Phân tích tiềm năng tăng trưởng của Monero (XMR). Có nên đầu tư “privacy coin” khi quy định quản lý tiền điện tử ngày càng nghiêm ngặt?

Monero (XMR) đã nổi lên như một trong những lựa chọn hàng đầu cho những ai tìm kiếm sự bảo mật và ẩn danh trong thế giới tiền kỹ thuật số. Ra mắt vào năm 2014, Monero nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ khả năng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng một cách toàn diện và hiệu quả. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng khiến nó nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý và đã bị hủy niêm yết khỏi rất nhiều sản giao dịch.
Qua bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về Monero là gì, khả năng bảo mật và liệu Monero có phải đồng tiền điện tử đáng để đầu tư ở thời điểm hiện tại.
1. Monero là gì?
● Giới thiệu về Monero (XMR)
Monero (XMR) là một loại tiền điện tử mã nguồn mở, ra mắt vào tháng 4 năm 2014, nhằm cung cấp tính ẩn danh và bảo mật tối đa cho người dùng. Khác với nhiều loại tiền điện tử khác như Bitcoin, Monero được thiết kế để che giấu hoàn toàn thông tin giao dịch, bao gồm số lượng tiền được chuyển, địa chỉ người gửi và người nhận, qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến.
Monero ban đầu được phát triển từ một dự án tiền điện tử có tên BitMonero, là một nhánh của Bytecoin - đồng tiền điện tử đầu tiên sử dụng giao thức CryptoNote, nổi tiếng với tính bảo mật cao. Sau đó, BitMonero được đổi tên thành Monero, từ "monero" trong tiếng Esperanto có nghĩa là "đồng tiền".
● Thông tin cơ bản về Monero (XMR)
Monero coin hay ký hiệu XMR là đồng coin gốc của mạng Monero. Không giống như BTC bị giới hạn nguồn cung ở con số 21 triệu đồng, XMR có nguồn cung vô hạn. Tại thời điểm mình viết bài này, nguồn cung đang lưu hành ngoài thị trường vào khoảng 18,14 triệu XMR (theo CoinGecko).
Phân khúc privacy coin. Nguồn: CoinGecko
Là một dự án tập trung vào quyền riêng tư, XMR hiện đang dẫn đầu trong số các đồng coin thuộc phân khúc này (privacy coin). Tổng vốn hóa toàn thị trường privacy coin vào khoảng hơn 7,56 tỷ USD với khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất vào khoảng 352 triệu USD. Phân nửa trong đó là đến từ Monero.
Các sàn giao dịch XMR có khối lượng lớn nhất. Nguồn: CoinGecko
Sự bảo mật thông tin giao dịch khiến XMR đang chịu nhiều sức ép từ các cơ quan quản lý. Do đó, một số sàn giao dịch đã từ chối niêm yết XMR trong khi những sàn khác đã hủy niêm yết đồng coin này. Mặc dù vậy, tại thời điểm mình viết bài, nhiều sàn giao dịch tập trung lớn trên thế giới như Kraken, Kucoin, Gate.io… vẫn đang hỗ trợ niêm yết và giao dịch đồng privacy coin này.
Người dùng có thể lưu trữ XMR coin trên ví nóng của các sàn CEX kể trên. Ngoài ra, có một số lựa chọn ví phần mềm không lưu ký khác như MetaMask hay Trust Wallet… Cao cấp và an toàn hơn, người dùng có thể sử dụng các loại ví phần cứng không lưu ký như Ledger hay Trezor…
2. Đặc điểm của dự án Monero
☀️ Tính ẩn danh và bảo mật
- Chữ ký vòng (Ring Signatures): Chữ ký vòng là một công nghệ bảo mật quan trọng trong Monero. Khi một giao dịch được thực hiện, địa chỉ của người gửi được trộn lẫn với một nhóm các địa chỉ khác. Điều này làm cho việc xác định nguồn gốc thực sự của giao dịch trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Chữ ký vòng đảm bảo rằng tất cả các chữ ký trong một vòng đều có thể là chữ ký thật, nhưng không ai có thể biết chính xác ai là người thực hiện giao dịch.
- Giao dịch bảo mật (Confidential Transactions - RingCT): RingCT là một công nghệ khác được sử dụng để che giấu số lượng tiền được giao dịch. Khi một giao dịch Monero được thực hiện, số lượng tiền được mã hóa và chỉ có những người có khóa giải mã mới có thể truy cập thông tin này. Điều này đảm bảo rằng ngay cả khi giao dịch được nhìn thấy công khai trên blockchain, số lượng tiền vẫn được giữ bí mật, tăng cường tính ẩn danh và bảo mật cho người dùng.
- Địa chỉ ẩn (Stealth Addresses): Địa chỉ ẩn cho phép người gửi tạo ra một địa chỉ ngẫu nhiên cho mỗi giao dịch thay cho việc sử dụng địa chỉ cố định của người nhận. Điều này có nghĩa là không thể liên kết trực tiếp các giao dịch với một địa chỉ công khai cụ thể, giúp bảo vệ sự riêng tư cho cả người gửi và người nhận.
☀️ Khả năng chống phân tích dữ liệu blockchain
Monero sử dụng nhiều lớp bảo mật để đảm bảo rằng thông tin giao dịch không thể bị phân tích hoặc truy vết dễ dàng. Điều này giúp bảo vệ người dùng khỏi việc bị theo dõi bởi các bên thứ ba, bao gồm cả chính phủ và các tổ chức tài chính.
☀️ Tính phi tập trung
Monero sử dụng giao thức Proof of Work (PoW) với thuật toán khai thác RandomX, được thiết kế để chống lại các ASIC (Application-Specific Integrated Circuits). Điều này giúp duy trì tính phi tập trung của mạng, cho phép việc khai thác Monero trở nên dễ tiếp cận hơn với người dùng thông thường, sử dụng CPU của họ thay vì phải dựa vào các thiết bị chuyên dụng đắt tiền.
☀️ Khả năng mở rộng
Monero có khả năng mở rộng tốt hơn so với nhiều loại tiền điện tử khác nhờ vào kích thước khối (block size) động. Không giống như Bitcoin, có kích thước khối cố định, Monero cho phép kích thước khối thay đổi dựa trên nhu cầu mạng. Điều này giúp giảm thiểu vấn đề tắc nghẽn mạng và phí giao dịch cao trong thời gian có nhiều giao dịch.
☀️ Ứng dụng và trường hợp sử dụng thực tế
Monero được sử dụng rộng rãi trên các thị trường trực tuyến, đặc biệt là các nền tảng yêu cầu tính ẩn danh cao. Đồng thời, nó thu hút sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức quan tâm đến quyền riêng tư trong giao dịch tài chính. Với khả năng bảo mật mạnh mẽ, Monero thường được sử dụng trong các hoạt động cần bảo vệ thông tin giao dịch khỏi sự theo dõi của bên thứ ba.
☀️ Thách thức và nhược điểm
Mặc dù có nhiều ưu điểm, Monero cũng đối mặt với một số thách thức. Tính ẩn danh cao của nó có thể bị lợi dụng cho các hoạt động phi pháp, như rửa tiền và giao dịch trên thị trường đen. Điều này đã khiến nhiều quốc gia và tổ chức tài chính quan ngại, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài ra, việc bảo mật và ẩn danh tuyệt đối cũng làm cho việc tuân thủ pháp luật và truy vết giao dịch hợp pháp trở nên khó khăn.
3. Sự phát triển của Monero trong những năm gần đây
Như mình đã chia sẻ ở trên, dự án Monero được ra mắt vào năm 2014. Tính đến nay, Monero cũng đã trải qua 10 năm hình thành và phát triển. Sau 10 năm, hãy cùng xem mạng lưới Monero đã phát triển như thế nào thông qua một vài tiêu chí sau đây nhé.
Thứ nhất, tỷ lệ hash rate và độ khó khai thác của mạng lưới
Vì là một mạng sử dụng cơ chế đồng thuận PoW nên hash rate sẽ là yếu tố để đo lường sức mạnh tổng thể của mạng. Hiểu đơn giản thì tỷ lệ hash rate càng cao, độ khó khai thác càng lớn thì tỷ lệ cạnh tranh càng cao và ngược lại.
Monero hash rate. Nguồn: 2miners
Dựa theo dữ liệu từ 2miners, tỷ lệ hash rate của Monero từng đạt đỉnh vào tháng 1/2022 ở mức 3,5 GH/s nhưng đã giảm dần cho tới thời điểm hiện tại chỉ giao động quanh mức 2,5 GH/s. Điều này dường như đi đúng với diễn biến giá của đồng XMR. Dữ liệu cho thấy độ khó của việc khai thác XMR đang giảm dần và việc khai thác XMR trở nên dễ hơn với các thợ đào.
Thứ hai, mức phí giao dịch
Xét trong cùng phân thức các giải pháp ứng dụng cơ chế PoW, Monero có một mức phí khá ấn tượng. Cụ thể, Bitcoin đưa đến cho người dùng với một mức phí đắt đỏ thì phí trung bình trên Monero chỉ vào khoảng 0,04 USD. Không chỉ so với Bitcoin mà ngay cả với những hình thức thanh toán truyền thống, Monero cũng đã và đang cho thấy những hiệu suất ấn tượng. Có lẽ điều này phần nào cho thấy sự tin tưởng và chấp nhận của người dùng.
Mức phí trung bình trên mạng Monero. Nguồn: Messari
Thứ ba, tỷ lệ lợi nhuận khai thác Monero
Khi tỷ lệ hash rate cùng độ khó đào tăng lên, điều đó đồng nghĩa với việc tỷ lệ lợi nhuận khi khai thác trên mạng Monero sẽ giảm đi. Theo ước tính của bitinfocharts, lợi nhuận tạm tính trung bình ở thời điểm hiện tại là 0,0327 USD/ngày cho 1 KHash/s. Mức cao nhất mà nó từng đạt được vào khoảng 0,143 USD ghi nhận vào thời điểm dự án mới ra mắt. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng dù tỷ lệ phần thưởng khai thác cao nhưng giá đồng coin thời điểm đó khá thấp so với mức giá hiện tại.
Tỷ lệ phần thưởng khi khai thác trên mạng Monero. Nguồn: Bitinfocharts
4.Lịch sử giá XMR và phân tích kỹ thuật
● Lịch sử giá XMR
XMR là một trong những đồng tiền điện tử xuất hiện từ rất sớm và trải qua hai chu kỳ tăng giá mạnh mẽ của thị trường vào 2017 và 2021. Giá XMR từng tăng từ mức 10 - 11 USD lên tới hơn 400 USD vào năm 2017. Tuy nhiên, sau đó, XMR đã đi vào một chu kỳ giảm giá dài hạn trong suốt 2018 - 2019. Giá XMR chỉ quay trở lại xu hướng tăng thực sự từ tháng 3-2020 và đạt đỉnh mới ở 512 USD vào tháng 4/2021. Nó phá qua mức đỉnh cũ nhưng cũng không duy trì được lâu và giảm mạnh ngay sau đó. XMR đã ở trong xu hướng giảm trong suốt 2020 và 2023, chỉ đi ngang trong khu vực 100 - 180 USD.
Biểu đồ XMR trong vòng 10 năm qua (Nguồn: Tradingview)
● Phân tích kỹ thuật XMR
Nhìn vào biểu đồ khung 1W, có thể thấy giá XMR đã đi ngang trong khoảng thời gian khá dài ở khu vực từ 120 đến 180 USD mà chưa có dấu hiệu sẽ sớm bứt phá hay giảm sâu hơn. Đây được coi là vùng tích lũy dài hạn của XMR. Với việc hiện giá đang tiệm cận vùng cản trên 180 USD, nếu bạn là một người giao dịch theo biên độ thì đây có thể là một thời điểm bán ra thích hợp. Mặc dù vậy, xu hướng đi ngang có thể bị phá vỡ bất kỳ lúc nào, do đó, nếu điều này xảy ra thì mốc 200 và 240 là rất đáng để xem xét trong khung tuần.
Biều đồ giá XMR trong khung 1W (Nguồn: Tradingview)
Giá XMR đã tăng mạnh kể từ hồi đầu tháng 4 tới nay, chính vì vậy, RSI của nó đang ở mức khá cao là 73 và mới chỉ hạ nhiệt xuống 63 cách đây ít ngày. MACD cũng cho dấu hiệu hụt hơi khi đã tăng vọt trong 2 tháng vừa qua nhưng đang có dấu hiệu chững lại và hướng xuống đường tín hiệu.
Trong kịch bản tích cực, XMR sẽ tích lũy một thời gian tại khu vực từ 170 đến 180 USD trước khi tiếp tục chinh phục mức cần hướng đến tiếp theo là 200 và 240 USD. Ở chiều hướng ngược lại, giá hiện đã chạm vùng cản trên của xu hướng đi ngang dài hạn nên có thể sẽ cần điều chỉnh xuống khu vực 160 hoặc xa hơn là 140 USD.
Biều đồ giá XMR trong khung 1D (Nguồn: Tradingview)
5. Có nên đầu tư đồng XMR?
Việc có nên đầu tư đồng XMR hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ đánh giá của bạn về tính ẩn danh mà đồng tiền này cung cấp cũng như mức độ chấp nhận nó trên toàn thế giới. Có hai thái cực trái ngược xoay quanh đồng coin này và điều này đã tạo bước cản không nhỏ đến thành công của Monero.
+ Một mặt, những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng quyền riêng tư tài chính đối với các cá nhân và tổ chức là một quyền cơ bản và việc thiếu quyền riêng tư đã dẫn đến một môi trường tài chính đen tối đầy rẫy sự kiểm duyệt, hạn chế và các hình thức giám sát có vấn đề nghiêm trọng khác.
+ Mặt khác, một bộ phận lại cho rằng tính ẩn danh được cung cấp bởi các công nghệ mới như các đồng privacy coin có thể góp phần vào việc tạo điều kiện cho các hoạt động đáng ngờ và/hoặc có thể là bất hợp pháp.
Monero có những vấn đề tiềm ẩn của nó. Các quốc gia đã cấm nó và các sàn giao dịch đã hủy niêm yết nó. Điều đó có thể kìm hãm giá trị của nó vì tính khả dụng trên các sàn giao dịch tiền điện tử lớn ảnh hưởng đến mức giá của một đồng coin. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, Monero có thể sẽ vẫn là một khoản đầu tư tốt vì một số lý do sau đây.
+ Thứ nhất, nó có vị thế thích hợp trong hệ sinh thái tiền điện tử. Nó dẫn đầu trong số các đồng privacy coin và gần như tất cả những ai quan tâm đến đồng tiền dạng này đều biết về Monero. Có một số đồng coin khác, đáng chú ý nhất là Zcash, nhưng không có thứ nào đạt được mức độ thành công của Monero.
+ Thứ hai, Monero có mục đích sử dụng rõ ràng vì có rất nhiều lý do khiến mọi người muốn có một loại tiền điện tử giữ cho các giao dịch của họ ở chế độ riêng tư. Mặc dù một số sử dụng Monero cho các hoạt động bất hợp pháp, nhưng những người dùng khác không muốn công khai về các giao dịch tiền điện tử của họ.
Tuy nhiên, mặc dù có thể Monero vẫn là một khoản đầu tư đáng được chú ý nhưng giống như các loại tiền điện tử khác, nó có biến động rất mạnh. Biến động giá trong năm suốt thời gian từ 2016 đến 2023 đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Vì vậy hãy đảm bảo bạn hiểu rõ về nó và chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi về giá trong tương lai.
● Dự đoán giá XMR trong năm 2024 và 2025
Việc đưa ra dự đoán với XMR là vô cùng khó khăn do sự biến động mạnh của thị trường tiền điện tử, mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể có một mức ước lượng nhằm định hình chiến lược giao dịch và kỳ vọng tăng giá.
Trang Coinpedia cho rằng, trong năm 2024, giá XMR sẽ thấp nhất là 117 USD và cao nhất là 257 USD, tức là tương đương mức tăng khoảng 40% so với hiện tại. Mức giá trung bình đối với XMR được dự đoán là 202 USD.
Nền giá trong 2025 của XMR được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng với mức tối đa nó có thể đạt được là 416 USD và mức thấp nhất là 194 USD, trong khi mức giá trung bình được dự đoán là 205 USD.
Dự đoán giá Monero (Nguồn: Coinpedia)
Theo CoinStats, XMR có thể đạt mức cao nhất ở 283 USD vào năm 2024, trong khi mức thấp nhất là 116 USD và mức trung bình là 248 USD. Đến năm 2025, mặt bằng giá sẽ tiếp tục neo cao với mức đỉnh là 334 USD và thấp nhất là 277 USD. Trong những năm tiếp theo, giá XMR tiếp tục tăng cao và đến năm 2030, nó có thể đạt 970 USD.
Dự đoán giá Monero (Nguồn: CoinStats)
6. Ba yếu tố tác chính động đến giá XMR
Thị trường tiền điện tử còn quá nhỏ so với thị trường tài chính truyền thống. Do đó, chỉ cần những tác động nhẹ, dù là tiêu cực hay tích cực cũng có thể khiến giá XMR biến động. Cụ thể:
☀️ Một là sự đàn áp của các cơ quan chức năng về tính riêng tư của đồng coin này. Càng nhiều quốc gia đàn áp khiến XMR bị hủy niêm yết (delist) càng nhiều thì giá càng có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng. Tùy vào cộng đồng cũng như mức độ tin tưởng vào đồng coin mà mức sụt giảm về giá đó sẽ nhanh hay chậm.
☀️ Hai là xu hướng thị trường. Phần lớn các đồng coin trên thị trường hiện nay đều tuân theo biến động giá của BTC. Dòng tiền thường ưu tiên chảy vào BTC sau đó đến các đồng coin vốn hóa lớn. Khi thị trường rơi vào trạng thái downtrend như hiện tại, thật khó để có thể thấy Monero có một sức tăng trưởng thần kỳ.
☀️ Ba là các tin tức tiêu cực/tích cực liên quan đến dự án. Trong thời buổi “mua tin đồn, bán sự thật” các nhà đầu tư vẫn luôn bị chi phối bởi các tin tức đáng chú ý. Lấy ví dụ, thông tin về việc Monero bị hack hay đồng XMR được phát giác sử dụng trong các hoạt động tội phạm ở một quốc gia nào đó… có thể kích hoạt tâm lý bán tháo khiến giá giảm mạnh.
7. Cách mua và sở hữu XMR token
Để có thể mua và/hoặc sở hữu XMR token, có hai cách chính mà người dùng có thể áp dụng. Một là trở thành một người khai thác, đầu tư hệ thống máy tính để giải các bài toán, kiếm phần thưởng bằng XMR. Cách thứ hai đơn giản hơn đó là mua nó trực tiếp từ các sàn giao dịch.
Như đã chia sẻ ở trên, mặc dù bị giám sát bởi tại một số quốc gia nhưng XMR hiện vẫn đang được niêm yết trên một số sàn giao dịch tập trung lớn. Để có thể mua được XMR token, người dùng có thể thực hiện theo hai bước cơ bản sau đây:
+ Bước 1: Tạo tài khoản và thực hiện eKYC trên các sàn CEX. Phần lớn việc tạo tài khoản đã giúp bạn có thể bắt đầu giao dịch XMR được rồi. Tuy nhiên, để có thể rút XMR sang các nền tảng khác, thông thường các sàn sẽ yêu cầu người dùng thực hiện eKYC.
+ Bước 2: Nạp tiền và thực hiện giao dịch. Hầu hết các sàn giao dịch hiện nay đều hỗ trợ việc nạp tiền thông qua thẻ tín dụng. Bạn có thể nạp tiền để mua một loại tiền điện tử trung gian (như BTC, USDT…) sau đó mua XMR hoặc mua trực tiếp XMR từ đồng đô la Mỹ trên một số sàn hỗ trợ.
8. Lời kết
Trong khi nhiều người ủng hộ tiền điện tử và những người có lý tưởng tự do ủng hộ quyền riêng tư trực tuyến hoàn toàn, thì nhiều người khác lại tranh luận về ưu và nhược điểm của việc ẩn danh tuyệt đối.Và hiện Monero đang ở ngã ba đường của sự tranh cãi này. Sự thành công của Monero với tư cách là một khoản đầu tư tiền điện tử sẽ phụ thuộc vào mức độ đánh giá của thị trường về tính ẩn danh mà nó cung cấp.
Đó chính là vấn đề tiềm ẩn lớn nhất của Monero. Một số quốc gia đã cấm nó và các sàn giao dịch đã hủy niêm yết nó. Điều đó có thể kìm hãm giá trị của XMR vì tính khả dụng trên các sàn giao dịch tiền điện tử lớn ảnh hưởng đến mức giá của một đồng coin. Và nếu bạn cho rằng tiền riêng tư đóng một vai trò quan trọng, đây có thể là một sự lựa chọn đáng chú ý.


Monero khác gì so với Bitcoin?
Tại sao tương lai của Monero lại là một vấn đề gây tranh cãi?
Monero có hỗ trợ hợp đồng thông minh không?
Monero có thể bị cấm hoàn toàn không?
! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư.
Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào.
Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch.
Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email:. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.