mắc sai lầm, con người thường cảm thấy không cô đơn trong việc thất bại. Sự thất bại chung cảm giác nhẹ nhàng và dễ chấp nhận hơn so với việc thất bại khi hành động đơn độc. Sự an toàn về tinh thần khi nghe theo đám đông khiến con người mất đi động lực tự nghiên cứu và đưa ra quyết định. Thay vì phải tự nghiên cứu và lựa chọn, một người có thể dựa vào quyết định chung của đám đông để tránh việc suy nghĩ quá nhiều.
֎ Áp lực từ đám đông
Áp lực từ đám đông có thể là rất lớn, khiến một cá nhân có suy nghĩ độc lập và đầy đủ kiến thức cũng phải lung lay. Khi quá nhiều người cùng hành động giống nhau, đây có thể được coi là minh chứng cho thấy quyết định này là chính xác, đáng tin cậy.
Mạng xã hội và phương tiện truyền thông cũng là yếu tố thiết yếu khiến thông tin được lan truyền nhanh hơn và từ đó hỗ trợ tạo ra hiệu ứng đám đông. Các thông tin truyền tải qua mạng xã hội và phương tiện truyền thông thường có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý con người, thôi thúc họ hành động nhanh hơn và đây chính là lý do khiến “đám đông” ngày một lớn hơn.
֎ Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO)
Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội là một tình trạng tâm lý khi con người lo sợ bỏ lỡ một cơ hội quan trọng, thường là một cơ hội có tiềm năng lợi nhuận lớn. Trong đầu tư, tâm lý này có thể thúc đẩy và tương tác với hiệu ứng đám đông, gây ra những quyết định không cân nhắc và phi logic.
Khi cơ hội xuất hiện, cảm xúc của con người thường trở nên mạnh mẽ và mang tính áp đặt. Họ muốn tham gia thật nhanh để không bị lỡ mất cơ hội, thậm chí không qua đánh giá rủi ro thực sự. Trong trường hợp này, đám đông chính là nơi để nhà đầu tư dựa vào và tạo ra lý do cho hành động của mình.
Theo sát hơn 400 thị trường tài chính trên sàn Mitrade
3. Lợi ích của hiệu ứng đám đông
Xét trên một vài khía cạnh, hiệu ứng đám đông đang mang lại một số lợi ích cho giá trị tài sản, cũng như thị trường nói chung.
⭐️ Gia tăng thanh khoản
Hiệu ứng đám đông có thể thu hút thêm nhiều người tham gia thị trường, làm cho thanh khoản dồi dào, từ đó khiến việc trao đổi tài sản trở nên thuận tiện hơn. Môi trường giao dịch sôi động luôn là yếu tố được đề cao bởi các nhà đầu tư do đây như một điểm cộng về mức độ uy tín của tài sản đó. Điều này có nghĩa là thị trường có thanh khoản càng cao, nó sẽ càng được coi là chất lượng và lại tiếp tục thu hút thêm cung cầu.
⭐️ Giúp giá trị tài sản tăng trưởng mạnh
Khi một tài sản hoặc loại hình đầu tư nhận được sự quan tâm từ nhiều người, giá trị của nó có thể tăng lên rất nhanh do ai cũng muốn tham gia vào thị trường để nắm lấy cơ hội nhanh nhất có thể. Khi nhu cầu cao hơn nguồn cung, giá trị của tài sản đó có thể tăng đến mức chóng mặt và giúp những người nắm giữ thu được lợi nhuận lớn.
Trong môi trường kinh doanh, sự gia tăng của nhu cầu thường sẽ dẫn tới nguồn cung cũng sẽ tăng lên theo, từ đó góp phần xây dựng sự phát triển chung cho toàn ngành kinh tế đó.
⭐️ Thu hút sự tham gia của người mới
Tâm lý thông thường của con người đó là chạy theo đám đông do điều này luôn tạo ra giác an toàn hơn là tự hành động theo ý mình. Đối với những cá nhân mới gia nhập thị trường, việc chú ý và quyết định đầu tư vào những loại tài sản được nhiều người nhắc tới cũng là điều dễ hiểu. Khi một loại tài sản thu hút được nhiều sự quan tâm và trở nên phổ biến, không chỉ những người trong thị trường mà cả người mới cũng muốn được tiếp cận với nó.
4. Rủi ro của hiệu ứng đám đông
Việc thị trường chạy theo đám đông tạo ra nhiều loại rủi ro khác nhau. Bản chất là đám đông càng lớn thì rủi ro đối với những người tham gia sau càng nhiều.
۞ Tăng rủi ro mang tính hệ thống
Khi nhiều người tham gia vào cùng một loại hình đầu tư hoặc tài sản, nó có thể dẫn đến tình trạng quá mức tập trung và từ đó làm tăng rủi ro hệ thống. Nếu thị trường hoặc ngành kinh tế đó chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ, sự tập trung này có thể tạo ra hiệu ứng domino và gây ảnh hưởng lớn đến nhiều người tham gia thị trường.
۞ Rủi ro đảo chiều
Bản chất của thị trường là có lên thì sẽ có xuống và có giảm thì sẽ có tăng. Nếu giá trị của tài sản tăng quá nhanh thì đó là sự tăng trưởng không bền vững và càng gia tăng nguy cơ sụp đổ nhanh chóng.
Thực tế là sự đảo chiều có thể xảy đến bất ngờ. Khi thị trường rơi vào trạng thái bão hòa và không còn bất kỳ lý do gì để thúc đẩy giá tiếp tục tăng, những người có được lợi nhuận lớn sẽ muốn chốt lời, từ đó tạo ra xu hướng bán tháo và cuối cùng là đảo chiều hoàn toàn của thị trường. Đây là hoàn cảnh cực kỳ tiêu cực cho những nhà đầu tư đã gia nhập muộn và mua ở giá cao.
۞ Thiếu sự đa dạng hóa
Bản chất của một không gian tài chính lành mạnh cần có nhiều loại hình đầu tư và tài sản để những người tham gia tự do lựa chọn và làm phong phú danh mục của mình. Đây là việc làm cũng giúp bảo vệ cho chính nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiệu ứng đám đông lại khiến một bộ phận đông những người tham gia thị trường có cùng sự lựa chọn, tức là giảm đi sự đa dạng của toàn bộ thị trường.
۞ Dễ trở thành công cụ để thao túng thị trường
Thực tế là hiệu ứng đám đông thường xuyên trở thành công cụ để thao túng thị trường do khả năng thu hút sự tập trung của nhiều người vào một tài sản hoặc cơ hội đầu tư. Đây chính là cách các nhà đầu tư “cá mập” thường sử dụng để kiếm tiền từ những đối tượng non kinh nghiệm và ít kiến thức đầu tư.
Sau khi mua được tài sản ở giá thấp, những nhà đầu tư “cá mập” có thể sử dụng nhiều cách để tạo ra nhu cầu giả và thúc đẩy sự tăng giá trị tạm thời. Hiệu ứng đám đông được tạo ra sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới hoặc những người sợ bỏ lỡ cơ hội. Khi giá tiếp tục được đẩy lên cao, họ sẽ dần bán ra các tài sản này để thu lời và đến cuối chu kỳ, khi không còn được hỗ trợ thanh khoản bởi những nhà đầu tư lớn, tài sản đó sẽ giảm giá mạnh và gây tổn hại lớn cho các đối tượng mua với giá cao.
Kỹ thuật này gây ra sự hỗn loạn, làm sai lệch giá trị thực sự của tài sản và tổn thất lớn cho những nhà đầu tư chân chính.
5. Ví dụ về hậu quả của hiệu ứng đám đông trên thị trường tài chính
Hiệu ứng đám đông thực tế xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày theo quy mô từ nhỏ tới lớn. Thế giới tài chính cũng đã chứng kiến nhiều sự kiện bong bóng hoặc hoảng loạn trên thị trường xuất phát từ hiệu ứng tâm lý này.
5.1 Bong bóng dot-com tại Mỹ
Vào những năm cuối thế kỷ 20 và đầu những năm 2000, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận một ví dụ rõ ràng về bong bóng tài sản xuất phát từ hiệu ứng đám đông - đó là sự bùng nổ của các cổ phiếu liên quan tới Internet, còn được gọi là "bong bóng dot-com".
Sự xuất hiện của Internet và công nghệ mới: Vào những năm 1990, công nghệ kết nối Internet bắt đầu xuất hiện và phát triển như vũ bão. Những công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ liên tục xuất hiện và được quan tâm đặc biệt bởi các nhà đầu tư.
Tâm lý đám đông và hiệu ứng FOMO: Sự cải tiến không ngừng của công nghệ và tiềm năng tăng trưởng lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã gây ra tâm lý FOMO trên thị trường, từ đó lôi kéo số lượng lớn nhà đầu tư mới và nhanh chóng khiến giá của các cổ phiếu công nghệ tăng mạnh do cầu vượt quá cung.
Sự tăng giá phi logic: Hiệu ứng đám đông đã khiến cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ tăng giá chóng mặt, thậm chí vượt quá nhiều lần giá trị thực tế của doanh nghiệp. Các công ty khởi nghiệp chưa có nhiều doanh thu hoặc thậm chí đang thua lỗ vẫn được định giá vô cùng cao.
Cổ phiếu Amazon (AMZN.US) đã tăng 100 lần chỉ trong một vài năm nhưng sau đó lại mất đi 95% giá trị từ đỉnh năm 2000 (Nguồn: Tradingview)
Bong bóng phát nổ: Khi nhiều người nhận ra rằng giá cổ phiếu đã quá đắt đỏ so với giá trị thực sự, họ đã bắt đầu bán ra để chốt lời và khiến bong bóng phát nổ. Cổ phiếu các công ty Internet lúc đó chứng kiến giá cổ phiếu rơi không phanh, có thể mất tới 99% giá trị chỉ qua một thời gian ngắn. Diễn biến này đã khiến nhiều công ty phải nộp đơn phá sản, trong khi nhiều nhà đầu tư phải gánh chịu các khoản thua lỗ nặng nề.
Chỉ số NASDAQ đã tăng 4 lần trong bong bóng dot-com và sau đó giảm 70% từ đỉnh (Nguồn: Tradingview)
►► Vậy, nguyên nhân gây ra bong bóng dot-com là gì?
Đám đông nhà đầu tư đều mong chờ công nghệ Internet sẽ biến đổi toàn diện hoạt động kinh doanh và tạo ra lợi nhuận vượt trội. Sự kỳ vọng này khiến họ kiên quyết chi tiền vào cổ phiếu công nghệ ngay cả khi giá cao do tâm lý lo sợ mất cơ hội. Tuy nhiên, khi có quá nhiều người cũng nhìn thấy cơ hội này thì đó là lúc hiệu ứng đám đông gây ra tác động tiêu cực và khiến giá trị bị đẩy lên đến mức siêu thực, làm méo mó thị trường và khiến nó buộc phải có sự điều chỉnh để tìm lại sự cân bằng.
5.2 Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 - 2021
2020 và 2021 là thời kỳ dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng nhất nhưng đó cũng là chu kỳ hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nó chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có cả về số lượng nhà đầu tư, lẫn giá trị và khối lượng giao dịch.
Cụ thể, sau khi chỉ số VN-Index hứng chịu đợt bán tháo mạnh vào tháng 3/2020, nó đã tăng trưởng một mạch từ mức 650 điểm lên hơn 1.500 điểm vào hồi cuối năm 2021. Trong thời gian này, đa phần các cổ phiếu đều có giá trị tăng gấp nhiều lần.
Dư thừa nguồn cung tiền: Dịch bệnh xuất hiện khiến phần lớn các ngành kinh tế đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Thực trạng này khiến một lượng tiền mặt lớn trở nên nhàn rỗi và đã đổ vào thị trường chứng khoán, khiến nó tăng trưởng vượt bậc bất chấp việc bản chất nền kinh tế đang trở nên trì trệ bởi dịch bệnh.
Hiệu ứng đám đông từ các nhà đầu tư mới: Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã thu hút được một lượng lớn người chưa từng tham gia thị trường. Số liệu thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, số lượng tài khoản mở mới của đã tăng phi mã và cao nhất vào tháng 11/2021, cũng là thời kỳ chỉ số VN-Index đạt đỉnh.
(Nguồn: CafeF)
Kinh tế khó khăn và thị trường chứng khoán đảo chiều: Kể từ đầu năm 2022, thời điểm dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, thì đây cũng là lúc nhiều hậu quả với nền kinh tế dần lộ diện. Tình hình lạm phát khiến lãi suất tăng cao, dẫn tới sự bán tháo hoảng loạn trên thị trường tài chính. Chỉ số VN-Index đã giảm một mạch từ 1.500 xuống mức dưới 1.000 điểm. Giai đoạn này cũng là lúc nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thị trường và đầu tư theo đám đông chịu thua lỗ nặng nề.
Chỉ số VN-Index (Nguồn: Tradingview)
►► Diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2020 đến 2022 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, tuy nhiên không thể không đề cập tới hiệu ứng đám đông. Nó đã lôi kéo hàng triệu nhà đầu tư mới tham gia thị trường bởi sự tò mò và kỳ vọng kiếm lời một cách dễ dàng từ việc nghe theo đám đông. Hậu quả của của tình trạng đó là rất nhiều người thiếu kinh nghiệm đã phải hứng chịu sự thua lỗ do không hiểu rõ nguyên nhân đằng sau sự tăng giá của thị trường.
6. Cách phòng tránh hiệu ứng đám đông trong đầu tư
• Nâng cao kiến thức
Trau dồi kiến thức là việc làm thiết yếu để tránh được hiệu ứng đám đông trong đầu tư và tài chính. Bằng việc hiểu rõ về nguyên tắc đầu tư, bạn sẽ có khả năng phân tích thị trường một cách khoa học và nhìn ra biến động dễ dàng hơn. Kiến thức giúp bạn phân biệt thông tin đúng sai, đảm bảo quyết định dựa trên dữ liệu và phân tích thay vì hành động của đám đông.
Nắm vững kiến thức cũng tạo sự tự tin trong việc đầu tư, giúp bạn không bị áp lực tâm lý. Sau khi xác định được cơ hội thực sự bằng phân tích kỹ lưỡng, sự tự tin khiến bạn trung thành với kế hoạch của mình, hạn chế sự sao nhãng bởi những yếu tố gây nhiễu từ môi trường bên ngoài. Sự kỷ luật luôn là một trong những bí quyết giúp một người có thể kiếm lợi nhuận dài hạn trên thị trường tài chính.
• Xác định mục tiêu và lập kế hoạch đầu tư
Xác định mục tiêu đầu tư một cách rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung và đưa ra quyết định phù hợp. Sự rõ ràng này giúp bạn không bị dao động bởi biến động ngắn hạn của thị trường do tâm lý đám đông gây ra. Ngoài ra, hãy tạo một chiến lược đầu tư phù hợp với mục tiêu, mức độ chấp nhận rủi ro và khoảng thời gian mong muốn. Chiến lược đóng vai trò như một lộ trình hành động, giúp bảo vệ bạn khỏi các quyết định bốc đồng theo đám đông.
Sự tìm hiểu cẩn thận và lập lế hoạch đầu tư rõ ràng trước khi đầu tư là vô cùng cần thiết. Việc dựa vào phân tích của bản thân thay vì mù quáng chạy theo xu hướng đám đông sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc thị trường và có nhiều quyết định chuẩn xác hơn.
• Kiểm soát cảm xúc
Như đã phân tích nguyên nhân gây ra hiệu ứng đám đông đó chính là cảm xúc của nhà đầu tư. Việc kiểm soát cảm xúc tốt khiến con người tránh được hành vi sợ bỏ lỡ cơ hội, hay các hành động bốc đồng gây ra bởi sự sợ hãi, tham lam hoặc phấn khích. Hãy nhớ rằng, cơ hội rất nhiều và lúc nào cũng có thể kiếm được lợi nhuận, điều này có thể giúp bạn không bị cuốn vào thị trường đang nóng đến mức nguy hiểm.
• Tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia
Sự tham khảo ý kiến của người khác là điều nên làm, tuy nhiên, đó phải là những người bạn có thể tin tưởng và có đủ chuyên môn để đưa ra những lập luận khách quan chứ không phải đám đông nói chung. Các chuyên gia thực sự biết cách né tránh nguy cơ từ hành vi của đám đông, hoặc tận dụng nó để kiểm lời.
7. Kết luận
Hiệu ứng đám đông thường xuyên có tác động mạnh mẽ lên quyết định của con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đầu tư tài chính. Hiệu ứng này có thể làm thị trường biến động mạnh mẽ, tạo ra một số điểm tích cực nhưng cùng với đó là bong bóng và tăng rủi ro tài chính.
Việc nâng cao kiến thức, xác định mục tiêu và lập kế hoạch đầu tư cụ thể giúp chúng ta trở nên tự chủ động và không bị cuốn theo quyết định của số đông. Một khía cạnh quan trọng khác đó là khả năng kiểm soát cảm xúc, điều sẽ rất cần thiết trong các tình huống thị trường biến đổi nhanh chóng, nơi hiệu ứng đám đông dễ tạo ra những quyết định bốc đồng và dẫn đến thất thoát tài chính.
Trong thế giới tài chính đầy biến động, khả năng đứng vững trước hiệu ứng đám đông và đưa ra quyết định thông minh là một kỹ năng cần phải có. Bằng việc kết hợp kiến thức, tư duy độc lập và tầm nhìn dài hạn, chúng ta có thể hạn chế các tác động không tốt của hiệu ứng này và tạo điều kiện đạt được sự thành công bền vững trong quản lý tài chính và đầu tư.
8. FAQs
• Hiệu ứng đám đông có thể ảnh hưởng tâm lý của con người như thế nào?
Hiệu ứng đám đông có thể tạo áp lực tâm lý, khiến con người cảm thấy cần phải tham gia vào đám đông hoặc bị cô lập nếu không chạy theo xu hướng chung. Ngoài ra, khi đám đông cùng nhắm đến một cơ hội, con người thường sẽ có tâm lý sợ bỏ lỡ và bị thôi thúc cũng phải tham gia.
• Tại sao con người thường tự đánh giá thấp kiến thức của mình trong so với đám đông?
Con người thường cảm thấy rằng đám đông biết nhiều hơn và có thông tin chính xác hơn, do đó họ cảm thấy việc tuân theo đám đông là quyết định đúng đắn.
• Hiệu ứng đám đông có liên quan đến tình trạng quá mua hoặc quá bán không?
Có, hiệu ứng đám đông thường dẫn tới tình trạng mua quá giá trị thực tế hoặc bán tháo một cách hoảng loạn bất kể giá trị thực sự của tài sản là bao nhiêu
• Hiệu ứng đám đông có thể thay đổi theo thời gian không?
Có, hiệu ứng đám đông có thể biến động phụ thuộc vào tình hình kinh tế, môi trường xã hội và công nghệ. Ví dụ, sự phổ biến của mạng xã hội có thể làm tăng tần suất và mức độ tác động của hiệu ứng đám đông.
• Hiệu ứng đám đông có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính như thế nào?
Hiệu ứng đám đông có thể làm tăng mạnh giá cả của một tài sản khi nhiều người mua tham gia thị trường dựa trên hành động của nhiều người khác. Điều này có thể làm tăng biến động giá, khiến giá cả vượt xa giá trị thực tế và tạo ra môi trường không ổn định trên thị trường tài chính.
• Chúng ta có thể hạn chế áp lực từ hiệu ứng đám đông bằng cách nào?
Để hạn chế áp lực từ hiệu ứng đám đông, nhà đầu tư nên tự tin vào phân tích của bạn than hoặc có thể tìm kiếm và thảo luận với những người có cùng tầm nhìn, để tạo ra sự ủng hộ và đồng thuận trong quyết định.
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.